Ktetaichinh’s Blog

June 22, 2010

Châu Âu và nỗi ám ảnh “siêu sạch”

Filed under: Uncategorized — ktetaichinh @ 8:51 pm
Tags: , ,


“Bảo vệ gia đình bạn suốt 24 giờ”, “diệt sạch vi trùng, tẩy mọi vết bẩn”, “tấn công vi khuẩn trực tiếp”, “diệt khuẩn nhanh và hữu hiệu nhất”…

Người ta đã dùng những lời lẽ đó để đánh vào tâm lý “ăn sạch ở sạch” của các bà nội trợ mà kiếm bộn tiền. Chưa bao giờ châu Âu lại tỏ ra sợ vi khuẩn và virut đến thế và cũng chưa bao giờ nhu cầu tẩy rửa lại bùng nổ đến thế.

Các bà nội trợ châu Âu đang trong tình trạng kỹ lưỡng không thể tưởng tượng được.

Sản phẩm siêu sạch lên ngôi

Nếu có dịp khảo sát tất cả các siêu thị lớn nhỏ ở Pháp, Anh, Đức… bạn sẽ không khó để nhận ra rằng, nơi thu hút đông đảo khách hàng nhất không phải là khu vực bày bán lương thực thực phẩm mà là khu vực dành cho các sản phẩm tẩy rửa. Kể từ khi bệnh bò điên, sự cố dioxine và hàng trăm scandal khác về vi khuẩn, virut bùng nổ thì gian hàng này bỗng nhiên được các bà nội trợ châu Âu đặc biệt lưu ý.

Theo các nhà thống kê thì ở cựu lục địa, hiện đang có 5 hãng đa quốc gia với những sản phẩm như nước rửa bát, chất cọ rửa và xà phòng được người tiêu dùng đặc biệt tin cậy, đó là Colgate, Henkel, Lever, Procter và Reckitt&Colman. Sản phẩm tẩy rửa và làm sạch của các hãng này tràn ngập các siêu thị và tiệm bách hóa.
Điều đáng nói là với bất kỳ sản phẩm siêu sạch mới nào ra đời và trình làng, các công ty đều trúng quả. Các loại mút xốp kỳ cọ có tẩm thuốc diệt khuẩn của Lever và Peocter vừa ra đời đã tức khắc hớp hồn các bà nội trợ và chiếm ngay 6% thị trường “kỳ cọ” ở Pháp chỉ trong vòng ba tháng với doanh số tương đương 400 triệu USD/năm. Các loại kem đánh răng thế hệ mới với lời quảng cáo “siêu diệt khuẩn” cũng tạo được một bước nhảy thần kỳ khi tăng tới 48% lượng hàng bán ra ở Pháp và 67% trên toàn châu Âu…
Thị trường các chất diệt khuẩn mang danh “thế hệ mới” nhanh chóng “làm gỏi” cả châu Âu và sau đó lan sang Bắc Mỹ. Giờ đây các quốc gia này đang chứng kiến một sự “kỹ lưỡng không thể tưởng tượng được” của các bà nội trợ. Theo ông Gerad Caron, Chủ tịch Công ty tư vấn tiêu dùng Scopes (Pháp) thì “Các bà nội trợ Pháp đã biết đòi hỏi một sự sạch sẽ tuyệt đối trong tiêu dùng”.
Từ lâu, Pháp bị các nước châu Âu khác xem là ăn ở mất vệ sinh nhất, vì lượng bàn chải đánh răng bán ra ở đây chỉ là 0,7 cái/người/năm! Nhưng bây giờ thì 50% các bà nội trợ ở xứ sở tháp Eiffel tuyên bố là họ sẽ “bảo vệ gia đình và tiêu diệt vi khuẩn bằng mọi giá”.

Chiêu câu khách của nhà sản xuất?

Khiến cho cả châu Âu bị ám ảnh về sự sạch sẽ như ngày nay, công đầu phải thuộc về những chiêu quảng cáo mà các hãng sản xuất tung ra. Nước Pháp vốn trọng văn hóa quý tộc và thanh khiết giờ đây cũng sẵn sàng gây sốc trong quảng cáo các sản phẩm diệt khuẩn. Đó là những hình ảnh máu me, các loại vi khuẩn gớm ghiếc bò lúc nhúc, gây những cảm giác đau đớn và tệ hại nhất.
Các quảng cáo này đã góp phần làm cho nhu cầu sạch sẽ bùng lên trong dân chúng. Nhiều video clip quảng cáo được ống kính máy quay và máy tính hỗ trợ đắc lực đã tác động lớn đến người tiêu dùng. Chẳng hạn, để quảng cáo nước rửa bát Mir Supra, hãng đã cho phát trên truyền hình hình ảnh những con vi khuẩn được vẽ bằng máy tính đang bám nhung nhúc ở đáy xong nồi.
Có lẽ thấy như thế chưa đủ “ép-phê” người ta còn chiếu cả một cái chân gián phóng to, từ đó tản ra vô số vi khuẩn lông lá. Mir Dupra lập tức lên ngôi. Các hãng khác cũng tìm cách mua sóng truyền hình để cạnh tranh. Colgate-Palmolive mỗi năm bỏ ra tới 7 triệu đô-la để đưa vi khuẩn lên màn ảnh nhỏ. Cũng có hãng tấn công qua báo chí, chẳng hạn Lever, hãng này làm mưa làm gió trên các tạp chí phụ nữ, thậm chí còn in cả triệu bản thông tin về vi khuẩn và bỏ vào thùng thư của mọi người.

Việc kiểm chứng cũng được tung ra hàng loạt và đều ghi rõ trên bao bì để nhằm chiếm lòng tin của khách hàng. Thí dụ, Sanytol có ghi rõ là “Đã được kiểm nghiệm bởi Trung tâm y sinh học của viện Pasteur”. Nhiều sản phẩm khác cũng “ăn theo” cách làm này và nảy sinh hiện tượng “chuyền bóng”. Ai kiểm nghiệm, kiểm nghiệm như thế nào và vào khi nào? Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế, châu Âu hiện có đến 58% sản phẩm diệt khuẩn chỉ ghi mỗi một dòng chữ vô cùng tắc trách: “đã được kiểm nghiệm”!

Các loại chất tẩy rửa luôn được phụ nữ châu Âu ưa dùng.

Giới khoa học nói gì?

Trong lúc các hãng sản xuất chất tẩy rửa tiêu dùng làm ăn phát đạt thì các nhà xã hội học ở Bỉ, Đức cay đắng thừa nhận: “Chúng ta đã đẩy người tiêu dùng vào một nỗi sợ khủng khiếp”; còn Hiệp hội người tiêu dùng ở Pháp có vẻ khôi hài hơn khi nói rằng: “Trước đây khoa học thống kê được nhiều loại sợ như sợ độ cao, sợ nhện, sợ đám đông… Bây giờ lại có thêm cả khái niệm sợ vi khuẩn”.

Thực ra con người đã biết sợ vi khuẩn và virut từ lâu nhưng sợ đến độ mù quáng như ngày nay thì mới diễn ra. Tâm lý sạch sẽ và cẩn trọng trước mọi sự tấn công của vi khuẩn, virut đã trở thành một phong trào xã hội và buộc các đảng phái chính trị cũng như giới khoa học phải lưu tâm. Các nhà khoa học liên tục cảnh báo rằng, quảng cáo muôn đời vẫn chỉ là quảng cáo.
Các bà nội trợ đừng vì những lời chắc như đinh đóng cột của quảng cáo mà quẳng tiền vô tội vạ. Sự thật là chẳng có bà nội trợ nào đủ kiên nhẫn và đủ dụng cụ để kiểm tra về sự qua đời của các loại vi khuẩn. Tất cả các kỹ sư và nhà vi trùng học đều khẳng định rằng không bao giờ có thể tẩy sạch nổi các loại vi khuẩn, virut trong nhà vệ sinh hay trong nhà bếp.
Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp gọi đó là “điều không tưởng”. Còn phòng thí nghiệm sinh hóa quốc gia ở Liverpool (Anh) thẳng thừng khẳng định đó là “sự lừa bịp trâng tráo”. Bà Andree Cremieux, giáo sư hóa học tại Đại học Marseille (Pháp) cho biết: “hiệu quả của các loại thuốc tẩy rửa chỉ kéo dài được vài giờ, các loại virut, vi khuẩn sẽ trở lại rất nhanh, chẳng bao giờ có chuyện bảo vệ gia đình bạn suốt 24 giờ hay hơn nữa”. Tuy nhiên, các hãng sản xuất vẫn cãi chày cãi cối rằng “dù có thế nào thì cũng không thể không cần đến những sản phẩm diệt khuẩn”.

Thật ra, chẳng ai công kích họ về nhiệm vụ diệt khuẩn, mà chỉ bất đồng với họ về lời lẽ quảng cáo theo kiểu “nói quá” và “tung hỏa mù” như vậy. Đáng tiếc là chẳng có mấy người chú ý đến những lời cảnh báo của giới khoa học. Bởi nỗi sợ hãi vi khuẩn có lẽ đã quá lớn nên người ta vẫn cứ sẵn sàng bỏ tiền ra để làm giàu cho các nhà sản xuất nhiều mánh lới!

June 10, 2010

Những người đạp xe lôi cuối cùng

Filed under: Uncategorized — ktetaichinh @ 3:23 pm
Tags: , , ,

Nó đã từng là phương tiện vận tải trên bộ quen thuộc nhất ở miền Tây nhưng giờ ngày càng vắng bóng. Cũng không ai muốn kế thừa cái nghề cực nhọc này. Xe lôi đạp rồi sẽ thành ký ức.

Không như những nghề khác con nối nghiệp cha, nghề xe lôi đạp hiện nay hầu như không có truyền nhân, không có trai trẻ mà chỉ còn lại những người ở hàng U-50, U-60.

Xe lôi đạp đắc dụng

Anh Huỳnh Thiệt Giỏi đã có trên 30 năm sống bằng nghề xe lôi đạp trước cổng BV Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre). Thuở học sinh, anh thường mặc áo ủi phẳng phiu, chân mang giày Bata, đầu tóc chải tém, rất đẹp trai. Nhưng rồi đời mỗi người mỗi phận, anh gắn bó đời mình với chiếc xe lôi đạp, trông anh thật phong trần so với bạn cùng trang lứa. Anh kể: “Đời sống của gia đình tôi nào giờ chỉ biết trông cậy vào chiếc xe lôi. Nhưng bây giờ chạy xe lôi rất vắng khách. Cuộc sống cứ như là chờ… sung rụng từng ngày!”.

