Ktetaichinh’s Blog

January 2, 2010

Tản mạn về cán cân thanh toán Việt Nam năm 2009

(TBKTSG) – Trong khi suy nghĩ về những số liệu kinh tế vĩ mô Việt Nam của năm 2009 sắp kết thúc, chúng ta vẫn phải tự hỏi: có hay không những mầm mống bất ổn có thể gây bất lợi cho mục tiêu tăng trưởng ổn định và bền vững mà Việt Nam mong muốn?

Các phân tích về cán cân vãng lai Việt Nam

Chúng tôi bắt đầu từ các số liệu của cán cân thanh toán Việt Nam trong khoảng thời gian 2005-2009. Nguồn dữ liệu chúng tôi lấy từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), do những dữ liệu khả dụng, công khai từ các cơ quan Việt Nam còn manh mún và không đầy đủ. Một số chỉ tiêu có thể có những sai lệch so với các số liệu công bố của các cơ quan hữu quan của Việt Nam, thế nhưng, đôi khi những sự sai lệch đó vẫn có thể trở thành một chủ đề thảo luận nào đó.

Vị trí đặt quảng cáoTừ bảng số liệu của IMF, chúng ta nhận thấy, thâm hụt cán cân thương mại Việt Nam gia tăng rất nhanh qua các năm. Trong khi IMF dự báo mức thâm hụt cán cân thương mại năm 2009 là 7 tỉ đô la Mỹ trong bối cảnh suy thoái kinh tế, thì thông tin trong tháng 11-2009 cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ước tính con số đó cho cả năm 2009 là 11 tỉ đô la Mỹ.

Nếu như trong các năm 2005-2006, kiều hối (chiếm hơn 90% khoản mục “Chuyển giao”) đã vượt quá nhu cầu cần bù đắp thâm hụt cán cân thương mại, làm giảm nhẹ đáng kể thâm hụt của cán cân vãng lai, thì nay, tình hình trên đã trở nên xấu hơn nhiều trong năm 2009.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết, trong 10 tháng đầu năm, lượng kiều hối nhận được tại các ngân hàng trên địa bàn vào khoảng 2,6 tỉ đô la Mỹ, chỉ bằng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Chúng ta biết rằng, TPHCM là nơi nhận gần 60% tiền kiều hối cả nước. Con số kiều hối cả nước nhận được trong năm 2009 được giới chuyên môn ước tính sẽ xấp xỉ 6 tỉ đô la.

Kết hợp với nguồn số liệu của IMF, nếu như các luồng tiền ròng về dịch vụ và thu nhập của năm 2009 không đổi so với năm 2008 (thâm hụt xấp xỉ 4,2 tỉ đô la) thì với thâm hụt thương mại ước tính 11 tỉ đô la, sau khi trừ đi 6 tỉ đô la kiều hối, thì thâm hụt cán cân vãng lai có thể ước tính ở mức 9-10 tỉ đô la Mỹ cho năm 2009.

Tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và nợ nước ngoài của Việt Nam

Theo lý thuyết, cán cân vãng lai là một trạng thái lý tưởng để diễn tả quan hệ nợ nần của một quốc gia với phần còn lại của thế giới. Nếu cán cân vãng lai thặng dư, thì chúng ta nợ nước ngoài ít hơn nước ngoài nợ chúng ta, và ngược lại. Thâm hụt cán cân vãng lai có thể được bù đắp bằng thặng dư của cán cân vốn, trong đó, chúng ta mong muốn rằng, với mục tiêu ổn định và cân bằng kinh tế vĩ mô, những nguồn bù đắp đó phải là những nguồn dài hạn và ổn định.

Trong bối cảnh Việt Nam, đó chính là các nguồn FDI và những khoản vay dài hạn nước ngoài. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn FDI giải ngân trong 11 tháng đầu năm là 9 tỉ đô la Mỹ, bằng 89,6% so với cùng kỳ năm 2008. Mức 10 tỉ đô la là kỳ vọng cho tổng giải ngân FDI năm 2009 tại Việt Nam. Trong khi chúng tôi không có số liệu nào về vốn đầu tư gián tiếp, và với giả định rằng mức 10 tỉ đô la giải ngân FDI là có thể đạt được trong năm 2009, thì luồng tiền FDI gần như đã bù đắp được thâm hụt trong năm của cán cân vãng lai.

Mức bù đắp thâm hụt cán cân vãng lai còn cao hơn do Việt Nam ngày càng mang nợ nhiều hơn. Đồ thị bên dưới diễn tả mức chênh lệch ròng giữa rút vốn và tổng trả nợ các khoản nợ chính phủ và được Chính phủ bảo lãnh trong các năm 2004-2008, qua đó, chúng ta có thể thấy mức chênh lệch ròng có xu hướng ngày càng dãn rộng ra. Hàng năm, nước ta vay nợ nhiều hơn là trả nợ. Chênh lệch ròng năm 2008 đã vượt qua con số 2 tỉ đô la Mỹ.

