Ktetaichinh’s Blog

January 16, 2010

Giá mặt bằng bán lẻ TP HCM lại sốt

Filed under: Uncategorized — ktetaichinh @ 6:40 pm
Tags:

Saturday, 16. January 2010, 06:39:02

Trong khi cao ốc văn phòng được dự báo sẽ tiếp tục giảm thêm 15% và có thể chạm đáy trong năm 2010; thì giá thuê trung tâm thương mại, mặt bằng bán lẻ đã leo lên đỉnh điểm: 220-250 USD mỗi m2 một tháng, tăng 25%.

Báo cáo thị trường mới nhất của hai đơn vị tư vấn bất động sản CBRE và Savills đều có chung điểm nhấn. Đó là viễn cảnh văn phòng cho thuê tiếp tục tụt dốc, còn trung tâm thương mại và mặt bằng bán lẻ chớp thời cơ thắng lớn.

Công ty CBRE cho biết, khung giá dự kiến chào thuê mặt bằng tại tòa tháp thương mại Vincom Plaza và Bitexco Finalcial (quận 1) chuẩn bị trình làng trong năm 2010 sẽ trên 200 USD mỗi m2 đối với vị trí đẹp. Đơn vị này cho hay, giá thuê cao nhất tại khu vực quận 1 đã có điểm lên tới 250 USD mỗi m2 một tháng.

Khảo sát thị trường bán lẻ do Savills công bố, giá thuê mặt bằng cao nhất Việt Nam là 220 USD mỗi m2 cho kiot trong trung tâm thương mại Diamond Plaza, quận 1, TP HCM. Các mặt bằng khác trong tòa nhà Saigon Center, chợ Bến Thành, cũng đứng trong hàng top điểm bán lẻ có giá thuê đắt đỏ.

Theo CBRE, mặc dù tỷ lệ bị bỏ trống của các trung tâm thương mại tăng 0,9%, nhưng giá thuê mặt bằng vẫn nhích 25,5% so với quý III năm ngoái. Mức giá chào thuê trung bình đối với vị trí tốt vẫn không ngừng tăng lên và đạt 97,4 -99 USD mỗi m2 một tháng. Khung giá này tăng cao là do sức ảnh hưởng từ giá thuê của 2 trung tâm thương mại mới có vị trí đắc địa tại quận 1: Kumho Asiana Plaza và Saigon Square 2; chứ chưa thực sự là bản chất của toàn thị trường. Trên thực tế các tòa tháp thương mại xa trung tâm có giá thuê trung bình dừng lại ở mức 46,6 USD mỗi m2 một tháng. Còn dự báo của Savills, giá mặt bằng bán lẻ sẽ có sự tăng nhẹ, tập trung hầu hết ở khu vực trung tâm, nhiều nhất là quận 1.

Từ năm 2010 đến 2012, TP HCM cũng sẽ được “dội bom” thêm hàng trăm nghìn m2 sàn trung tâm thương mại lớn nhỏ trải dài khắp các quận nội thành. Đó là Tân Phong shopping comlex, The Crescent (quận 7), Saigon Pearl (quận Bình Thạnh), Vincom, SJC Tower, cao ốc tài chính Bitexco, Saigon M&C (quận 1) Platinum Bình Chánh…

Khảo sát của VnExpress.net, trong năm 2009, từng có thời kỳ mặt bằng tọa lạc tại những vị trí đắc địa có giá thuê kịch trần 250 USD mỗi m2 một tháng. Tuy nhiên mức giá thuê trung bình trong ba quý đầu năm 2009 chỉ dừng lại ở con số 85 USD mỗi m2. Từ quý IV trở đi, khung giá thuê mặt bằng bán lẻ thuộc hàng “đỉnh” ở khu vực trung tâm đã nhích thêm 10%. Hầu như các tuyến phố đẹp như: Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lý Tự Trọng, những ngã đường nhỏ đổ về 4 cửa của chợ Bến Thành, phố Hai Bà Trưng, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tôn, Trương Định, Cách Mạng Tháng Tám… đều đua nhau tăng giá chào thuê mặt bằng.

Trái ngược với mặt bằng bán lẻ thẳng đà tiến thì cao ốc văn phòng vẫn tiếp tục sụt giảm giá thuê do nguồn cung liên tục được lấp đầy. Savills dự báo giá văn phòng cho thuê chỉ giảm nhẹ trong năm 2010. Tuy nhiên, CBRE cho rằng thị trường này sẽ giảm thêm 15% so với năm ngoái và có thể chạm mức giá đáy. Sau giai đoạn khó khăn tuột dốc thị trường văn phòng sẽ có sự điều chỉnh mạnh về giá và ổn định trở lại.

Nguyên nhân sụt giảm của thị trường cao ốc văn phòng, là do nguồn cung có sự gia tăng đột biến. Cụ thể, trong quý IV năm ngoái đã có 38.000 m2 diện tích sàn văn phòng cho thuê, chủ yếu rơi vào văn phòng hạng C. Báo cáo quý IV của CBRE, giá chào thuê trung bình tại 7 cao ốc văn phòng hạng A ở mức 40,4 USD mỗi m2 một tháng, giảm 2,2% so với quý III. Nhu cầu văn phòng hạng B và C chủ yếu từ khách thuê là các công ty Việt Nam.

Ngoài diễn biến trái chiều của hai mảng thị trường văn phòng và trung tâm thương mại, năm 2010 căn hộ cũng được dự báo sẽ tăng nhiệt ở phân khúc trung cấp trở xuống, giá trị khoảng 800 USD mỗi m2.

Một chuyên gia bất động sản cho biết, dù điểm sáng của thị trường căn hộ rơi vào phân khúc trung bình nhưng không có nghĩa là các sản phẩm cao cấp bị lãng quên. Trái lại, TP HCM và các tỉnh dọc theo duyên hải miền Trung sẽ tiếp tục xuất hiện nhiều dòng sản phẩm siêu cao cấp với số lượng giới hạn, giá trị lên đến hàng triệu USD mỗi căn.

Sẽ sửa quy định về lãi suất cơ bản

Filed under: Uncategorized — ktetaichinh @ 6:38 pm
Tags: ,

http://my.opera.com/smalldreams/blog/show.dml/6545221

Mới đây, ngày 14-1, một cuộc họp của Quốc hội thống nhất sẽ họp thông qua bỏ quy định về lãi suất cơ bản trong Bộ luật Dân sự. Vì thực tế, quy định lãi suất huy động không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố là không phù hợp. Theo ông Nghĩa, quy định này không có khả năng thực thi trong thời gian dài vì các ngân hàng đều vi phạm, cả “bên đơn” và “bên bị” đều vi phạm nhưng không ai kiện ai.