Quả vậy, ngồi nói chuyện trên trời dưới đất với anh Giỏi gần cả tiếng đồng hồ, vậy mà không thấy có người khách nào đến kêu anh chạy xe. Hai chiếc xe lôi đạp đậu kế bên anh cũng vậy, không có khách. Cả hai bác tài xe lôi bên cạnh ngả người trên xe của mình, thiu thiu ngủ.

Xe lôi chờ chở hoa xuân. Ảnh: PLHH

Anh Giỏi tiếp tục câu chuyện, giọng lạc quan: “Có nhiều trường hợp xe Honda ôm, xe taxi không thể nào chở được bệnh nhân đâu. Ví như những bệnh nhân bị bó bột ở chân, bệnh nhân bị gãy xương sống, hoặc là những lúc chở xác bệnh nhân trong đêm. Việc này thì xe lôi đạp luôn tỏ ra đắc dụng. Và đắc dụng hơn cả là xe lôi có thể đạp luồn sâu vào được các con hẻm nhỏ, kể cả đường vườn trong khi taxi bó tay”. Anh Giỏi kể tiếp: “Có lần một bệnh nhân nghèo qua đời lúc nửa đêm, gia đình đã nhờ xe lôi chở về xã Hữu Định. Đường từ BV Nguyễn Đình Chiểu đến xã Hữu Định khá xa nên trong trường hợp này, anh xe lôi phải kêu thêm anh Honda ôm để trợ lực, xong việc sẽ chia tiền 3/7 cho anh Honda ôm”. “Trợ lực là sao?” – tôi hỏi. Anh Giỏi nói rằng đạp xe lôi quá xa sẽ đuối sức, thêm nữa đi trong đêm đường sá tối tăm, cần anh Honda ôm tiếp sức, pha đèn cho xe chạy. Xong việc, trở về trong đêm với chiếc xe lôi vừa chở xác người, có hai người cũng ấm áp, yên lòng hơn. Còn với cánh taxi, họ đâu có chịu chở xác, họ sợ xui xẻo…”.

Bến đò (Bến Lở) TP Bến Tre giờ chỉ còn lại ba chiếc xe lôi, chủ yếu để chở hàng hóa. Ảnh: PLHH

Trước năm 1995 là thời hoàng kim của nghề chạy xe lôi đạp tại thị xã Bến Tre (nay là TP Bến Tre) với trên 600 chiếc nhưng hiện giờ chỉ còn khoảng 60 chiếc. Tại cổng BV Nguyễn Đình Chiểu, nơi xe lôi chuyên chở khách, ít chở hàng hóa, trước đây có trên 30 chiếc sắp tài với nhau, giờ chỉ còn lại bảy, tám chiếc, khách của ai người đó chở. Những chỗ khác lèo tèo hơn nhiều. Tại Bến Lở còn hai, ba chiếc, ngã tư Tân Thành hai chiếc, chợ An Hòa, phường 8 vài ba chiếc, Chợ Giữa (Phú Hưng) hai chiếc… và một số đậu xe tại nhà chờ mối quen đến gọi thì chạy. Hầu hết những chiếc xe lôi trên đều chở hàng hóa, bàn ghế, vật dụng xây dựng…

Vào dịp tết, đi chợ hoa xuân, muốn mua vài chậu hoa kiểng đem về nhà mới thấy chiếc xe lôi cần thiết dường nào. Mặt khác, số tiền phải trả cho người đạp xe lôi xem ra cũng phải chăng. Anh Giỏi thì thầm: “Những người chạy xe lôi như tụi tôi bây giờ đã bước vào hàng… U-60 hết rồi. Cái tuổi tri thiên mệnh, khó mà thay đổi được gì nên phải ráng!”.

Không mong truyền nghề

Anh Lê Văn Hai ngụ phường 5, TP Bến Tre đến với chiếc xe lôi đạp cũng cùng thời với anh Giỏi. Vợ anh Hai vốn là giáo viên (cô Võ Thị Vân, nay đã nghỉ hưu) dạy học ở trường tiểu học xã Phú Hưng. Cuộc sống khó khăn, vất vả, vợ chồng anh quyết định chỉ có một đứa con. Con trai của anh chị là Lê Quốc Tuấn, sinh năm 1987. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng Tuấn rất hiếu học, lại học giỏi. Tuấn học ở Trường THPT chuyên Bến Tre, rồi được tuyển thẳng vào Trường đại học Y Dược TP.HCM.

Anh Lê Văn Hai bên giường bệnh. Ảnh: PLHH

Từ đầu năm 2003, vì bị bệnh, anh Hai không còn đạp xe lôi ở bến trước cổng BV Nguyễn Đình Chiểu nữa. Mấy năm gần đây, sức khỏe của anh sa sút hẳn vì chứng bệnh u xơ tuyến tiền liệt. Anh vén áo cho xem ống nước tiểu đeo bên hông rồi giãi bày: Dù khó khăn, bệnh tật nhưng anh rất tự hào về đứa con trai. Đó là niềm an ủi lớn nhất đối với vợ chồng anh.

Anh Lê Văn Hai tâm sự: “Biết cháu Tuấn học giỏi, gia đình chúng tôi khó khăn, khi cháu học năm thứ nhất, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo và người tàn tật tỉnh Bến Tre đã cấp học bổng cho cháu. Tôi rất cảm ơn hội và lòng tốt của một số bạn hữu khác đã hỗ trợ, giúp đỡ cháu. Còn bằng như không có gì mà nó ham học như vậy, nếu phải bán nhà để lo cho nó ăn học thì tôi cũng làm”.

Rồi anh lại dè dặt nhưng giọng bình thản: “Nhờ vào chiếc xe lôi mà hơn 20 năm tôi đã nuôi sống bản thân và lo cho con ăn học. Nhưng trên đời này có những nghề ta cũng đừng cần đến sự kế thừa, như nghề đạp xe lôi của chúng tôi. Đời mình đã quá nhọc nhằn nên vợ chồng tôi cố gắng nuôi con ăn học để sau này nó có một cái nghề không vất vả như cha”.

“Hậu duệ” của xe kéo, tiền thân của xe ôm

Nhà văn Trang Thế Hy, quê Bến Tre, nay 88 tuổi, nhớ lại: “Trước năm 1945, tuy không nhiều nhưng nơi nội ô tỉnh lỵ Bến Tre cũng có xe kéo. Những chiếc xe kéo có hai càng, kéo đi bằng sức người, chạy sòng sọc trên đường phố. Người phu xe có chiếc khăn quấn ở cổ để thỉnh thoảng lau mồ hôi, trông thật gian lao, tội nghiệp!”. “Xe kéo dành để chở người nhà giàu, người có chức có quyền?” – tôi hỏi nhà văn. ông nói: “Ai đi cũng được, nhất là các sản phụ rất cần. Hồi nhỏ tôi cũng có lần đi xe kéo với má tôi…”.

Năm 1945 là thời điểm bắt đầu xuất hiện những chiếc xe lôi đạp. Đồng hành với xe lôi đạp còn có xe xích lô, xe lôi máy (folit) rồi xe lam. Thường xe lôi đạp, xe xích lô hoạt động nơi nội ô các đô thị ở miền Nam, còn xe lôi máy, xe lam chạy xa hơn, dùng lúc đi liên huyện chẳng hạn. Tiếng nổ của xe lôi máy rền rền, chạy đến đâu thì từ đầu xóm đến cuối xóm đều nghe, nó tựa như “sư phụ” của xe lôi đạp.

Sau này Honda ôm ngày càng phổ biến và tiện ích, xe lôi ngày càng vắng bóng.

PHAN LỮ HOÀNG HÀ

April 9, 2010

Vũ khí “mềm” có sức công phá “khủng”

Filed under: Uncategorized — ktetaichinh @ 10:42 pm
Tags: ,

Vượt ra khỏi lĩnh vực giải trí, sức lôi cuốn khó cưỡng của Chủ nghĩa thực dân Coca-Cola” hay “sự thống trị của McDonald’s” còn được nâng tầm và được tiếp cận ở địa hạt của ngoại giao quốc tế và địa chính trị.

LTS: Cha đẻ của sức mạnh mềm, GS Nye từng viết: “Trước khi bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989, nó đã bị  xuyên thủng bởi truyền hình và phim ảnh.

”Các thành tố của hệ thống truyền thông Mỹ từ phim Hollywood, nhạc pop cho tới các các thương hiệu như McDonald, Cocacola, Harvard… là một sức mạnh mềm mà chính quyền Mỹ không phải lúc nào cũng kiểm soát và có ý thức kiểm soát trọn vẹn, cho dù ảnh hưởng của nó là to lớn.

Tuần Việt Nam và Trung tâm sức mạnh mềm Joseph Nye trân trọng giới thiệu các nghiên cứu của hai tác giả Watanabe Yasushi và David McConnell về lĩnh vực này.

“Chủ nghĩa thực dân Coca-Cola”

Văn hóa đại chúng là toàn bộ các ý tưởng, nhận thức, thái độ, các tác phẩm, hình ảnh và các hiện tượng khác được yêu mến và tương thích với nền văn hóa chủ đạo trước đó, đặc biệt là văn hóa Tây Âu

Tập hợp các ý niệm này được truyền đi mỗi ngày trong xã hội do ảnh hưởng chủ yếu của truyền thông đại chúng.

“Văn hóa đại chúng và truyền thông đại chúng có một mối quan hệ cộng sinh: phụ thuộc lẫn nhau và cộng tác mật thiết”. – K. Turner (1984)

Dù chưa thể cân đo đong đếm được hết các ảnh hưởng của nền văn hóa đại chúng Mỹ (Popular Culture) nhưng sự xâm thực của nó trên thế giới là có thực.

Giờ đây, sức lôi cuốn của nền văn hóa này đã được tiếp cận ở bên ngoài địa hạt của giải trí, truyền thông và trở thành một loại công cụ vô cùng hữu hiệu trong việc phát tán sức mạnh mềm của Mỹ.

Sức hấp dẫn đó được truyền đi khắp nơi trên toàn cầu nhờ sự nổi tiếng của các biểu tượng trong ngành công nghiệp giải trí của Mỹ – từ Madona cho tới McDonald’s và chú chuột Mickey.