Giả định rằng con số đó không đổi trong năm 2009, cộng với các khoản nợ “đột xuất” phát sinh trong năm 2009 là 2 tỉ đô la Mỹ (vay của ADB, Ngân hàng Thế giới và Nhật Bản), thì luồng tiền ròng từ vay nợ nước ngoài có thể lên đến 4 tỉ đô la Mỹ. Cuối cùng, bỏ qua việc nhầm lẫn và bỏ sót, trong khi chưa có dữ liệu gì về nguồn vốn đầu tư gián tiếp cũng như các luồng vốn ngắn hạn khác, thì con số 4 tỉ đô la đó có thể tạm xem như là thặng dư của cán cân tổng thể (?!)

Thế nhưng, tại sao trong kỳ họp Quốc hội vừa qua (tháng 10, 11-2009), Chính phủ đã dự báo mức thâm hụt cán cân tổng thể năm 2009 có thể lên đến con số 1,9 tỉ đô la Mỹ?

Về mặt kỹ thuật, theo chúng tôi, có thể có những vấn đề sau đây:

– Như trên đã nói, các giả định và tính toán phía trên của chúng tôi vẫn chưa đề cập đến những chu chuyển tài chính ngắn hạn có thể gây ra những thâm hụt nặng nề hơn cho cán cân tổng thể. Chúng ta chưa có dữ liệu gì về các luồng vốn đầu tư gián tiếp và cả những luồng vốn ngắn hạn cho năm 2009.

Theo IMF, cán cân thanh toán Việt Nam đã ghi nhận một mức thặng dư kỷ lục của đầu tư gián tiếp lên đến 6,2 tỉ đô la Mỹ trong năm 2007. Ghi nhận và quản lý các luồng vốn gián tiếp vẫn còn là một vấn đề chưa được giải quyết rốt ráo hiện nay ở Việt Nam. Cũng theo IMF, trong năm 2008 Việt Nam đã chứng kiến một mức thâm hụt 400 triệu đô la Mỹ đối với đầu tư gián tiếp. Có hay không những luồng vốn đầu tư gián tiếp tiếp tục đảo chiều trong năm 2009 và chúng diễn ra với mức độ nào? Đó chính là một câu hỏi lớn vẫn còn chờ lời giải đáp.

– Vẫn còn những tranh luận về mức độ chính xác của số liệu về các khoản giải ngân FDI hàng năm, đặc biệt là bản chất của các nguồn giải ngân. Xin đơn cử một ví dụ sau đây. Một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam có mức vốn đầu tư 100 triệu đô la Mỹ, trong đó, công ty mẹ chỉ cấp một số vốn điều lệ 20 triệu đô la. Phần còn lại phải đi vay trung dài hạn ngân hàng thông qua bảo lãnh của chính công ty mẹ.

Giả sử doanh nghiệp FDI đó vay số tiền 80 triệu đô la từ một ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam và việc giải ngân được thực hiện bằng chuyển khoản, từ tài khoản của ngân hàng đó mở tại New York, về tài khoản vốn chuyên dùng (Capital Account) của doanh nghiệp mở tại ngân hàng cho vay tại Việt Nam. Bản chất của giao dịch vay vốn trên không hề làm gia tăng quỹ ngoại hối cho nền kinh tế Việt Nam, vì thực chất, đó là giao dịch giữa người cư trú – người cư trú. Đúng là tiền từ nước ngoài chuyển về cho giải ngân FDI, nhưng không phải là một luồng tiền được ghi nhận vào cán cân thanh toán.

– Cũng như vậy đối với các khoản vay mượn. Chúng ta biết rằng đối với một số điều kiện vay ODA, đặc biệt là vay tín dụng xuất khẩu (Export Credit), một tỷ lệ giải ngân không nhỏ sẽ được chuyển ngân trực tiếp cho các nhà cung cấp nước ngoài (người không cư trú-người không cư trú).

Trong một chừng mực nào đó, đối với các khoản nhập khẩu được tài trợ bằng ODA và tín dụng xuất khẩu, thì một sự “thâm hụt” cán cân thương mại chưa chắc đã là điều xấu. Còn ở phân tích nguồn đối ứng, các luồng vốn ODA và tín dụng xuất khẩu tạo “thặng dư” cho cán cân vốn dài hạn chưa hẳn là một điều tốt, những luồng thặng dư thực sự, với kỳ vọng bù đắp cho thâm hụt của cán cân vãng lai.

Thay cho lời kết

Bài viết này, tuy xoay quanh các phân tích về cán cân thanh toán quốc tế, nhưng vẫn mang tính tản mạn. Chúng tôi hy vọng rằng nó có thể là một gạch nối cho một chủ đề sâu xa hơn, chỉn chu hơn, đó là việc sử dụng cán cân thanh toán quốc tế như là một công cụ quan trọng trong hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ và cơ chế tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước nói riêng và Chính phủ nói chung.