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, trong những năm tới, mục tiêu là phải chuyển từ nền kinh tế dựa vào tài nguyên sang nền kinh tế dựa vào năng suất và nền kinh tế dựa vào sáng tạo. Trong năm 2010, các ưu đãi thuế chấm dứt, các ngân hàng quốc tế tiếp tục tham gia vào thị trường Việt Nam. Cam kết WTO và AFTA khiến cho cạnh tranh ngày càng gay gắt và sòng phẳng hơn. Các chỉ tiêu kinh tế đưa ra cho nền kinh tế Việt Nam 2010 sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của ngân hàng: GDP tăng 6,5%, dự kiến đạt 1.931 tỉ đồng, kim ngạch xuất khẩu tăng trên 6%, bội chi ngân sách 6,2% GDP, lạm phát dưới 7%…

Ngân hàng rủng rỉnh lợi nhuận

Filed under: Uncategorized — ktetaichinh @ 6:36 pm
Tags: ,

Saturday, 16. January 2010, 06:52:23

Không chỉ với nhà băng lớn mà các ngân hàng nhỏ cũng sớm hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận năm 2009.

So với 3 quý đầu năm 2009, trong quý IV, đà tăng lợi nhuận của nhiều ngân hàng đã giảm do chênh lệch lãi suất đầu vào – đầu ra thu hẹp. Thế nhưng, lợi nhuận cả năm được nhiều nhà băng công bố ở mức khá ấn tượng, vượt xa chỉ tiêu đề ra đầu năm.

Tín dụng điều chỉnh vào cuối năm

Ba quý đầu năm, đặc biệt là trong quý II – III/2009, lợi nhuận ngân hàng thu về chủ yếu do sự đóng góp từ nguồn thu của hoạt động tín dụng. Bởi đây được xem là giai đoạn tín dụng của ngành tăng tốc nhờ chính sách hỗ trợ lãi suất. Cũng tại thời điểm trên, lợi nhuận ngân hàng được công bố ở mức tương đối.

Chẳng hạn, Sacombank có lợi nhuận trước thuế tính đến hết quý III/2009 đạt 1.536 tỷ đồng, trong đó nguồn thu từ lãi (gồm hoạt động tín dụng, trái phiếu, kinh doanh vốn trên thị trường liên ngân hàng) chiếm đến 61%.

Phần còn lại thu từ dịch vụ và thu nhập khác.

Còn con số lợi nhuận cả năm 2009 vừa được Sacombank công bố ở mức 1.901 tỷ đồng (sau khi trích lập dự phòng đầu tư tài chính và rủi ro tín dụng, nhưng chưa bao gồm lợi nhuận hợp nhất từ các công ty con).

Trong đó, riêng tháng 12, Ngân hàng đạt 243 tỷ đồng. Về cơ cấu thu nhập đóng góp vào lợi nhuận vừa được Sacombank công bố thì nguồn thu từ tín dụng chỉ chiếm 25,5%, còn lại là thu từ dịch vụ và thu nhập khác. Nếu tính chung thì thu nhập từ lãi (gồm hoạt động tín dụng, trái phiếu, kinh doanh vốn trên liên ngân hàng) của Sacombank vẫn chiếm tỷ lệ 60% trong tổng lợi nhuận.

Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB cho biết, lợi nhuận trước thuế hợp nhất (bao gồm cả từ các công ty con trực thuộc Ngân hàng) thu về của Ngân hàng trong năm 2009 đạt 2.818 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập từ tín dụng chiếm 20%; dịch vụ 26%; thu từ việc kinh doanh vốn trên liên ngân hàng 4%; trái phiếu 24% và 25% còn lại là thu nhập khác.

Tính đến cuối năm 2009, tổng tài sản ACB đạt 172.000 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đạt 62.000 tỷ đồng và nguồn vốn huy động là 124.000 tỷ đồng. An toàn vốn của ACB xấp xỉ 40%.

Tương tự, tại Maritime Bank, nguồn thu từ hoạt động tín dụng trong năm qua cũng chỉ chiếm 25% trong tổng lợi nhuận. Điều đáng nói là lợi nhuận của ngân hàng này trong năm qua đã vượt khá xa so với chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2009, lợi nhuận từ kinh doanh của Maritime Bank chốt ở con số 1.084 tỷ đồng, tăng 132% so với năm 2008 và vượt gần 500 tỷ đồng so với kế hoạch đầu năm.

Trao đổi với ĐTCK, ông Trần Anh Tuấn, Tổng giám đốc Maritime Bank cho biết, sở dĩ lợi nhuận thu về đạt con số trên là do nguồn thu từ hoạt động phi tín dụng (dịch vụ phát sinh, trái phiếu, chứng khoán nợ, dịch vụ…) của Ngân hàng gia tăng.

Trên thị trường liên ngân hàng, Maritime Bank luôn được đánh giá là một đối tác uy tín và tiềm năng. Tổng nguồn vốn huy động của Maritime Bank tính đến cuối năm 2009 đạt 60.000 tỷ đồng. Báo cáo hàng tháng, tỷ lệ khả năng chi trả trong 7 ngày của Maritime Bank luôn đạt trên 1,75%. Đây chính là cơ sở cho sự phát triển bền vững của ngân hàng này.

Còn với BIDV, tổng tài sản đến ngày 31/12/2009 là 300.000 tỷ đồng (năm 2008 là 242.000 tỷ đồng); dư nợ tín dụng cho vay năm 2009 đạt trên 194.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2009 của BIDV là 3.450 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu là 3% tính đến cuối năm 2009 (năm 2008 là 4%).

Tổng giám đốc Techcombank, ông Nguyễn Đức Vinh cũng cho ĐTCK biết, lợi nhuận trước thuế trong năm 2009 của riêng Ngân hàng đạt 2.138 tỷ đồng. Còn lợi nhuận sau thuế khi hợp nhất, trong đó có cả công ty con trực thuộc, là 2.250 tỷ đồng (sau khi đã trích lập dự phòng rủi ro 550 tỷ đồng).

Vietinbank cho biết, năm 2009, lợi nhuận sau khi trích dự phòng rủi ro là 3.018 tỷ đồng, vượt 16% so với Nghị quyết ĐHCĐ đã đề ra. Số dư nguồn vốn huy động đạt 221.700 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 46.900 tỷ đồng (26,7%). Còn dư nợ cho vay và đầu tư đạt 218.000 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 43.000 tỷ đồng (24,6%). Hoạt động cho vay và đầu tư chiếm tỷ trọng 91%/tổng tài sản. Đến hết năm 2009, dư nợ cho vay nền kinh tế của Vietinbank đạt 162.300 tỷ đồng, tăng 42.300 tỷ đồng (35,2%).