Sức lôi cuốn của văn hóa đại chúng mạnh mẽ tới mức đã có lúc người ta coi sự lan truyền của nó như một dạng “xâm lăng” hoặc “bành trướng” tại những bối cảnh khu vực nhất định.

Chẳng hạn, người ta gọi “Chủ nghĩa thực dân Coca-Cola” hay “sự thống trị của McDonald’s”. Vượt ra khỏi lĩnh vực giải trí, sức lôi cuốn khó cưỡng của họ còn được nâng tầm và được tiếp cận ở địa hạt của ngoại giao quốc tế và địa chính trị.

“Chính MTV đã kéo sập bức tường Berlin” (Ảnh nguồn: floridaholidays4unow.co.uk)

Tuy nhiên, vai trò của văn hóa đại chúng trong địa hạt này lại rất gây tranh cãi. Nhiều người cho rằng nếu chỉ tập trung vào văn hóa đại chúng thì sẽ làm tầm thường hóa các phân tích về tổ hợp phức tạp bao gồm rất nhiều dạng tác động quan trọng khác của sức mạnh mềm, chẳng hạn như ngoại giao nhà nước và các chương trình giáo dục.

Rõ ràng, sức mạnh mềm không đơn thuần chỉ là Chuột Mickey, Madonna, McDonald’s hay là MTV. Văn hóa đại chúng có thể làm cho việc thảo luận về chính sách đối ngoại của Mỹ nghe có vẻ rất tầm thường, nhưng sức công phá của nó cho thấy đây là một lực tác động có thật và không thể cưỡng nổi.

“Chính MTV đã kéo sập bức tường Berlin”

Quan trọng hơn, rất khó – nếu như không nói là không thể nào – lượng hóa được tầm ảnh hưởng của văn hóa đại chúng. Cho dù sức hấp dẫn của nó là gì, văn hóa đại chúng không hề tạo ra các tác động có thể đo lường được, và cũng không đem lại kết quả đơn lẻ như mong muốn ở những nơi mà nó được tiếp nhận.

Đặc biệt là, không có gì chứng minh được rằng sự phổ biến của văn hóa đại chúng – từ việc xuất cảng những bộ phim của Hollywood hay là các ca khúc nhạc pop bằng tiếng Anh nổi tiếng trên toàn cầu – đã thôi thúc cho việc hình thành nên các điều kiện của chủ nghĩa đa nguyên, tự do ngôn luận hay là dân chủ.

Sức hấp dẫn của văn hóa đại chúng không trực tiếp tạo nên các cuộc cách tân tại những nước còn thiếu thiện cảm với  “tự do” và “dân chủ”.

Ảnh nguồn: joystiq.com

Nhưng các thông điệp của nó một khi đã được tiếp nhận thì thường được coi như là các biểu tượng của các giá trị đi cùng với chủ nghĩa cá nhân và tự do ngôn luận.

Theo cách đó, có thể dẫn tới thay đổi về mặt xã hội và chính trị khi những khát vọng được tiếp thêm động lực để trở thành hành động của tập thể.

Trở lại với Bức tường Berlin chia cắt nước Đức, những thanh niên Đức đã đập tan bức tường này đều mặc những chiếc áo phông vẽ hình logo MTV. Thậm chí có người còn kết luận rằng: “Chính MTV đã kéo sập bức tường Berlin”.

Nhiều người nghĩ  rằng bất kể ảnh hưởng của văn hóa đại chúng là gì, thì chính quyền Mỹ cũng không nên liên can tới việc phổ biến các thông điệp của loại văn hóa này trong việc thực thi chính sách đối ngoại của Mỹ. Và, văn hóa nên nhường lại cho các nhân tố phi nhà nước.

Nhưng, trên thực tế thì văn hóa đại chúng của Mỹ lại được triển khai với rất nhiều cấp độ áp dụng khác nhau, đã trở thành một phần trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong gần nửa thế kỷ qua.

Bất kỳ tổng thống nào của Mỹ – từ thời Woodrow cho tới George W. Bush – đều hiểu rõ tầm quan trọng chiến lược của sức mạnh văn hóa Mỹ.

Xuất khẩu “phong cách sống kiểu Mỹ”

Ngành công nghiệp phim ảnh và truyền hình của Mỹ có vô vàn ví dụ minh chứng cho tầm quan trọng chiến lược này của văn hóa đại chúng trong việc phát triển có hệ thống chính sách đối ngoại của Mỹ. Nó cũng đưa ra các minh chứng rõ ràng về những phản ứng hết sức trái chiều mà nền văn hóa đại chúng Mỹ đã kích động như thế nào trên thế giới.

Về bản chất, sự lôi cuốn từ sức mạnh mềm của Mỹ trong lĩnh vực văn hóa đại chúng chủ yếu dựa trên các hệ thống giá trị ẩn sâu trong các khu vực mà nó được công chúng địa phương truyền tải và tiếp nhận.

Tại các quốc gia phương Tây, nơi mà công chúng có sự chia sẻ rộng rãi các giá trị tự do và lâu bền gắn liền với chủ nghĩa cá nhân và dân chủ, thì các bộ phim cũng như truyền hình của Mỹ đạt được những thành công rất lớn và nổi tiếng.

Ảnh nguồn: bostoncondoloft.com

Nhưng các nhóm tinh hoa của các quốc gia này cũng phản ứng lại bằng cách hạn chế tầm quan trọng của các sản phẩm văn hóa Mỹ, và cũng tìm cách tạo ra đối trọng từ chính văn hóa bản địa, song những động thái này lại có xu hướng xuất phát từ động cơ bảo hộ về mặt thương mại.

Từ góc  độ lý thuyết, các nhà phân tích về sức mạnh mềm của Mỹ thường bị giới hạn trong cách tiếp cận tự do mới, trong đó nhấn mạnh vai trò của các nhân tố phi nhà nước và tầm quan trọng của các ý tưởng và giá trị trong việc định hình nên chính sách đối ngoại.

Trên thực tế, việc xuất cảng các giá trị và phong cách sống kiểu Mỹ theo con đường Hollywood và truyền hình vệ tinh lại rất phù hợp với các mô hình tự do mới.

Tuy nhiên, việc xuất khẩu có tính chất thương mại hóa các sản phẩm văn hóa của Mỹ chưa bao giờ đơn thuần là một sứ mệnh đạo đức do các nhân tố  phi nhà nước đảm nhận, cho dù đó là các nhà sản xuất của Hollywood hay là các chương trình của CNN.

Chính phủ Mỹ chưa bao giờ tỏ ra thờ ơ với các lợi ích thương mại từ việc xuất khẩu văn hóa Mỹ. Tương tự, các đối tác thương mại của Mỹ từ lâu đã lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực lên cán cân thanh toán quốc gia khi mà các thị trường của họ tràn ngập các sản phẩm văn hóa Mỹ.

Do đó, có  thể nói rằng, cách thức quảng bá cho sức mạnh mềm của chính phủ Mỹ không chỉ mang đặc tính của chủ nghĩa lý tưởng cao cả, mà còn bị ảnh hưởng từ cách tiếp cận đầy tính thực dụng trực thuộc tư duy thực tế trong ngoại giao quốc tế của Mỹ.

Dẫu vậy, trong chính sách đối ngoại của Mỹ thì chủ nghĩa lý tưởng giáo điều và chủ nghĩa thực tế trong hoạt động thương mại vẫn chỉ là “đồng sàng dị mộng” khi mà các sản phẩm văn hóa nội địa được xuất khẩu trên toàn cầu. Chúng cùng vận hành với nhau, mang tính cộng sinh và thậm chí là trái ngược nhau.

Phần 2: Hollywood: “Sứ thần” của Hoa Kỳ trên thế giới

March 4, 2010

Cải tạo động Phong Nha?

Filed under: Uncategorized — ktetaichinh @ 4:58 am
Tags: ,

TT – Ngày 27-2, ông Lưu Minh Thành, giám đốc vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình), cho biết vườn đã có “phương án cải tạo, nâng cấp một số hạng mục tại động Phong Nha và Tiên Sơn”. Phương án này đang gây nhiều nghi ngại cho việc bảo tồn vẻ đẹp của di sản.

Nhũ đá – nét hấp dẫn nhất của hang động rồi sẽ bị tẩy rửa bằng hóa chất? – Ảnh: L.Giang

Trước Tết Nguyên đán Canh Dần, vườn cũng đã thực hiện thí điểm dự án giới hạn lối đi dành cho khách du lịch tại khu vực hang Bi Ký, động Phong Nha. Hai hàng rào bằng cọc inox sáng loáng cao đến gần vai người lớn được dựng lên, giăng những đoạn dây thừng sơn xanh trắng buộc người tham quan phải đi trong khuôn khổ.

Thí điểm này bị du khách phản ứng kịch liệt vì đã làm cảnh quan của động Phong Nha bị phá vỡ, người tham quan bị gò bó và khi chụp ảnh lưu niệm thì luôn hiện phía sau một dãy hàng rào trông phản cảm. Trước phản ứng của nhiều người, hàng rào thí điểm được tháo dỡ tạm thời để vườn… có phương án mới.

Những hạng mục gây nghi ngại

Và một phương án khá “toàn diện” đã được vườn đề nghị UBND tỉnh xem xét cho thực hiện. Theo phương án, có một số hạng mục dự kiến được nâng cấp và cải tạo, như làm cầu treo từ hang Tiên đến hang Bi Ký (cuối động) trong động Phong Nha. Cầu làm bằng chất liệu gỗ hoặc nhựa theo dạng công sơn, gắn vào vách động phía bên trái (khi đi trở ra).

Theo kế hoạch, làm cầu là để giải quyết vấn đề ùn tắc, chen lấn tại hang Bi Ký trong mùa cao điểm, tạo sự an toàn và cảm giác hứng khởi cho du khách, giảm nạn ô nhiễm xăng dầu trong động do thuyền máy gây ra… Du khách sau khi đi thuyền vào đến hang Bi Ký, thay vì đi thuyền trở ngược ra để tới hang Tiên như hiện nay thì đi ra bằng cầu treo. Còn thuyền sẽ quay trở ra cửa động, không còn đậu chờ khách trước hang nữa.

Ông Lưu Minh Thành, giám đốc vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng:

“Phương án này được vườn khởi thảo và đệ trình tỉnh xem xét cho thực hiện sau khi cùng với đoàn công tác của tỉnh tham quan một số hang động ở vườn quốc gia Mulu (Malaysia). Nhưng hiện nay vườn chưa có đề án nghiên cứu khả thi cụ thể, chi tiết nào (kèm với phương án chung đã trình UBND tỉnh) về các hạng mục cải tạo, nâng cấp hang động, mà chỉ mới có duy nhất phương án đã trình đó thôi”.

Ông Nguyễn Văn Kỳ, phó giám đốc Sở Văn hóa – thể thao và du lịch Quảng Bình:

“Tôi đã đi tham quan một số hang động trên thế giới và thấy người ta rất ít tác động đến tự nhiên của hang động. Theo tôi, muốn làm gì hang động cũng phải có tư vấn khoa học một cách đầy đủ, chứ không phải muốn là làm được”.

Ông Phạm Ngọc Hiên, phó chủ tịch Hội Địa chất Quảng Bình:

“Không nên làm cầu treo trong động Phong Nha. Vì ngoài làm thay đổi cảnh quan của hang động, trong quá trình làm cầu phải dùng các biện pháp thi công như đóng cọc, khoan lỗ vào đá, đóng đinh, cưa xẻ… sẽ có tác động đến địa chất. Bởi nhất định trong hệ thống hang động đã có sẵn các vết nứt gãy, khi bị tác động sẽ gây ra sự đổ sập. Đã là di sản thiên nhiên thì phải để tự nhiên, nếu không quá cần thiết thì không nên tác động vào”.

LGIANG ghi

Hạng mục thứ hai là cải tạo lối đi lại trong hang động bằng sàn gỗ hoặc bằng nhựa tổng hợp, lắp đặt hệ thống lan can bằng sợi dây thừng với cọc gỗ hoặc dây bạt với cọc inox. Mục đích của việc này là nhằm giới hạn các điểm dừng chân ngắm cảnh, chụp hình lưu niệm, nghe thuyết minh tại một vài điểm (thay vì tự do thoải mái như hiện nay). Giải pháp này nhằm hạn chế du khách xâm hại thạch nhũ, phá hỏng nền động, dễ kiểm soát du khách.

Một hạng mục quan trọng khác được trình trong phương án là bảo dưỡng, làm vệ sinh hang động, chú trọng xử lý các loại vi khuẩn gây bệnh trong hang động, làm sạch thạch nhũ, vách động… Theo đó, các loại hóa chất phù hợp sẽ được dùng để chùi rửa các vết bẩn do du khách để lại và các loại địa y, rêu tảo bám trên bề mặt thạch nhũ, vách đá. Nếu phương án “chùi rửa” này được tỉnh chấp nhận, vườn sẽ “có kế hoạch bảo dưỡng, tu bổ hằng năm”, nhằm “bảo dưỡng hệ thống thạch nhũ và môi trường trong hang động. Ðồng thời tạo kỹ năng cho nhân viên của vườn về bảo vệ, giữ gìn cảnh quan và có kinh nghiệm về quản lý, xử lý rác thải”!

Kế hoạch thực thi mà vườn đề ra tại phương án trên là trong tháng 3 lắp đặt các lối đi có rào chắn bằng dây thừng, xây dựng hệ thống lối đi mới trong hai động. Từ đó tiếp tục thực hiện các hạng mục khác trong năm 2010.

Làm mất cảnh quan tự nhiên

Mặc dù vườn nêu rõ nguyên tắc của phương án là “tôn trọng các quy luật của tự nhiên, không phá vỡ, xâm hại đến cảnh quan hang động, ít tác động đến môi trường…” nhưng những mục tiêu và nguyên tắc như vậy thật khó đạt được, thậm chí còn làm xấu di sản quý giá này của thế giới.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, làm cầu trong động chỉ có ba cách, là khoan hoặc đục lỗ vào vách đá để chôn bulông và giá đỡ giàn cầu, hoặc đóng cọc xuống lòng sông ngầm trong động làm trụ cầu, hoặc khoan lỗ lên trần động rồi mắc dây treo… lơ lửng cầu.

Phân tích dự án, ông Nguyễn Văn Lợi, chủ tịch Hội Di sản văn hóa Quảng Bình, nói: “Với một chiếc cầu treo dài khoảng 500m, lại tạo dựng theo kiểu đeo vào vách đá vốn có nhiều điểm gãy khúc, nó sẽ ảnh hưởng toàn bộ cảnh quan tự nhiên của động Phong Nha. Thử hỏi có mấy ai vào động (sau khi đã bỏ ra 50.000 đồng mua vé) lại thích cứ bị “đập” vào mắt chiếc cầu treo lồ lộ như thế. Khi đóng cầu vào vách động (khoan lỗ, đóng đinh…), chắc chắn sẽ tác động đến kết cấu của hệ thống thạch nhũ đã có hàng trăm triệu năm tuổi. Có hay không một sự đổ vỡ, lở, trượt xảy ra cho hang động?

Với mục đích điều tiết lượng du khách quá đông vào lúc cao điểm (2.000-3.000 lượt/ngày) thì phương án cầu treo này không cần thiết. Vì mỗi năm chỉ có 3-5 ngày cao điểm như vậy vào dịp kỷ niệm chiến thắng 30-4 và 1-5 mà thôi. Chỉ cần Trung tâm Du lịch văn hóa, sinh thái Phong Nha có kế hoạch điều tiết hợp lý việc vào – ra là được”. Ông Lợi còn cho biết việc giảm ô nhiễm xăng dầu trong động do thuyền đưa khách gây ra cũng không cần thiết, vì lâu nay từ cửa động vào đến hang Bi Ký người ta đã không cho nổ máy thuyền.

Phương án dùng hóa chất tẩy rửa vết bẩn, diệt các loại địa y, rêu tảo bám trên bề mặt thạch nhũ, vách đá làm nhiều người nghi ngại. Vì loại hóa chất nào do con người tạo ra khi đưa vào thiên nhiên cũng sẽ để lại tác hại. Khi diệt hết các loại thực vật trên liệu có tác động nào xấu đến địa chất, môi sinh của hang động? Hoặc có cần thiết phải diệt hết các loại tảo, địa y, rêu trong động? Với các vết bẩn này chỉ nên phun nước rửa là đủ, sẽ giữ được ở mức tối đa các yếu tố tự nhiên của môi sinh.

Mọi tác động đến thiên nhiên, lại là thiên nhiên của một di sản thế giới và là một trong 10 di tích quốc gia đặc biệt của VN, phải hết sức thận trọng và cần có cơ sở khoa học. Mất tự nhiên đồng nghĩa với mất di sản, mất khách du lịch.

LAM GIANG

Du khách tham quan hang động vì vẻ đẹp tự nhiên

Tất cả giải pháp đều gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường tự nhiên của hang. Nếu chỉ để giải quyết vấn đề ùn tắc cục bộ theo mùa, vấn đề thuận lợi và an toàn cho khách thì ban quản lý đang chạy theo lợi nhuận và doanh thu chứ không hề để ý đến việc bảo tồn di sản một cách bền vững vì:

– Du khách đến tham quan động vì sự hùng vĩ và vẻ đẹp tự nhiên mà chính tự nhiên tạo ra nó chứ không phải đến để xem người ta gán cho nó một sự giả tạo.

– Di sản thiên nhiên thế giới không phải là danh hiệu được cấp vĩnh viễn nên Phong Nha – Kẻ Bàng rất cần được bảo vệ và gìn giữ tốt. Ban dự án có nghĩ rằng các kiến trúc sư tham gia việc cải tạo tự nhiên có thể giỏi hơn, hay hợp lý hơn tự nhiên hay không? Bởi thiết nghĩ tạo hóa đã tạo ra những địa hình bằng phẳng gồ ghề hay sắc nhọn, các đỉnh, chóp, thác nước… đều đã hợp theo quy luật tự nhiên.

Một góc hang Bi Ký, động Phong Nha  – Ảnh: L.GIANG

Tôi đã đi Ba Bể – Bắc Kạn, nơi có một hang động rất đẹp là hang động ở khu vực Chợ Lèng (hang Cổng Trời). Khi chúng tôi vào khảo sát, lúc đó hang thật sự đẹp, ngoài gần cửa hang còn có một di chỉ khảo cổ mà chính tay tôi bới được một số mảnh gốm sứ cổ.

Sau khi khảo sát, chúng tôi có đề xuất biến hang động này thành hang du lịch vì hang có hệ thống nhũ đá rất đẹp. Sau một thời gian quay lại, hang đã được đổi tên và được khai thác làm du lịch thật nhưng chúng tôi không thể nhận ra nó nữa vì rất nhiều vị trí trong hang đã bị thay đổi. Với hệ thống bậc lên xuống bằng bêtông, cảnh quan và hình thái của hang không còn như trước và bị phá hủy một cách nghiêm trọng không thể phục hồi được.

Kỹ sư ĐỖ VĂN THẮNG
(phòng nghiên cứu kiến tạo địa mạo, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản)

February 27, 2010

Hà Nội năm 2010 Còn chút gì của nền văn hiến nghìn năm? Năm 2010 đánh dấu một mốc thời gian quan trọng: 1000 năm Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội. Hà Nội xưa nổi tiếng là đất kinh kỳ với những giá trị truyền thống quý báu: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Trải qua những năm tháng loạn lạc, chiến tranh, giờ đây Hà Nội lại đứng trước quá trình Toàn cầu hóa ồ ạt. Đâu là hình ảnh Hà Nội năm 2010 ?