DongA Bank cho biết, đạt lợi nhuận trước thuế cả năm 2009 là 782 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra (750 tỷ đồng). Số dư huy động bình quân đạt 33.392 tỷ đồng, đạt 104,35% kế hoạch năm 2009; dư nợ tín dụng bình quân là 29.463 tỷ đồng, đạt 109,12% kế hoạch năm 2009.

Mặc dù đến nay, Eximbank vẫn chưa công bố chính thức con số lợi nhuận năm 2009, nhưng một cán bộ trong Hội đồng đầu tư ngân hàng này cho biết, Eximbank đã sớm hoàn tất chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đề ra trong năm qua là 1.500 tỷ đồng.

Không chỉ với nhà băng lớn mà các ngân hàng nhỏ cũng sớm hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận năm 2009.

Theo HDBank, kết thúc năm 2009 tổng tài sản của Ngân hàng là 19.140 tỷ đồng, đạt 142% kế hoạch; huy động vốn đạt 17.119 tỷ đồng, bằng 155,51% kế hoạch; dư nợ 8.231 tỷ đồng, đạt 107,36%, tăng 33,3% so với đầu năm; tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,1%. Lợi nhuận trước thuế đạt 255 tỷ đồng, tăng 218,75% so với đầu năm và đạt 148,26% kế hoạch năm 2009 (sau khi đã trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro).

HDBank cho biết, để có được những con số khả quan nói trên là nhờ vào kết quả của việc tái cơ cấu tổ chức. Đồng thời, Ngân hàng tiếp tục triển khai các dịch vụ mới như SMS Banking, Internet Banking dựa trên nền tảng Core Banking. Còn nguồn thu từ hoạt động tín dụng đóng góp 50% vào lợi nhuận của HDBank.

ABBank cho biết, năm 2009 lợi nhuận trước thuế thu về đạt trên 415,57 tỷ đồng, hoàn thành 100% chỉ tiêu đề ra. Các chỉ số tài chính khác cũng tăng trưởng khá. Cụ thể, vốn điều lệ đạt 3.482 tỷ đồng, tổng tài sản đạt trên 26.576 tỷ đồng… Dư nợ cho vay của ABBank trong năm qua đạt 12.883 tỷ đồng; huy động từ dân cư và các tổ chức kinh tế đạt trên 15.000 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế của VietA Bank năm 2009 là 274 tỷ đồng so với chỉ tiêu đầu năm là 270 tỷ đồng. Ông Võ Văn Khang, Phó tổng giám đốc VietA Bank cho biết, nguồn thu từ sàn vàng đóng góp không nhiều vào tổng lợi nhuận của Ngân hàng trong năm qua.

Trích lập dự phòng ít và có hoàn nhập

Nếu cuối năm 2008, các ngân hàng phải trích lập dự phòng đầu tư tài chính và rủi ro tín dụng cao khi tỷ lệ nợ xấu gia tăng, chứng khoán giảm giá thì cuối năm 2009, nhiều khoản trích lập dự phòng năm trước đã được hoàn nhập. Đồng thời, các khoản trích lập dự phòng rủi ro tín dụng và đầu tư tài chính cuối năm qua cũng ít hơn.

Chẳng hạn tại Vietcombank, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT cho biết, khoản trích lập dự phòng của Ngân hàng cuối năm 2009 chỉ ở mức 400 – 500 tỷ đồng, bằng phân nửa so với năm trước (1.200 tỷ đồng). Kết thúc 11 tháng năm 2009, Vietcombank đạt 4.400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Ước tính cả năm sẽ vượt trên mức này, trong đó ông Bình cho biết, có một phần được hoàn nhập dự phòng của năm trước để lại.

Trong tổng số lợi nhuận của Techcombank, ông Vinh cho biết, có 100 tỷ đồng được hoàn nhập từ khoản trích lập dự phòng từ năm trước để lại. Còn theo nguồn tin từ Eximbank thì ngân hàng này cũng được hoàn nhập dự phòng của năm trước với 50 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của Eximbank hiện cũng giảm đáng kể, nên khoản trích lập dự phòng rủi ro tín dụng giảm. Đầu năm 2009, tỷ lệ nợ xấu là 4,71% và được xem là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu lớn, nhưng Eximbank đã giảm tỷ lệ này còn trên 3% vào giữa năm qua.

Ông Lý Xuân Hải cho biết, trong tổng số lợi nhuận ACB thu về năm 2009 cũng có một phần được hoàn nhập dự phòng từ năm trước là 100 tỷ đồng (cuối năm 2008 trích lập dự phòng đầu tư tài chính và tín dụng của ACB là 500 tỷ đồng).

Với tín hiệu lạc quan từ nền kinh tế, ABBank phấn đấu giữ nhịp độ tăng trưởng ở mức 30 – 40% trong năm 2010. Đồng thời, Ngân hàng kỳ vọng sẽ đạt mức 550 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; tổng tài sản đạt 35.000 tỷ đồng; vốn điều lệ đạt mức 3.800 tỷ đồng trong năm nay.

TiênPhongBank vừa công bố lợi nhuận năm 2009 ở mức 164,7 tỷ đồng sau khi trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro. Trong năm 2009, TiênPhongBank không có nợ xấu, đồng thời khoản trích lập dự phòng cụ thể cho nợ quá hạn chỉ có 260 triệu đồng trên toàn hệ thống.

Cũng tính đến cuối tháng 12/2009, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của Sacombank là 0,69%, tổng thặng dư vốn và các quỹ đạt 2.095 tỷ đồng. Còn tỷ lệ nợ xấu của ACB tính đến cuối năm 2009 cũng chỉ ở mức 0,42%. Vì vậy, trích lập dự phòng tín dụng cũng sẽ ít hơn năm trước.

Theo ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank, chỉ tiêu lợi nhuận Ngân hàng xây dựng trong năm 2010 ở mức 1.100 tỷ đồng, cao hơn 350 tỷ đồng so với năm trước.

Còn Sacombank xây dựng kế hoạch lợi nhuận năm 2010 ở mức 2.600 tỷ đồng.

Song rủi ro lớn nhất của ngành ngân hàng hiện nay vẫn là rủi ro về chính sách. Do đó, đòi hỏi bản thân các nhà lãnh đạo ngân hàng phải dự báo để đưa ra kế hoạch hoạt động hiệu quả. Chẳng hạn như đối với hoạt động tín dụng trong năm nay cần kiểm soát ở mức hợp lý, hạn chế rủi ro cho các ngân hàng và đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước

Những nguy cơ của cơ chế tỷ giá thả nổi

Filed under: Uncategorized — ktetaichinh @ 6:32 pm
Tags: ,

Saturday, 16. January 2010, 07:08:29

Tỷ giá thả nổi tạo điều kiện bơm căng các bong bóng tài sản và chồng chất thêm gánh nặng nợ nần

Suốt hơn một thế kỷ kể từ năm 1870, các chính phủ và ngân hàng trung ương phải vật lộn để duy trì hệ thống tỷ giá cố định.