Filed under: Uncategorized — ktetaichinh @ 4:01 pm
Tags: , , ,

Nền tảng nghìn năm văn hiến
T ừ khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư tới thành Đại La và đổi tên thành Thăng Long, đất nước ta bước vào một thời kỳ lịch sử mới, phồn vinh, vững mạnh. Sự kiện ấy bắt đầu cho một nền văn hiến Đại Việt. Trong “Thiên đô chiếu”, Thái Tổ cũng đã khẳng định: “Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời.”
Trong lịch sử Việt Nam, chưa có thành nào có được chọn là thủ đô lâu năm như Hà Nội. Đinh – Tiền Lê chọn Hoa Lư (Ninh Bình), cha con Hồ Qúy Ly dời về Tây Đô (Thanh Hóa), Quang Trung xây dựng Phượng Hoàng trung đô (Nghệ An), triều Nguyễn di dời về Thừa Thiên Huế… nhưng tất cả những kinh đô ấy đều không kéo dài đến quá 200 năm. Trong khi ấy, thành Đại La được chọn làm thủ phủ từ trước năm 1010. Từ thời Thuc Phán An Dương Vương đã xây thành Cổ Loa chính ở Đông Anh, ngoại thành Hà Nội hiện nay. Cao Biền khi làm Tiết độ sứ ở An Nam đã cho xây thành Đại La và chọn nơi đây làm thủ phủ. Cho đến sau này, Lý Nam Đế, Ngô Quyền đều chọn mảnh đất này làm đô thành.
Trải qua ba triều đại Lý – Trần – Lê, Thăng Long đã tạo dựng được cho mình một nền tảng văn hiến khó có thành phố nào trên đất nước này có thể sánh nổi, thậm chí đã trở thành đại diện cho hình ảnh đất nước Việt Nam. Khi hình dung về người Hà Nội, người ta thường mường tượng chung một hình mẫu: thanh lịch, trang nhã và hiếu khách, không phân biệt đó là quan chức, học trò hay đơn giản chỉ là người buôn bán nhỏ lẻ nơi đầu đường xó chợ. Khắp chốn đô thành đều bao trùm một không khí học thức. Tinh thần hiếu học thể hiện rõ qua kiến trúc Hà Nội: Từ Văn Miếu – Quốc Tử Giám với những con rùa đội bia đá, đến đền Ngọc Sơn thờ Văn Vương, rồi Đài Nghiên-Tháp Bút… Những biểu hiện ấy ở các đô thành khác đều không hề thấy.
Chính vì hiếu học nên người Hà Nội dường như không đặt nặng chuyện làm giàu. Dân Hà Thành gốc không có gia đình nào là quá giàu, họ hiểu được giá trị cuộc sống nên với họ, cái thú ăn chơi chiếm một phần quan trọng. Thú ăn chơi ở chốn kinh đô này đã được nâng lên thành văn hóa. Mỗi tầng lớp người ở Hà Nội đều có một cách ăn chơi riêng nhưng đều có một điểm chung đó là tính trang nhã. Người Hà Nội ăn chơi không lấy sự xa xỉ, phô trương làm trọng mà trái lại, rất giản đơn và tinh tế.
Nếu thử so sánh giữa bát bún riêu Hà Nội và bún riêu Nam Bộ thì sẽ thấy rõ sự khác biệt. Bát bún riêu Nam Bộ có lượng lớn, bún nhiều, nước lèo nhiều, thực phẩm thì đủ loại: nào thì cua được viên tròn, nào thì giò tai, thịt bò rồi cả đậu phụ… nhưng bát bún riêu Hà Nội thì đơn giản lắm. Bát bún riêu nho nhỏ, chỉ đơn giản là riêu cua được chưng mỡ rưới đều trên ít bún, nước dùng chua chua đỏ màu cà chua và một ít hành, ăn kèm với rau sống, rau thơm thái chỉ. Không rõ là bún riêu Nam Bộ với bún riêu Hà Nội, món nào được ưa chuộng hơn nhưng rõ ràng người Hà Nội không thích lẫn lộn, tổng hợp.
Còn thú chơi tuy không phô trương nhưng lại rất cầu kỳ. Chỉ riêng chuyện uống trà của dân Hà Nội cũng đã có thể chép lại thành cả cuốn sách. Miền Bắc có nhiều loại trà nổi tiếng: trà Thái Nguyên, trà Suối Giàng, trà Phìn Hồ… và phải kể đến cả trà sen Hồ Tây. Để ướp được thứ trà này, thật kỳ công. Loại chè ngon được ướp cùng với nhụy sen hái ở Hồ Tây. Để có mùi thơm tươi mát, người ta để từng dúm chè vào những bông sen trên hồ rồi buộc lại. Thứ nước pha trà phải là thứ sương hứng ở trên lá sen vào buổi sáng tinh mơ. Đó thực sự là chơi trà chứ không đơn thuần là uống trà. Chính bởi tính cầu kỳ, kỹ tính ấy của dân Hà Thành, nghệ sĩ nào muốn hành nghề ở đất Kinh Kỳ không phải chỉ cần trau dồi cho mình tài năng xuất chúng mà còn phải tạo cho mình một phong thái lịch lãm và cao quý. Vì rõ ràng sự xa hoa mà thô lỗ không thể nào chinh phục được những khán giả Hà Nội tinh tế và khó tính.
Nét đẹp xƣa của Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội… còn đâu?
Những người xa Hà Nội lâu năm quay trở về đều không thể nhận ra thành phố. Một nghìn năm văn hiến dù trải qua biết bao biến thiên lịch sử, thậm chí là cả qua thời kỳ Âu hóa, cho đến trước năm 1954, Hà Nội vẫn là Hà Nội. Nhưng từ đó đến giờ, Hà Nội dường như đã biến thành một nơi hỗn tạp, xô bồ.
Biểu hiện rõ nhất là ở kiến trúc. Không rõ trước thời kỳ Pháp thuộc Hà Nội như thế nào, nhưng qua những bức ảnh thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 thì ta thấy rõ chúng ta đã từng có một thành phố với những ngôi nhà trang nhã, lịch sự được quy hoạch hợp lý. Còn bây giờ thì sao? Nếu bị lạc vào khu 36 phố phường, ta sẽ không thể hình dung được đây là trung tâm của thành phố. Đó là những dãy phố nhỏ hẹp, đông đúc, vỉa hè bị lấn chiếm làm chỗ buôn bán, nhà cửa thì chen chúc; cái cao – cái thấp, cái thò ra – cái thụt vào. Ngôi nhà cổ ngày trước từng là căn nhà khang trang thì giờ trở nên xộc xệch: tầng 1 cho thuê làm cửa hàng buôn bán, các tầng trên để mặc lớp vôi cũ đã lên màu rêu phong, mấy hộ gia đình ở chung một căn nhà và sử dụng chung một nhà vệ sinh.
Dân cư Hà Nội ngày một đông đúc và hệ quả tất yếu là các ngôi nhà cứ thế đua nhau mọc lên như cỏ hoang chẳng ai quy hoạch. Nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử bị xâm phạm nghiêm trọng. Hồ Hoàn Kiếm ngày một nhỏ đi, giờ chỉ như một cái ao giữa trung tâm thủ đô. Ấy là còn chưa kể biết bao đình chùa, đền miếu, lăng tẩm… bị nhà dân xâm lấn. Lấy ví dụ là lăng mộ của Thần Siêu (Nguyễn Văn Siêu), người cho xây dựng Đài Nghiên – Tháp Bút, hiện đang nằm ở làng Kim Lũ. Lăng mộ của ông nằm trong sân một nhà máy quốc doanh đã cũ kỹ, cỏ hoang mọc xung quanh, chẳng có đường vào. Thảm thương hơn một Thần Siêu phải kể đến lăng mộ của nhà văn hóa Đặng Trần Côn – tác giả “Chinh phụ ngâm khúc”. Sau khi chiến tranh kết thúc, phần mộ của ông nằm trên phần đất được phân cho một thương binh có công với Cách mạng. Vị “anh hùng” này cần phải xây nhà và phần mộ ấy choán mất phần không gian xây nhà vệ sinh của gia đình, vậy là ông ta quyết định đào mộ lên, vứt hài cốt của Đặng Trần Côn bao gồm cả quan quách xuống sông Tô Lịch. Đến giờ, hài cốt của vị danh nhân văn hóa này vẫn chưa được tìm thấy.
Dòng sông Tô Lịch chảy xuyên suốt thành Thăng Long, nổi tiếng là một dòng sông đẹp:“Sông Tô nước chảy trong ngần- Có thuyền bướm trắng chạy gần chạy xa”. Vậy mà giờ đây, sông Tô Lịch chỉ còn là một cái cống thoát nước đen ngòm của cả thành phố với đủ các loại rác rưởi, nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, rồi thì người ta giết người cũng đem vứt xuống sông. Sông Tô đã đổi màu, Hà Thành cũng đổi màu!
Những người sinh sống ở Hà Nội không có được cái vẻ lịch lãm đã từng được ca ngợi nữa mà trái lại, có đủ các tật xấu như: nói tục chửi bậy, xả rác bừa bãi, coi thường pháp luật… Bát bún riêu giờ cũng bắt đầu hổ lốn, có thêm đậu phụ, thịt bò, cũng chẳng ai đi hứng sương ở lá sen nữa vì giờ không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng do khói thải từ các nhà máy công nghiệp…
Bước vào thế kỷ XXI, nhiều nét đẹp của thành phố này cứ lần lượt biến mất. Các làng nghề truyền thống bị mai một, các món ăn ngon bị lai tạp và bị công nghiệp hóa làm mất đi hương vị nguyên bản. Các thú chơi như ca trù, thư pháp, sinh vật cảnh… bị lãng quên nhiều năm đến giờ mới bước đầu khôi phục. Nghiêm trọng hơn cả nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh bị quá trình đô thị hóa hủy hoại… Điển hình là các khu vườn đào. Hoa đào là loại hoa đặc trưng của chốn kinh kỳ mỗi khi năm hết Tết đến. Từ ngàn xưa, làng Nhật Tân đã nhận sứ mạng quan trọng là cung cấp đào cho cả Hà Nội. Giống bích đào Nhật Tân nổi tiếng đẹp với sắc hồng thắm, dáng dấp tao nhã không đâu sánh được. Quá trình đô thị hóa với các dự án khu đô thị mới đã cướp mất mảnh đất trồng đào của người dân nơi đây. Họ dạt ra phía lưu vực sông Hồng nhưng đất ở đây màu mỡ quá khiến đào không có được màu sắc tươi tắn và dáng cây trở nên mập mạp. Sau đó, những nông dân trồng đào phát hiện ra đặc tính của đất La Cả – Hà Đông giống với đất Nhật Tân khi xưa. Bà con bèn khăn gói, mang theo giống bích đào quý báu, kéo nhau chuyển về đất La Cả. Nhưng rồi mảnh đất này cũng Nhưng rồi mảnh đất này cũng bị thu hồi để xây dựng khu chung cư cao cấp. Năm 2010 này có ai ngờ là năm cuối cùng của làng đào La Cả. Bắt đầu từ năm sau nơi đây sẽ là công trường ngổn ngang gạch ngói.
“Xe Lexus” hay “cây olive”?
Vấn đề của Hà Nội hiện nay chính là vấn đề lựa chọn “xe Lexus” (Toàn cầu hóa) hay “cây olive” (văn hóa phương Tây) mà nhà báo Thomas Friedman đã đề cập đến khi viết về quá trình Toàn cầu hóa. Chiếc xe Lexus hiện đại có đủ tốc độ và sức mạnh để nghiền nát bất cứ cánh đồng olive nào. Vậy các giá trị truyền thống của Hà Nội liệu có đương đầu nổi với cuộc Toàn cầu hóa đang diễn ra trên khắp thế giới hay không?
Các nét đẹp của Hà Nội xưa vốn dĩ đã bị mai một nhiều từ sau năm 1954 do Nhà nước không nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng nền văn hiến. Thêm vào đó, sự di dân bất hợp lý đã làm đảo lộn các giá trị. Nhiều người dân Hà Nội vì nhiều lý do (do bất đồng quan điểm chính trị, do bị bắt đi cải tạo hoặc do bị ép lên các vùng kinh tế mới…) đã phải nhường thành phố cho người dân tỉnh lẻ để lưu lạc ở nơi khác. Đó có lẽ là nguyên nhân chính khiến các nét đẹp của Hà Nội bị lai tạp và sự thanh lịch của người dân nơi đây không còn nữa.
Đúng lúc người ta bắt đầu ý thức được giá trị của một Hà Nội văn hiến thì Hà Nội lại phải đối mặt với “những chiếc xe olive”. Vào thế kỷ 19, khi làn sóng Âu hóa tác động tới thành phố này, “chất Hà Nội” vẫn giữ được ít nhiều vẹn nguyên. Ấy là bởi bề dày văn hóa vững chắc từ ngàn xưa. Nhưng sau năm 1954, bề dày ấy đã bị mài mòn đến mức lung lay, e rằng làn sóng mới của « những chiếc xe olive » này sẽ quật đổ tất cả các nền tảng cũ còn rơi rớt lại.
Lời kết
Không phải chờ đến năm 2010 chúng ta mới nhận thấy những mất mát văn hóa đang đe dọa nền tảng nghìn năm văn hiến của Hà Nội và trăn trở về nó. Nhưng tầm quan trọng của sự kiện 1000 năm Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội càng day dứt lòng trắc ẩn của những người con Đất việt, của những người yêu, tin và muốn Hà Nội thanh lịch như xưa kia. Còn những người lãnh đạo đang ra sức hô hào cho lễ kỉ niệm này thì nghĩ gì ? Họ có nhận ra được những mất mát ấy không ? Hay lễ kỉ niệm đối với họ chỉ để khoe thành tích, khoe với thế giới những giá trị truyền thống mà thực tế đang chết dần bởi sự vô trách nhiệm của chính họ ?
Khuê Đăng

Thăng Long hay Hà Hội?

Filed under: Uncategorized — ktetaichinh @ 3:58 pm
Tags: , , ,

Gần đây ông Hoàng Tiến, tác giả ―Thư gửi Ban tổ chức lễ hội ngàn năm Thăng Long-Hà Nội‖, đã viết thư cho ban tổ chức lễ hội Ngàn năm Thăng Long-Hà Nội để đề nghị đổi tên Hà Nội thành Thăng Long. Ông cho rằng Thăng Long có nghĩa là rồng bay và tên gọi này đã giúp nước Đại Việt hưng thịnh. Trong khi đó, đất nước đã trải qua nhiều đau hương dưới tên gọi Hà Nội. Trước khi bàn về sự cần thiết của việc đổi tên thủ đô Hà Nội, thiết nghĩ cũng nên luận giải các chi tiết trong bức thư của ông Hoàng Tiến.
Lặp lại sai lầm
Thưa ông Hoàng Tiến, ở những nước văn minh người ta rất ít đổi tên, rất ít nhập vào, tách ra. Những cái tên Thành Đô, Tứ Xuyên là những địa danh có từ khoảng trên 2000 năm. Các thành phố khác trên thế giới như Moscơva, Paris, London, Oslo đều là các thành phố có tuổi rất cao với cùng tên một gọi. Mỗi một địa danh trong quá trình tồn tại và phát triển đã mang trên mình tất cả các dấu ấn lịch sử và văn hóa gắn với địa danh ấy. Hà Nội tuy mới tồn tại ngót hai trăm năm nhưng đã có biết bao sự kiện lịch sử bi hùng gắn liền. Những cái tên Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu chiến đấu đến chết để bảo vệ Hà nội chứ không chịu trao thành cho giặc, những chiến sĩ trong kháng chiến cống Pháp “Quyết tử cho Hà Nội quyết sinh”; những sự kiện đó gắn với Hà Nội chứ không phải với Thăng Long. Gỉa sử Hà Nội đổi thành Thăng Long thì câu nói trên sẽ điễn đạt như thế nào?
Trước đây, có bài hát “Đi tìm người hát câu hát lý thương nhau” của Vĩnh An trong đó có những câu:
Để lòng anh mong, để lòng anh nhớ ai thương em như thế… Hỡi cô gái Nghĩa Bình!
Bài hát rất hay đượm chất dân ca phù hợp với tình cảm và tâm sự của người dân Việt, khiến mỗi lần hát người nghe cảm thấy rung động lạ thường. Tiếc thay, thoắt một cái Nghĩa Bình không còn! Ấy là chưa kể một số tên đường bị đổi đã gây không ít phiền hà. Đơn cử đường Hàng Bột đổi thành đường Tôn Đức Thắng, đường Láng Hạ đổi thành đường Nguyễn Chí Thanh, đường Nam Bộ đổi thành đường Lê Duẩn, đường Tàu Bay thành đường Trường Chinh. Điều này khiến một người chỉ xa Hà Nội vài năm phải ngỡ ngàng, phải hỏi thăm đường khi về Hà Nội. Một bản đồ Hà Nội xuất bản trước sau một vài năm đã khác nhau mà không phải là do có những đường mới, phố mới, công trình mới xuất hiện mà chỉ do các phố, các đường đã bị đổi tên!
Năm xưa khi Vua Minh Mệnh đặt tên Hà Nội, nhà vua có lẽ cũng mắc sai lầm là không chú ý đến tính chất lịch sử của cái tên Thăng Long và truyền thống văn hóa lâu dài của nó. Tuy nhiên, điều này có thể cũng thông cảm được vì dưới triều Nguyễn, Hà Nội không phải là thủ đô. Hơn nữa, dấu ấn Thăng Long của các triều đại Lý, Trần, Lê không còn gì và đã bị tàn phá nặng nề bởi các cuộc chiến tranh xâm lược liên miên qua nhiều thế kỷ của phong kiến phương Bắc. Các cuộc chinh biến của Tống, Nguyên, Minh, Thanh và ngay cả Chiêm Thành cũng đã nhiều lần kéo quân đến Thăng Long đốt phá. Cung điện, đền đài, lăng tẩm, thành quách được xây dựng qua các triều đại Lý, Trần, Lê không còn nếu có cũng chỉ là các phế tích. Thăng Long chỉ còn là cái tên không, một cái vỏ mà phần ruột–phần quan trọng nhất đã mất. Chúng ta có thể nhận ra điều này khi đọc thơ của Bà Huyện Thanh Quan:
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Ngõ cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Chính vì thế, việc đổi tên Hà Nội thành Thăng Long có khác nào lập lại sai lầm thêm một sai lầm nữa.
Phúc và họa của đất Thăng Long – Hà Nội
Trong thư ông Hoàng Tiến đã liệt kê những sự kiện lịch sử, những tiến bộ về các mặt kinh tế, quân sự, ngoại giao, văn hóa và giáo dục. Những sự kiện này có thực nhưng đã gây cho người đọc cảm giác rằng cái tên Thăng Long đã mang lại nhiều may mắn hơn Hà Nội. Thực tế trong cả chiều dài lịch sử, điều này không hoàn toàn đúng. Hơn nữa, những sự cố xảy ra cho Hà Nội đều có sự tác động của con người thậm chí đều do con người gây ra và rất cần luận giải chi tiết thì dường như lại không được chú ý.
Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm sau khi xem xét các triều đại đến thế kỷ XVI đã rút ra lời kết như sau:
Muốn bình thì phải ở nhân
Muốn yên thì phải dạy dân cấy cày
Về các mặt kinh tế, quân sự, ngoại giao, văn hóa-giáo dục, Lý Thái Tổ và triều Lý đã có những cải cách lấy dân làm gốc, chẳng hạn như “Đại xá thiên hạ, miễn giảm sưu thuế trong ba năm”. Rõ ràng nhà Lý đã đem nhân nghĩa tưới khắp bá tánh nên xã hội dưới thời nhà Lý thịnh trị. Và vì vậy, triều đại Lý cũng kéo dài đến 215 năm.
Trong khi đó, Hà Nội lại không thịng vượng dưới triều Nguyễn. Mặc dù các vua chúa Nguyễn có rất nhiều công lao trong việc mở mang bờ cõi và thống nhất đất nước. Nhờ lẽ đó mà nước Việt ta mới trải dài từ Mục Nam Quan đến mũi Cà Mau như ngày nay. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng nhà Nguyễn đã cai trị dân không phải bằng nhân nghĩa mà bằng bạo lực. Nhà Nguyễn đã thực hiện chính sách cấm đạo, sát Gia Tô một thời gian dài, đặc biệt trong hai đời vua Minh Mệnh và Tự Đức. Thêm vào đó, nhà Nguyễn lại dùng nhiều cực hình man rợ đối với cựu thù như Tây Sơn, và thậm chí với các công thần mà mới hôm nào còn vào sinh ra tử để có được chiến thắng.
Nhà Nguyễn vào đất Thuận Hóa, thành công trong việc mở mang bờ cõi và cuối cùng có được thiên hạ trong tay một phần là nhờ vào lời chỉ dạy của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông từng nói “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Thế nhưng vua tôi nhà Nguyễn dường như bỏ ngoài tai lời giáo huấn ấy nên việc trị dân trị nước của nhà Nguyễn gặp nhiều trắc trở và không hanh thông. Cái phúc và cái họa của đất Thăng Long – Hà Nội là do vậy ông Hoàng Tiến ạ.
Thay đổi quan trọng hiện nay
Tôi thiết nghĩ cái thay đổi quan trọng nhất là ở chỗ thay đổi dân yếu nước hèn thành ra dân giàu nước mạnh và thực sự công bằng văn minh; làm sao cho đất nước không bị ngoại bang khinh nhờn lấn át. Theo đó, thay đổi làm sao cho đất nước không còn các “quốc nạn và quốc loạn” như tham nhũng, hối lộ, buôn lậu, mua quan bán tước; thay đổi để những người có tài năng đức độ được trọng dụng, những kẻ bất tài cơ hội bị loại bỏ. Đấy mới là thay đổi căn bản và cần thiết mới đáng gọi là thay đổi, thưa ông Hoàng Tiến.
Những thay đổi đại loại như: đổi tên, tách ra, nhập vào chỉ là những thay đổi dẫn đến lãng phí tốn kém. Thậm chí còn tạo cơ hội cho những bọn xấu xa ở các cấp chính quyền lợi dụng để trục lợi, mà chẳng mang lại điều lợi lộc gì cơ bản cho nhân dân và cho đất nước. Việc sát nhập Hà Tây vào Hà Nội chỉ tính riêng việc liên quan đến hoàn thiện con dấu cho các cấp ban ngành từ địa phương đến thành phố đã tốn kém hàng trăm tỷ đồng. Nay lại đổi Hà Nội thành Thăng Long thì vài trăm tỷ sẽ đội nón ra đi cho một việc vô bổ.
Những ai còn có tấm lòng yêu nước hẳn uất ức đến ứa nước mắt khi đọc những câu thơ:
Có nơi đâu trên thế giới này Như Viêt Nam hôm nay Yêu nước là tội ác Biểu tình chống ngoại xâm bị “Nhà Nước’’ bắt? Các anh hùng dân tộc ơi! Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo ơi! Nếu sống lại các ngài sẽ bị bắt! Ai cho phép các Ngài đánh giặc phương Bắc? (Trần Mạnh Hảo – Sài Gòn, 20-01-2008)
Đất nước này máu và nước mắt chảy triền miên. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 chẳng được bao lâu lại tiếp ngay đến tháng 2 năm 1979; rồi máu chảy ở biên giới phía Bắc, máu chảy ở Lão Sơn, máu chảy ở Trường Sa. Hãy so sánh với Angiê-ri, một nước Bắc Phi, cũng là thuộc địa của Pháp như Việt Nam nhưng họ chẳng hề có “Điện Biên chấn động địa cầu” hay chẳng có ngày “30 tháng 4 lịch sử”. Thế mà đất nước họ đã độc lập thống nhất lại chẳng bị kẻ ngoại xâm nào nhòm ngó, coi thường.
Thưa ông Hoàng Tiến, Việt Nam đang bị lân bang dòm ngó, thác Bản Giốc nay đã mất đi, dân chúng không được mưu sinh trên phần biển cha ông để lại. Vậy thì việc đổi tên như ông đề nghị phỏng có ích gì?!
Vũ Đình Tiêu Ngày 20/12/2009