Khi Hiệp ước Bretton Woods sụp đổ đầu thập niên 1970, ba nền kinh tế hàng đầu khi ấy là Mỹ, Nhật và Đức phải chấp nhận thả nổi đồng tiền của mình. Từ đó đến nay, hệ thống này vẫn được giữ nguyên.

Khoảng thời gian kể từ khi hệ thống Bretton Woods sụp đổ tới nay đã chứng kiến nhiều bong bóng tài sản khổng lồ, khu vực tài chính bành trướng mạnh mẽ đi kèm cho vay tiêu dùng tăng nhanh.

Không phải ngẫu nhiên mà có những bước phát triển này. Tỷ giá thả nổi và sự bùng nổ của thị trường tài sản đều đã tiếp sức cho nhau không nhỏ.

Hệ thống tỷ giá trước kia dù trực tiếp hay gián tiếp cũng được liên kết với vàng.

Mục đích là hạn chế khả năng làm mất giá đồng bản tệ của chính quyền bằng cách in thêm tiền. Hệ quả là các quốc gia khó mà bù đắp được các khoản thâm hụt thương mại trong thời gian dài

Khi tỷ giá được thả nổi, sự hạn chế này đối với thương mại cũng được dỡ bỏ. Cán cân thương mại của Hoa Kỳ có thể tiếp tục thâm hụt thêm.

Nhưng như Richard Duncan đã chỉ ra trong cuốn “Cuộc khủng hoảng đôla” xuất bản năm 2003 của ông, điều này cũng khiến các quốc gia khác có thặng dư lớn.

Tuy vậy đó không còn là một trò chơi có tổng bằng không.

Các quốc gia có thặng dự tích trữ kho dự trữ ngoại hối của mình khiến hoặc là tạo ra bong bóng ở nước đó (ví dụ như Nhật Bản trong thập niên 1980) hoặc nước ngoài (Hoa Kỳ trong thập kỷ trước).

Việc chuyển sang sử dụng đồng tiền pháp định (không được bảo đảm bằng vàng) khiến cung tiền toàn cầu mở rộng rất mạnh y như những người bi quan đã dự đoán.

Theo ông Duncan, dự trữ ngoại hối toàn cầu dưới thời Bretton Woods từ năm 1949 tới năm 1969 chỉ tăng 55% nhưng tăng tới gần 2000% trong giai đoạn 1969-2000. Chính số tiền này đã đẩy giá tài sản lên cao.

Được cởi trói khỏi nhiệm vụ bảo vệ đồng bản tệ trong khi lạm phát suốt 20 năm không đáng lo ngại, ngân hàng trung ương có thể để lãi suất xuống thấp dần.

Kể cả các quốc gia với hệ thống tỷ giá cố định như Latvia và Trung Quốc cũng “nhập khẩu” chính sách tiền tệ lỏng lẻo từ các nền kinh tế phát triển.

Chính sách này tạo ra một mức sàn cho giá tài sản và cuối cùng hình thành các điều kiện cho đợt thắt chặt tín dụng 2007-08. Chỉ bằng cách hạ lãi suất xuống gần mức 0, các cơ quan điều tiết mới lại ổn định được tình hình.

Quá trình này giải thích vì sao giá cổ phiếu và bất động sản lại leo tới đỉnh cao như vậy trong những năm gần đây, điều chưa từng xảy ra dưới cơ chế tỷ giá cố định.

Nó cũng gợi ý vì sao tỷ giá thả nổi không ngăn được luồng vốn đầu tư xuyên biên giới.

Trong nửa đầu thế kỷ 20, đầu tư nước ngoài chủ yếu dưới dạng tiền gửi ngân hàng và trái phiếu chính phủ. Một phần là do sự thận trọng của nhà đầu tư và một phần do chế độ kiểm soát luồng vốn.

Lợi suất thu về khá thấp khiến giới đầu tư rất nhạy cảm với bất kỳ sự thay đổi tỷ giá nào. Đột ngột phá giá đồng tiền có thể cuốn phăng lợi nhuận tích lũy nhiều năm trời.

Hơn nữa, tỷ giá nếu có thay đổi thì thường mạnh. Phá giá đồng tiền bị xem là nỗi nhục quốc thể, vì thế chỉ được sử dụng khi không còn cách nào khác.

Trong bối cảnh ấy, tỷ giá đã không còn được xem như một yếu tố cơ bản. Kể từ năm 1970, sự thay đổi tỷ giá tại các nước phát triển nhìn chung bị lu mờ trước sự thay đổi giá tài sản (trừ các nước vẫn cố neo tỷ giá).

Rủi ro tỷ giá ít được nhà đầu tư tổ chức tính tới đến mức mà họ còn không buồn tự bảo hiểm. Thực tế một chiến thuật giao dịch được ưa chuộng là “carry trade”, vay đồng tiền có lợi suất thấp để mua các đồng tiền có lợi suất (và rủi ro) cao hơn.

Lý do các quốc gia phát triển từ bỏ tỷ giá cố định không có gì bí hiểm.

Khi neo tỷ giá, chính phủ buộc nền kinh tế thực phải hấp thụ những cú sốc như cắt giảm lương hay tăng thất nghiệp, tất cả đều vì lợi ích của người cho vay.

Nhưng trong một nền dân chủ nơi cử tri lại là con nợ thì lợi ích của chủ nợ lại thường bị dẹp sang một bên.

Cuộc chiến này có lẽ sắp tái diễn tại khu vực sử dụng đồng euro, nơi các quốc gia có chi phí sản xuất cao đang tự gắn mình vào một hệ thống bản vị vàng mới do ngành xuất khẩu của Đức hoạt động quá hiệu quả.

Điều này có nghĩa là tăng lương và thâm hụt phải được kiềm chế.

Nhưng cơ chế tỷ giá thả nổi không hề cho không cái gì. Nó đi kèm với gánh nặng nợ nần sẽ phủ bóng đen lên nền kinh tế trong nhiều năm trời. Đợt thắt chặt tín dụng đã chuyển nghĩa vụ nợ từ tư nhân sang chính phủ.

Một thời kỳ khổ hạnh rút cục cũng sẽ đến. Mỉa mai là cơ chế tỷ giá thả nổi được hình thành lại để tránh chính điều ấy.