Kinh Đô của Việt Nam qua các Triều Đại

Filed under: Uncategorized — ktetaichinh @ 3:56 pm
Tags: , ,

Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của Việt Nam mở đầu cho thời kỳ thống nhất và tự chủ qua việc đánh Tống bình Chiêm của nhà Đinh. Kinh thành Hoa Lư tồn tại 42 năm (968 – 1010). Năm 1010 vua Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Thăng Long (Hà Nội) an định Kinh Đô cho các triều vua Lý, Trần, Hậu Lê sau đó, kéo dài 779 năm.
Đầu năm 1789, Quang Trung Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ ba đánh tan quân Thanh, Lê Chiêu Thống chạy sang Tàu và kết thúc triều đại Hậu Lê. Quang Trung định đô ở Phú Xuân, Thăng Long được gọi là Bắc thành. Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng Đế, vẫn định đô ở Phú Xuân. Thăng Long vẫn được gọi là Thăng Long nhưng có nghĩa là thịnh vượng, không còn là rồng bay nữa. Sau những trận đại hủy diệt cuối thế kỷ 18, các đời vua nhà Nguyễn chuyển nốt tài sản của Thăng Long vào Phú Xuân phục vụ cho công cuộc xây dưng kinh thành mới, chỉ giữ lại điện Kính Thiên và Hậu Lâu làm hành cung cho các vua Nguyễn mỗi khi ngự giá Bắc thành.
Năm 1805, vua Gia Long cho phá bỏ tường của Hoàng Thành cũ vì diện tích quá rộng lớn, xây dựng thành mới theo kiểu Vauban của Pháp nhỏ hơn thành cũ rất nhiều. Năm 1831, vua Minh Mạng đã cho đổi tên Thăng Long thành tỉnh Hà Nội, tồn tại cho đến năm 1888 khi nhà Nguyễn chính thức nhượng hẳn Hà Nội cho Pháp. Người Pháp đổi lại là thành phố . Đến khi chiếm xong Việt-Miên-Lào, họ lại chọn đây là thủ đô của Liên Bang Đông Dương, thuộc Pháp. Một lần nữa thành Hà Nội bị phá hoàn toàn để lấy đất làm công sở và trại lính Pháp. Thành Hà Nội đến hôm nay chỉ còn sót lại cửa Bắc và cột cờ là di chỉ khảo cổ và phục dựng.
Kinh đô Huế (Phú Xuân) được vua Gia Long khai sinh năm 1802 mở đầu cho triều Nguyễn, và kết thúc vào năm 1945, kéo dài được 143 năm, vua Bảo Đại thoái vị chấm dứt nhà Nguyễn. Kể từ đó Hà Nội trở thành thủ đô của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1954, Việt Nam chia đôi, Sài Gòn trở thành thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa. Sau 30-4-1975, Hà Nội là thủ đô của CHXHCN Việt Nam cho tới nay.
―Thiên Đô Chiếu‖ – thiên thời, địa lợi, nhân hòa
Thiên đô chiếu tức chiếu chỉ dời đô là văn bản bằng Hán Tự được cho rằng do vua Lý Thái Tổ tự tay viết và ban hành vào mùa xuân năm 1010 để chuyển kinh đô của nước Đại Cồ Việt từ Hoa Lư (Ninh Bình ngày nay) ra thành Đại La (Hà Nội ngày nay). Lý Thái Tổ lên ngôi tháng mười năm Kỷ Dậu (1009) đến tháng 7 năm Canh Tuất (1010) thì ban chiếu chỉ thiên đô.
Thiên đô chiếu đề cao yếu tố thiên thời qua biểu tượng rồng bay, lại kết hợp thế “long chầu hổ phục‟ của khoa địa lý để củng cố ngôi vị Thiên Tử. Việc “trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân‖ ắt sẽ mưu cầu sự bền vững cho triều đại.
Về mặt địa lợi sử gia Ngô Sỹ Liên viết: “Núi là vạt áo che, sông là dải đai thắt, sau lưng là sông nước, trước mặt là biển, địa thế hùng mạnh mà hiếm, rộng mà dài, có thể là nơi vua ở hùng tráng, ngôi báu vững bền, hình thể Việt Nam không nơi nào hơn được nơi này”. Về mặt kinh tế, đồng bằng sông Hồng là vựa lúa, Vịnh Bắc Việt là vựa cá, giao lưu thủy bộ đều tiện lợi. Ngày nay, chúng ta không ngạc nhiên khi giá đất ở đây đang cao nhất nước.
Về mặt chiến lược quốc phòng của thời ấy, Hoa Lư có núi non hiểm trở, thuận tiện cho việc hùng cứ để vừa phòng ngự vừa phản công. Nhờ vậy, nhà Tiền Lê đã thành công trong việc dánh Tống ở phương Bắc, lại tiện xuất quân chinh phạt Chiêm Thành ở phía Nam. Nhưng địa thế hiểm trở ấy cũng chính là nơi ẩn náu an toàn của nhiều lực lượng võ trang, liên kết với các châu mục của các dân tộc miền núi chống lại quân đội của triều đình. Vì vậy, khó giữ yên bá tánh và tính bền vững của mỗi triều đại do có địa lợi mà không duy trì được nhân hòa.
Thăng Long tuy không hiểm trở bằng Hoa Lư, nhưng lại ở giữa vùng châu thổ sông Hồng trù phú, đông dân lại thấm nhuần Phật giáo qua nhiều thế kỷ. Dĩ nhiên nhân tâm rất hãnh diện đối với một ông vua xuất thân từ cửa Phật, lại được bảo hộ bởi Quốc Sư Vạn Hạnh, một người mà sử gia cho là “có kiến thức cao siêu, thần toán, biết trước mọi sự việc”. Quân sư thì như thế; vua lại nhân từ, đức độ thì việc dời đô chắc chắn hội đủ điều kiện nhân hòa Thời đại ngày nay đã đổi thay nhanh chóng chưa từng thấy. Thiên thời phải được đặt dưới bóng râm của kinh tế toàn cầu, an ninh quốc tế và cân bằng thế lực giữa các siêu cường bằng ngoại giao đa phương. Địa lợi là vị thế trung tâm của vòng tròn Đông Nam Á, quang đãng giữa biển Thái Bình, phong cảnh xinh đẹp và trù phú không kém gì Thăng Long của Việt Nam, lại là đường giao lưu huyết mạch của thế giới. Hai điều kiện này đang sáng dần trên khúc quanh lịch sử của Việt Nam. Nhân Đại Lễ Kỷ Niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, bằng “ôn cố tri tân”, toàn dân Việt hãy dùng ánh sáng từ Chiếu Thiên Đô của vua Lý Thái Tổ, vận dụng quan năng biến cải để đạt được nhân hòa của nước “Đại Cồ Việt” cách nay đúng 1000 năm. Được vậy thì rồng Việt Nam sẽ lại bay cao mà không còn sợ kẻ thù nào uy hiếp nữa.

February 10, 2010

Khách công sở chiếm lĩnh quán nhậu dịp cuối năm

Filed under: Uncategorized — ktetaichinh @ 9:01 pm
Tags: ,
Cập nhật lúc 06:10, Thứ Tư, 10/02/2010 (GMT+7)
,

– Cuối năm, nhiều quý anh than thở, 10 cuộc gọi đến thì có 5-6 cuộc rủ đi nhậu tất niên. “Mối nhậu” đủ cả từ bạn bè, anh em đến cơ quan, đối tác… Kết quả là những ngày này quán nhậu lúc nào cũng ken đặc người.

Những “tụ  điểm” nổi tiếng phải đặt chỗ trước vài ngày, đặc biệt là các quán có phòng riêng hoặc có không gian rộng rãi, có thể “âm thanh, ánh sáng” phụ trợ.

Đi nhậu phải thuê… phòng

Mô tả ảnh.
Các phòng nhậu riêng hầu như đã hết. (Ảnh: Thi Mai)

Suốt tuần nay, anh Hùng, nhân viên hành chính của một công ty xuất nhập khẩu mệt bở hơi tai vì đi tìm nhà hàng tổng kết cơ quan. “Các sếp báo muộn quá, tôi tìm hai ngày nay nhưng quán nào cũng báo hết chỗ”, anh Hùng than vãn.

Xu hướng chọn quán nhậu, nhà hàng làm chỗ tổ chức tiệc tất niên đang trở nên phổ biến với nhiều cơ quan. Trước Tết cả tháng, phòng hành chính các công sở đã í ới tham khảo, tìm nhà hàng, đặt chỗ trước. Chị Thức, Công ty Thuận Phát, vốn có “thâm niên” đặt chỗ nhậu nhiều năm chia sẻ “tốt nhất nên tìm chỗ trước một tháng, nhất là các công ty đông người”.

Hết chỗ sớm nhất là các địa điểm rộng rãi, có sức chứa lớn và nhất là có hệ thống âm thanh, ánh sáng tốt, phục vụ nhu cầu tổ chức vui chơi, bốc thăm trúng thưởng… của các cơ quan. Lịch đặt chỗ của các nhà hàng lớn như Vạn Tuế, Phù Đổng, Làng Ngói, Nhà hàng Sen… đều kín đặc, phần đa là khách công sở.

Điển hình là nhà hàng Vạn Tuế (136 Hồ Tùng Mậu). Tuy có thể chứa được 2.000 người nhưng đến thời điểm này, Vạn Tuế hầu như không còn nhiều chỗ. Chị Mùi quản lý nhà hàng cho biết, từ ngày 20 tháng chạp trở ra lịch đặt phòng riêng đã gần như kín chỗ.

Anh Tĩnh, quản lý nhà hàng Phù Đổng cũng cho rằng, nếu sau 15 tháng chạp mới nghĩ đến chuyện tìm quán thì chắc chắn không còn chỗ đẹp hoặc các phòng riêng biệt. Hệ  thống nhà hàng Phù Đổng hiện đã kín chỗ gần hết, chỉ còn không gian ngồi chung.

Theo các chủ nhà hàng từ 25–29 Tết là “cao điểm ăn nhậu”. Thời gian này, nhiều nhà hàng thậm chí phải áp dụng chính sách tính thêm tiền… thuê phòng. Chị Hoa, nhân viên nhà hàng Tre Việt tại Hoàng Cầu cho biết, nếu khách ngồi phòng riêng quá 2 tiếng rưỡi đã bị tính thêm chi phí do chiếm mất chỗ của lượt khách khác.

“Máy chém”

Mô tả ảnh.
Đồ uống là thứ dễ bị “chém” nhất. (Ảnh: Thi Mai)

Nói dịp  này là mùa vàng của các nhà hàng, quán nhậu cũng không sai. Ngoài việc đông khách, các “máy chém” được dịp phát huy công suất tối đa.

Chị  Huyền, nhân viên văn phòng của Công ty Hanoi Telecom đang đặt chỗ ở nhà hàng Seoul ở 33 Trần Hưng Đạo nhận xét, những ngày này, kiếm được nơi có món ăn ngon, phù hợp với túi tiền rất khó. Rút kinh nghiệm từ năm trước, ngoài việc đặt chỗ trước gần 1 tháng, năm nay chị phải đi khảo giá nhiều nơi để đảm bảo giá tiền phù hợp.

Theo tham khảo của VietNamNet tại các nhà hàng thông dụng Vạn Tuế, Phù Đổng, Làng Ngói, Nhà hàng Sen, Quán Ngon… như giá suất  ăn từ 120.000-350.000 đ/1 người. Nếu tính theo mâm, giá từ 700 đến 1,5 triệu đồng/1 mâm 6 người.

Giá những suất ăn này đều chưa bao gồm đồ uống. Hiện giá đồ uống được tính trong các nhà hàng cũng “tùy hứng” theo địa điểm nhưng có điểm chung là lên vài chục % so với giá bình thường.

Chẳng hạn, nước ngọt bên ngoài giá chỉ từ 7-10.000 đ/lon vào nhà hàng thường bị đội lên thành 15-30.000 đ/lon. Bia Hà Nội từ 12.000đ lên 20.000 đ/chai, Heniken từ 26.000đ lên 29.000-30.000 đ/chai, rượu voka Hà Nội loại nhỏ 50.000đ lên 80.000 đ/chai…

Trước sự đắt đỏ của đồ uống, cũng không ít người đề cập đến việc mang đồ uống từ bên ngoài vào. Tuy nhiên, theo thông lệ chung của các nhà hàng, tất cả đồ uống mang vào đều bị tính phí tuỳ theo từng loại.

Theo nhà hàng Vạn Tuế, phí tính theo độ nặng của rượu, với những loại rượu có nồng độ cao, phí được tính là 15% theo giá bán, cá biệt có nơi tính đến 30%. Phí của các loại bia mang vào nhà hàng khoảng 7.000 đ/chai, các loại rượu vang, rượu có nồng độ thấp giá thì dao động từ 70 đến 100.000 đ/chai.

Theo anh Ngọc ở Hoè Nhai, người đã từng làm quản lý nhà hàng Phố Biển cho biết: Phí đồ uống trong các nhà hàng chính là phí dịch vụ (mở rượu, rót rượu, mượn ly…). Có những nhà hàng, phí mang đồ uống vào tính đến 30%, thông lệ này nhằm kéo khách hàng dùng đồ uống trong nhà hàng.

Anh Thi, nhân viên của Công ty Hoàn Mỹ cho biết: Công ty anh dùng rất nhiều đồ uống trong ngày tất niên, đồ trong nhà hàng thì đội giá nhiều mà đồ mang vào thì bị tính phí. “Mình muốn tiết kiệm chi phí cho cơ quan, nhưng bị tính phí thế này thì chắc phải dùng đồ trong nhà hàng vậy”.

Chị  Thức nhân viên hành chính Công ty Hoà Phát nói: Theo kinh nghiệm của chị, đồ uống nội địa thì dùng trong nhà hàng, riêng rượu ngoại nên mua bên ngoài rồi chịu phí, vì tính cả mọi chi phí thì mang ruợu ngoại vào uống vẫn rẻ hơn trong nhà hàng.

Cuối năm là mùa để các nhà hàng làm ăn, cùng với những bữa tất niên nhỏ lẻ của bạn bè, gia đình, các công ty, cơ quan cũng đang ồ ạt đặt chỗ để cả công ty quây quần gặp mặt.

Tuy nhiên, để không bị bắt chẹt về giá cả cũng như đồ uống bị tính phí khi mang vào, theo anh Ngọc: Khách hàng nên tìm những nhà hàng mới mở, vì mới mở nên giá đồ ăn rẻ, hơn nữa, nhà hàng cũng chưa dám tính phí đồ uống

December 30, 2009

Culture Ministry selects ten outstanding events of the year

Filed under: Uncategorized — ktetaichinh @ 3:13 am
Tags:

Speaking at a press conference in Danang, To Van Dong, Chief of the Ministry’s office, said that this year the ministry gave priority to activities held for the first time and showed high effectiveness.

These events were selected based on suggestions of local departments of culture, sports and tourism and then voted on by journalists. Dong explained that “Activities that won more than 70 percent of the votes from journalists were chosen as the outstanding activities in 2009. They are numbered from one to ten, but their values are equal.”

Top ten activities of culture, sports and tourism in 2009:

1. The 12th National Assembly approved three laws: the amended Laws on Cultural Heritages, Intellectual Property and Cinematography. The Prime Minister approved a cultural development strategy by 2020 and issued a decision honoring ten historical and cultural relics as national relics.

2. “Quan Ho Bac Ninh” singing (Bac Ninh folk love duets) was recognised by the United Nations Educational, Scientific and Cultural Organisation (UNESCO) as an Intangible Cultural Heritage of Mankind, while Ca Tru (ceremonial songs) was put in the list of intangible cultural heritage in need of urgent safeguarding.

UNESCO also decided to attend the 1,000th anniversary of Thang Long-Hanoi scheduled for October 2010.

3. Diplomatic cultural activities in the “Year of Cultural Diplomacy” included the Vietnamese Week in Russia, the UK, Laos, South Africa, Venezuela and Brazil; Vietnam’s cultural and artistic activities in China, Spain, Sweden and Italy; the “Meet Vietnam” Programme in San Francisco, USA; the Republic of Korea’s Cultural Week and Cambodia’s Cultural Week in Vietnam.

The Vietnam Traditional Orchestra performed in Laos while the New York Philharmonic (NYP), one of the oldest and most world-renowned symphony orchestras in the US, performed in Vietnam.

4. A series of cultural and artistic activities were held to mark the nation’s big events, including the 50th anniversary of the opening of the Ho Chi Minh Trail and the day of Truong Son troops; 55 years of the Dien Bien Phu Victory; and Quang Nam’sCultural and Tourism Week towards the 1,000 th anniversary of Thang Long-Hanoi.

5. Special commemorative days like April 19 became the Cultural Day for Vietnamese Ethnic Groups; the International Gong Festival 2009 in the Central Highlands province of Gia Lai; the Mrs World Pageant 2009 contest in the southern province of Ba Ria-Vung Tau; the First Vietnam Rice Festival 2009 in the Mekong Delta province of Hau Giang; and Mekong-JapanCultural and Tourism Days in the Mekong Delta province of Can Tho.

6. The movie “Dung Dot” (Don’t Burn) won the Fukuoka Audience Award at the Fukuoka International Film Festival in Japan. Vietnam won four first prizes out of seven awards at the international music competition held in Jakarta, Indonesia.

7. The third Asian Indoor Games in Vietnam: Vietnam ranked second among 43 countries and territories participating in the games.

8. Vietnam pocketed 215 medals with 83 golds, 75 silvers and 57 bronzes, ranking second in the 25 Southeast Asian Games (SEA Games) in Laos. The woman’s football team took the gold medal while the men’s football team brought home a silver medal.

9. ASEAN 2009 Tourism Forum and the tourism stimulus programme called “Vietnam Impression.”

10. Halong Bay entered the final round of a campaign to be one of the world’s seven new natural wonders. Thua Thien-Hue province’s Lang Co Bay has been recognised as one of the world’s most beautiful bays.

Hai Chau

Create a free website or blog at WordPress.com.