Theo Minh Tuấn

Không thêm cao ốc ‘ngất ngưởng’ tại trung tâm Hà Nội

Filed under: Uncategorized — ktetaichinh @ 6:29 pm
Tags: ,

Saturday, 16. January 2010, 07:29:22

Kế hoạch phục hồi, trùng tu, duy trì phong cách kiến trúc đặc thù của khu phố cổ và nhà biệt thự trong khu phố cũ cần báo cáo UBND TP ngay trong quý I-2010.

Tiếp thu “ý chỉ” của Thủ tướng Chính phủ về đồ án Qui hoạch chung xây dựng Thủ đô sau khi liên danh tư vấn quốc tế PPJ báo cáo lần III, Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa chỉ đạo nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến xây dựng đô thị cũng như môi trường, qui hoạch…

“Dừng ngay việc phá các nhà biệt thự cũ”

Đối với khu vực đô thị trung tâm Hà Nội, Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu các phương án qui hoạch bảo tồn khu phố cổ cùng các biệt thự trong phố cũ để có kế hoạch phục hồi, trùng tu, duy trì… Vì vậy, Chủ tịch Hà Nội cũng vừa quán triệt Sở Xây dựng và UBND 4 quận nội thành cũ (Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình) “kiên quyết dừng ngay việc phá các nhà biệt thự cũ và cấp giấy phép xây dựng các tòa nhà cao tầng trong khu vực trung tâm”.

Theo đó, không chỉ có các nhà biệt thự cũ mà hàng loạt chung cư cũ đang chờ cải tạo cũng bị “soi” kỹ. Chủ tịch Thành phố giao trách nhiệm cho Sở QH-KT thẩm định phương án của từng chung cư cũ khi cải tạo “đảm bảo nghiêm ngặt các yêu cầu về qui chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đô thị như: mật độ xây dựng, tỉ lệ đất dành cho giao thông, cây xanh…”.

Kế hoạch phục hồi, trùng tu, duy trì phong cách kiến trúc đặc thù của khu phố cổ và nhà biệt thự trong khu phố cũ cần phải được các đơn vị liên quan báo cáo UBND TP ngay trong quý I-2010.

Đồng thời, lãnh đạo Hà Nội chủ trương có “cơ chế ưu tiên” nhằm sớm triển khai xây các vành đai: giao thông đối ngoại (vành đai 4), vành đai liền kề các đô thị và vệ tinh (vành đai 5) và các tuyến vành đai xanh kết nối các khu đô thị (giữa vành đai 3 và 4, vành đai 4 và 5) cùng các dự án xây dựng hoặc cải tạo cầu lớn qua sông Hồng (Tứ Liên, Long Biên)…

Trước đó, Thủ tướng khuyến khích các dự án đầu tư xây dựng đồng bộ, các khu nhà cao tầng tại những đô thị mới giữa vành đai 3, 4 và các đô thị vệ tinh nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở, giảm tải cho đô thị trung tâm. “Quản lý nghiêm ngặt việc đầu tư xây dựng ngoài vành đai giao thông đối ngoại để bảo vệ vành đai xanh của Thủ đô” – Thủ tướng chỉ đạo.

Lập qui hoạch chi tiết các đô thị vệ tinh

Với vị trí, vai trò của các “đô thị vệ tinh” – vấn đề đang được người dân hết sức quan tâm, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo giao Viện Qui hoạch xây dựng Hà Nội làm việc cụ thể với tư vấn để xác định rõ hơn tính chất, chức năng, vai trò của từng đô thị vệ tinh trong mối liên hệ với đô thị trung tâm.

Viện này cũng có trách nhiệm triển khai lập qui hoạch chi tiết xây dựng các đô thị vệ tinh, trục cảnh quan, không gian chủ đạo và phối hợp với Bộ Xây dựng, tư vấn nghiên cứu qui hoạch trụ sở các cơ quan hành chính Nhà nước.

Giai đoạn trước mắt, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu qui hoạch trụ sở các cơ quan hành chính Nhà nước tại khu vực Mỹ Đình. Tuy nhiên, các cơ quan, tư vấn có “trọng trách” nghiên cứu kỹ qui mô, phạm vi khu vực bố trí Trung tâm Hành chính trong tương lai (tầm nhìn đến 2050) để xây dựng khi có điều kiện.

Chủ tịch Hà Nội đồng thời giao Sở QH-KT phối hợp Sở KH&ĐT tổng hợp các dự án, đồ án đã được cấp có thẩm quyền cho phép triển khai để cung cấp đầy đủ thông tin (số liệu và bản đồ) cho Tư vấn PPJ hoàn chỉnh đồ án trước khi báo cáo các tổ chức phản biện.

Theo Hoàng Huy

Vietnamnet

Dự kiến tăng thuế tài nguyên

Filed under: Uncategorized — ktetaichinh @ 6:28 pm
Tags: ,

Saturday, 16. January 2010, 07:32:02

Đa số các các loại khoáng sản kim loại dự kiến sẽ tăng mức thuế suất tăng từ 7% hiện đang áp dụng lên 10%, riêng vàng và đất hiếm dự kiếm mức thuế suất là 12%.

Theo thông tin từ Cổng TTĐT Chính Phủ, triển khai thực hiện Luật Thuế Tài nguyên vừa được Quốc hội khóa XII thông qua, Bộ Tài chính đã dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành Biểu thuế suất Thuế Tài nguyên và dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2010.

Dự thảo Nghị quyết nêu rõ, mức thuế suất thuế tài nguyên được xác định theo nguyên tắc tài nguyên không có khả năng tái tạo thì thuế suất cao (khoáng sản kim loại và một số loại tài nguyên quý hiếm khác như kim cương, rubi, dầu thô, khí thiên nhiên, khí than…); tài nguyên có khả năng tái tạo thì thuế suất thấp (nước, hải sản tự nhiên…).

Danh mục nhóm, loại tài nguyên chịu thuế được phân thành 9 nhóm theo quy định của Luật Thuế Tài nguyên. Trong mỗi nhóm sẽ quy định các loại tài nguyên với mức thuế suất cụ thể.

Trước tiên, trong nhóm khoáng sản kim loại, đây là loại tài nguyên không tái tạo, có giá trị kinh tế lớn. Để góp phần khai thác, sử dụng tiết kiệm, hợp lý, có hiệu quả nên dự kiến mức thuế suất cao. Đa số các kim loại thuộc nhóm này dự kiến mức thuế suất tăng từ 7% hiện đang áp dụng lên 10% (sắt, mangan, titan, bạch kim, bạc, thiếc, chì, kẽm, nhôm…), riêng vàng và đất hiếm dự kiếm mức thuế suất là 12% (vàng hiện đang áp mức 9%, đất hiếm 12%).

Trong nhóm khoáng sản không kim loại, đối với một số loại tài nguyên quý hiếm, có giá trị kinh tế cao như kim cương, rubi, sapphire, ôpan quý… được đề nghị mức thuế suất cao (15% và 20%) để hạn chế khai thác. Một số loại tài nguyên có giá trị không lớn và là đầu vào của các ngành sản xuất như đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình, đất làm gạch, apatit, sỏi… mức thuế suất sự kiến thấp, khoảng từ 3 – 5%.
Gỗ rừng tự nhiên là sản phẩm có giá trị kinh tế cao, việc khai thác tác động lớn tới môi trường. Hiện nay, Nhà nước đang thực hiện chủ trương hạn chế khai thác rừng tự nhiên. Do đó, mức thuế suất đối với nhóm này cũng được dự kiến ở mức cao. Cụ thể, gỗ nhóm I mức thuế suất là 35%, gỗ nhóm II 30%, gỗ nhóm III, IV là 20%; gỗ nhóm V, VI, VII, VIII và các loại gỗ khác là 15%. Riêng trầm hương, kỳ nam là loại gỗ quý, có giá trị kinh tế cao nên áp mức thuế suất 25%.

Đối với hải sản tự nhiên, vẫn giữ nguyên mức thuế cũ là 10% đối với ngọc trai, bào ngư, hải sâm và 2% đối với các hải sản tự nhiên khác.

Nhóm nước thiên nhiên về cơ bản vẫn giữ các mức thuế suất như hiện hành. Đối với nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên, nước thiên nhiên tinh lọc đóng chai, đóng hộp mang lại giá trị kinh tế cao có mức thuế suất cao là 8%. Đối với nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thuỷ điện mức thuế suất là 2%.

Đối với dầu thô, khí thiên nhiên, khí than, thuế suất được xác định lũy tiến từng phần theo sản lượng dầu thô, khí thiên nhiên, khí than khai thác bình quân mỗi ngày và có phân biệt giữa “dự án khuyến khích đầu tư” và “dự án khác”. Các mức thuế suất đều được giữ nguyên như hiện hành (từ 6 – 27% đối với dầu thô và 1 – 10% đối với khí thiên nhiên, khí than), riêng khí thiên nhiên, khí than có sản lượng khai thác đến 5 triệu m3/ngày hiện hành đang áp dụng mức thuế suất 0%, nay khung thuế suất mới là 1-30% nên phải tăng mức thuế suất lên 1% để đảm bảo phù hợp với khung thuế suất của Luật.
Với mức thuế suất thuế tài nguyên như dự kiến thì số thu thuế tài nguyên mỗi năm khoảng 27.360 tỷ đồng (trong đó, thuế tài nguyên từ dầu khí khoảng 24.000 tỷ đồng, chiếm 87,7% tổng số thu thuế tài nguyên); khoáng sản không kim loại khoảng 1.852,4 tỷ đồng; nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thuỷ điện khoảng 620 tỷ đồng; khoáng sản kim loại khoảng 467,3 tỷ đồng.

“Chưa thấy rõ một giai tầng trung lưu ở Việt Nam”

Filed under: Uncategorized — ktetaichinh @ 2:40 am
Tags:

Chuyên gia tài chính Lê Trọng Nhi

SGTT – “Việt Nam là một xã hội vừa mới hé mở và một nền kinh tế thị trường còn định hướng cho nên việc định hình một “giai tầng trung lưu” có ý nghĩa tích cực cho xã hội hiện đại sẽ là một quá trình khá lâu dài – một quá trình phát triển – thay đổi cộng hưởng của kinh tế và xã hội”, đây là ý then chốt của nhà tài chính Lê Trọng Nhi, và ông sẽ phân tích, làm sáng tỏ trong cuộc trò chuyện này.

Là một chuyên gia kinh tế, tài chính nhiều năm làm giám đốc điều hành ngân hàng lớn quốc tế, tư vấn và cố vấn cho các định chế tài chính trong và ngoài nước, anh nghĩ gì về giai tầng trung lưu ở Việt Nam?

Thật thích thú và cũng khá gay go khi được đặt vấn đề “giai tầng trung lưu” ngay tại Việt Nam. Thích thú, vì ngay sau thời gian đầu làm việc tại Việt Nam, tôi đã luôn tìm và mong ước được nghe và thấy đề tài này. Rất gay go vì dường như đây vẫn còn là đề tài “nhạy cảm”, chưa được phân định rõ ràng và được đồng thuận rộng rãi, không chỉ ở phần khái niệm mà còn có những rối bời ở phần đời sống thực tế, cụ thể hiện nay. Vì vậy, thiết nghĩ phải có một sự đồng thuận chung và rộng về “giai tầng trung lưu” đề cập ở đây.

Để đơn giản vấn đề, đề nghị chúng ta tạm đồng thuận rằng “giai tầng trung lưu” trong khái niệm phân tầng xã hội gồm hai nhóm người: nhóm trung lưu chuyên nghiệp và chuyên môn, và nhóm trung lưu giàu có tài sản.

Nhóm thứ nhất là nhóm có trình độ học vấn (trường lớp, hoặc tự học) chuyên môn cấp đại học và sau đại học, có thu nhập khá cao và ổn định từ công việc chuyên môn, đồng thời nhu cầu văn hoá có nhiều tương đồng và đồng đều về chất lượng.

Về nhóm thứ hai, người thuộc nhóm này không nhất thiết có trình độ học vấn đại học nhưng có thu nhập cao và rất cao, có nhiều nhu cầu về đời sống vật chất nhưng khác nhau về chất lượng, riêng nhu cầu về đời sống văn hoá thường ít tương đồng.

Giữa hai nhóm này có những vùng giao thoa, nhưng hiểu theo tinh thần của vấn đề đặt ra, chúng ta sẽ quan tâm và đề cập về nhóm thứ nhất nhiều hơn nhóm thứ hai. Không biết là tôi có khó tính quá hoặc chủ quan quá với vấn đề này không? Mặc dù tự nhận là người tích cực nhưng tôi vẫn chưa thấy rõ ràng một “giai tầng trung lưu” có ý nghĩa về lượng và chất trong xã hội Việt Nam.

Có điều kiện làm việc với các nhà doanh nghiệp trẻ, cũng như những nhà quản lý, điều hành bộ máy kinh tế, ngân hàng… anh nghĩ có vướng mắc gì không để từ họ, bắc nhịp cầu hình thành một giai tầng trung lưu?

Vâng, có và còn nhiều vướng mắc lắm. Nói một cách khác, vướng mắc cũng là nhầm lẫn và tôi nhận thấy có ít nhất hai nhầm lẫn thông thường nhưng rất tai hại.

Thứ nhất, đó là ở ngay từ “trung lưu”. Tại Nga, Trung Quốc, và gần đây tại Việt Nam, chúng ta thường nghe thấy những mẩu chuyện sôi nổi và đình đám về các “đại gia” (thượng lưu), và chừng mực nào đó xã hội cho rằng cách sống và đời sống các “đại gia” cũng là tiền đề của đời sống và cách sống của giới “trung lưu”. Vướng mắc này rất dễ gây phản cảm đối với những giai tầng khác trong một xã hội đang còn đầy dẫy cảnh đời nghèo khó như xã hội Việt Nam. Nhưng tôi nghĩ vướng mắc này sẽ không khó lắm để vượt qua và cũng không quá lâu.

Trong những xã hội mở, với nền kinh tế thị trường đã được định hướng, “giai tầng trung lưu” có những đóng góp rất tích cực trong sự hình thành những mặt bằng văn hoá hiện đại chung của thế giới, đồng thời họ cũng tích cực củng cố những nét văn hoá truyền thống riêng trong xã hội của họ

Kế tiếp là những câu chuyện về văn hoá – tính cách và hành vi văn hoá. Đã khá lâu và hiện nay, vẫn còn có sự nhầm lẫn rất tai hại giữa “học vấn” và “văn hoá”. Có thể chính nhầm lẫn này đã khiến cho sự hình thành và quá trình phát triển “giai tầng trung lưu” tại Việt Nam bị khập khễnh và trì trệ nhiều hơn dự tưởng của tôi. Rồi còn câu chuyện học hàm học vị của hệ thống giáo dục hiện nay; chuyện những người có học vấn thật bị, hoặc chọn đứng vào chỗ văn hoá giả tạo, còn những người học vấn giả lại được hoặc chọn đứng vào chỗ văn hoá thật. Từ khập khễnh đó, có thể cảm nhận được nỗi khó và nỗi khổ của vấn đề văn hoá trong “giai tầng trung lưu” tại Việt Nam.

Hai vướng mắc và nhầm lẫn này cũng chính là hai “trái táo cấm” – “hai nhu cầu” được hệ thống hoá và gần như mặc nhiên đối với một bộ phận cụ thể nào đó trong xã hội hiện nay. Sự mặc nhiên đó rất hấp dẫn cho tính dục vọng và cũng là hai nhịp cầu bị gãy đổ làm ngăn trở việc hình thành “giai tầng trung lưu” có ý nghĩa thật sự trong xã hội Việt Nam.

Ở nhiều nước, giai tầng trung lưu khá gắn kết với các ngành như giáo dục, văn hoá, nghệ thuật, tư tưởng, tâm linh… và trở thành mạnh thường quân, thành nơi kích hoạt để các ngành này phát triển. Anh nghĩ điều này có áp dụng được vào Việt Nam?

Vâng, thường là như vậy, họ cũng đóng vai trò kích hoạt rất thiết yếu cho những địa chỉ hoặc những tác phẩm văn hoá nghệ thuật cụ thể nào đó được tồn tại và đưa ra với thế giới bên ngoài. Như đã đề cập, theo tôi đó chính là những tính cách và hành vi văn hoá có nét tương đồng và khá đồng đều trong đời sống.

Một tầng lớp trung lưu như vậy trong xã hội Việt Nam hiện đại là rất cần thiết cho quá trình phát triển một nền kinh tế và cấu trúc xã hội bền vững – một xã hội và nền kinh tế có hàm lượng tri thức cao, cả về chất và lượng. Chính xác hơn, đó là sự việc ắt có và đủ, để đời sống, cuộc sống kinh tế và xã hội có thêm những cải cách đột phá, tích cực, rộng lớn và dài hạn hơn đối với lãnh vực giáo dục, văn hoá, nghệ thuật, tư tưởng và tâm linh mà anh đang đề cập.

Có thể xác định rằng trong những xã hội mở, với nền kinh tế thị trường đã được định hướng, “giai tầng trung lưu” có những đóng góp rất tích cực trong sự hình thành những mặt bằng văn hoá hiện đại chung của thế giới, đồng thời họ cũng tích cực củng cố những nét văn hoá truyền thống riêng trong xã hội của họ. Đây đó trong xã hội Việt Nam, những năm gần đây cũng bắt đầu có những chuyển động với ý nghĩa này nhưng vẫn còn rời rạc và còn có vẻ gượng ép, có nơi trở thành khoa trương văn hoá, phi văn hoá, phi nghệ thuật, tạo ra sự phản cảm không đáng có.

Theo tôi, việc “giai tầng trung lưu” tại Việt Nam có áp dụng vai trò kích hoạt tích cực hay không chưa phải là vấn đề đáng quan tâm trong thời điểm hiện nay. Vấn đề cốt lõi chính là làm thế nào để xã hội giảm nhanh và tránh xa được hai cặp nhầm lẫn mà tôi đã đề cập: “đại gia – trung lưu” và “học vấn – văn hoá”.

Những vướng mắc của việc này dưới góc độ kinh tế là gì?

Xã hội chúng ta có hai câu nói có thể giúp tôi giải thích và trả lời rất gọn đối với câu hỏi này: “Có thực mới vực được đạo”, và “Bần cùng sinh đạo tặc”. Vâng, kinh tế là vướng mắc lớn và phải vượt qua, không thể khác được.

Nếu chúng ta cho rằng khuynh hướng chung của con người xã hội là tìm đến với “đạo”, dần rời xa “đạo tặc”, thì đời sống kinh tế phong phú là một trong vài ngưỡng cửa cần thiết phải đi đến và vượt qua. “Giai tầng trung lưu” là giai tầng có nhiều khả năng và tiềm năng để ở trong hoặc rất gần với “đạo”, và ở bên ngoài hoặc tách xa “đạo tặc”. “Giai tầng trung lưu” càng nhiều và càng rộng thì sẽ là lực hút kéo những giai tầng khác đến với cách sống và đời sống “đạo”, chứ không phải từ những giai tầng khác và nhất là giới thượng lưu.

Kinh tế cá nhân, kinh tế gia đình, kinh tế tổ chức, kinh tế tỉnh thành, kinh tế khu vực, kinh tế quốc gia… tất cả đời sống kinh tế đó đều có sự ràng buộc và tương quan lẫn nhau trong vấn đề hình thành “giai tầng trung lưu” có ý nghĩa tích cực cho xã hội Việt Nam hiện đại. Vì vậy, ý nghĩa tích cực này sẽ không hoặc rất khó thể hiện được nếu “giai tầng trung lưu” vẫn còn là đề tài “nhạy cảm” trong các chính sách vĩ mô.

Nhà tài chính Lê Trọng Nhi sinh ra, lớn lên và học xong trung học tại Đà Nẵng. Rời Việt Nam trước 1975, theo học ngành kinh tế và quản trị tài chính tại hai đại học của Mỹ.

Ông bắt đầu nhận công việc tập sự chuyên môn từ đầu năm 1980 tại một công ty tài chính thuộc một tập đoàn lớn của Mỹ. Sau đó ông liên tục làm việc trong lãnh vực phân tích hệ thống và quản trị ngân hàng cho Bank of America và công ty kiểm toán và tư vấn Arthur Andersen.

Cuối năm 1990, ông có dịp trở về Việt Nam nghiên cứu chính sách kinh tế mới, lĩnh vực ngân hàng và thị trường tài chính. Đầu năm 1991, ông được bổ nhiệm làm việc tại Hong Kong và Việt Nam với bộ phận Credit Lyonnais Securities thuộc tập đoàn Credit Lyonnnais Bank của Pháp. Sau đó, giữa năm 1993, ông chuyển sang điều hành ngân hàng đầu tư Deutsche Morgan Grenfell thuộc tập đoàn Deutsche Bank tại Việt Nam cho đến năm 2000. Từ năm 2001 đến nay, ông tiếp tục tự học lĩnh vực thiên văn học, xã hội học, đồng thời làm tư vấn và cố vấn cho các định chế tài chính trong và bên ngoài Việt Nam.

Ông nổi tiếng trong lĩnh vực nghiên cứu, thành lập mới, tái cấu trúc hoặc sáp nhập các định chế tài chính và công ty. Ông đang viết hai đầu sách tự sự có liên quan đến nghề nghiệp và bản thân tại Việt Nam, hướng đến độc giả Việt Nam, nhưng chưa có ý định xuất bản.

Cũng xin nói thêm, Việt Nam với một xã hội vừa mới hé mở và một nền kinh tế thị trường còn định hướng, việc hình thành và định hình một “giai tầng trung lưu” có ý nghĩa tích cực cho xã hội hiện đại sẽ là một quá trình lâu dài, vì trong đời sống kinh tế xã hội Việt Nam không có khái niệm “giai tầng trung lưu” trong một thời gian khá lâu. Đây là một thực tế. Vì vậy, khó có thể “đi tắt đón đầu” trong tiến trình này, mà phải là một quá trình phát triển – thay đổi cộng hưởng của kinh tế và xã hội.

Theo anh, kinh tế có nên hiểu và hành động như một lĩnh vực bó hẹp về ngành nghề chuyên biệt, hay nên tư duy theo nghĩa “kinh bang tế thế” (bởi nhà kinh tế là người quyết định nhiều đến của cải, vận mệnh của cộng đồng)?

Tôi có những người bạn đồng nghiệp tư duy theo một trong hai hướng, và cũng có vài người đồng nghiệp tư duy cả hai hướng. Suy cho cùng thì cũng chẳng có gì sai quấy với hai lối tư duy như vậy. Riêng tôi, đời sống kinh tế nhộn nhịp và phong phú phải là tư duy hai hướng – hai phần ba trong thế giới ngành nghề chuyên biệt và một phần ba với thế giới bên ngoài, có tí nào đó theo nghĩa “kinh bang tế thế”, “góp nhặt cho đời” mà anh đề cập. Tôi đã cố gắng phân bổ như vậy trong 25 năm qua và có lẽ sẽ cố gắng nhanh hơn nữa trong vòng năm năm kế tiếp để đến hệ số 49 cho thế giới của mình và 51 cho thế giới bên ngoài.

Cuối cùng, những dự báo của anh về kinh tế Việt Nam trong năm 2010 hay chu kỳ kinh tế 2010 – 2015?

Phần lớn công việc chuyên môn của tôi xoay quanh lĩnh vực tài chính và ngân hàng – nôm na và có vẻ ầm ĩ hơn, công việc tôi rất gần gũi với thị trường vốn trong và ngoài Việt Nam. Với nền kinh tế Việt Nam, tôi đã được trải nghiệm lần khủng hoảng tài chính Á châu năm 1997 – 1998 và lần khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 – 2009, cho nên tôi nghĩ rằng mình đã có thêm dữ liệu và chất liệu “tự biết” trong dự báo 2010 – 2015 cho công việc của mình. Năm 2010 sẽ là năm quyết định của ngân hàng Nhà nước. Chu kỳ 2010 – 2015 sẽ là chu kỳ quyết định sức bền bỉ của nền kinh tế.

Tại sao 2010 là năm của ngân hàng Nhà nước? Giữa năm 2008 và suốt năm 2009 vai trò ngân hàng Nhà nước đã được nới lỏng một phần trong việc điều hành chính sách tiền tệ và đã có những cái được và vài cái chưa được, thậm chí không được. Chưa bao giờ ngân hàng Nhà nước phải liên tục tung ra nhiều quyết định về chính sách tiền tệ quan trọng như vậy. Năm 2010, chính sách tiền tệ vẫn sẽ đóng vai trò tiên phong cho các kế hoạch ổn định và phát triển kinh tế thời hậu khủng hoảng; vì vậy ngân hàng Nhà nước sẽ là nơi nóng nhất và họ phải chứng tỏ khả năng vượt trội về điều hành chuyên môn của mình.

Tại sao 2010 – 2015 sẽ là chu kỳ quyết định sức bền bỉ của nền kinh tế? Sau thời điểm khủng hoảng tài chính Á châu 1997 – 1998, mặc dù không bị ảnh hưởng trực tiếp và chưa có thị trường chứng khoán, nhưng phải mất hơn ba năm nền kinh tế mới lấy lại sức trong khi các nền kinh tế bị ảnh hưởng trực tiếp chỉ cần một đến hai năm đã bắt nhịp lại với thế giới. Lần khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 – 2009 này đã có những tổn thương khá lớn về xuất khẩu, lạm phát trên 20%, dự trữ ngoại tệ hao hụt đáng kể. Vì vậy trong chu kỳ 2010 – 2015 cần có những chính sách và quyết định táo bạo hơn để tránh những lối mòn trì trệ trước đây, hầu nhanh chóng thoát khỏi những cơn bệnh từ cuộc khủng hoảng và nhất là chứng lạm phát. Một chu kỳ phát triển mệt mỏi nhưng tích cực và tạo thêm của cải.

Xin cảm ơn anh. Chúc anh và gia đình năm mới an khang, thịnh vượng.

Blog at WordPress.com.