Người ta tự hỏi, phải chăng những khó khăn trong tính toán, thống kê, phân tích và dự báo những đại lượng kinh tế vĩ mô thể hiện trong bảng cán cân thanh toán là một trong những nguyên nhân chính gây nên sự thụ động, lúng túng của các cơ quan hữu quan trong thời gian qua trong việc điều hành chính sách tiền tệ?

Chẳng hạn, nếu như cán cân cơ bản (= cán cân vãng lai + cán cân vốn dài hạn) được dự báo là thặng dư, thì đó chính là hàm ý của một khả năng lên giá đồng nội tệ. Thế nhưng, tại sao cuối cùng lại là một sự thâm hụt lớn ngoài dự đoán của cán cân tổng thể, được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc giảm giá đồng nội tệ vào những ngày cuối tháng 11-2009?

Rõ ràng, chúng ta vẫn còn lúng túng và chồng chéo trong việc quản lý các nguồn vốn đầu tư gián tiếp. Việc phối hợp quản lý các luồng FDI, ODA, tín dụng xuất khẩu vẫn chưa thực sự thông suốt giữa Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và một số cơ quan khác.

December 29, 2009

Vay vốn ODA kém ưu đãi hơn: Phải rót đúng chỗ

Filed under: Uncategorized — ktetaichinh @ 1:14 am
Tags: ,

TT – Sau khi Ngân hàng Thế giới (WB) cho VN vay 500 triệu USD hỗ trợ cải cách đầu tư công từ nguồn vốn dành cho các nước thu nhập trung bình với điều kiện kém ưu đãi, Tuổi Trẻ đã trao đổi với ông Dương Đức Ưng, cố vấn chính sách cấp cao, Chương trình nâng cao năng lực toàn diện quản lý ODA (CCBP) của Bộ Kế hoạch – đầu tư.

Ông Ưng giải thích:

Đại lộ Đông – Tây TP.HCM đoạn cầu Calmette, Q.1 (ảnh chụp chiều 28-12) – Ảnh: THUẬN THẮNG

>> Nợ ODA: vay và trả
>> Cam kết vốn ODA kỷ lục: 8 tỉ USD
>> VN là một trong những nước sử dụngODA hiệu quả
>> Cam kết ODA cho VN lập kỷ lục mới

– IBRD là nguồn vốn vay của Ngân hàng Tái thiết và phát triển (International Bank for Reconstruction and Development) thuộc nhóm WB và có các điều kiện vay sát với thị trường. Nếu phí tín dụng từ nguồn tín dụng hỗ trợ phát triển ưu đãi (IDA – International Development Association) là 0,75%/năm thì khoản vay IBRD đưa ra các phương án khác nhau với lãi suất Libor sáu tháng cộng lãi suất biên thay đổi hoặc lãi suất biên cố định.

Như vậy so với IDA, nguồn IBRD là nguồn vốn vay đắt hơn nhưng linh hoạt hơn. Có nghĩa người vay được quyền lựa chọn đồng tiền vay và tự chịu rủi ro, hai là linh hoạt trong thời hạn trả nợ là 30 năm nhưng có thể du di thời hạn, đặc biệt là thời gian ân hạn. Đi đôi với tính linh hoạt thì rủi ro của vốn IBRD cao. Ví dụ nếu ta chọn vay bằng đồng USD, giá USD có thể dao động, tương tự với yen và euro. Bởi vậy, điều rất quan trọng với IBRD là phải có năng lực đối phó với đồng tiền vay để quyết định sử dụng.

* Vậy với VN, vay IBRD có lợi hay hại?

– Chúng ta cần nhiều vốn vay nước ngoài, tốt nhất là vốn vay ưu đãi, vì thời gian trả nợ lâu dài, không lãi suất, chỉ mất phí tín dụng 0,75%/năm. Nhưng với nước có thu nhập trung bình (GDP của VN là 1.086 USD/người vào năm 2008) thì theo tập quán tài trợ quốc tế, họ sẽ áp dụng các điều kiện vay trả nợ sát với thị trường. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa chúng ta không được tiếp cận vốn IDA nữa.

Trong giai đoạn đầu, các nhà tài trợ vẫn áp dụng song song cả tín dụng ưu đãi và kém ưu đãi, gọi là giai đoạn hỗn hợp (blend period). Vì vậy tôi cho rằng chúng ta không có gì phải sợ. Quan trọng là có năng lực để xác định lĩnh vực nào cần vay IBRD, còn IDA để dành cho lĩnh vực nào. Việc thu hút nó là cần thiết để đáp ứng nhu cầu rất lớn của VN về phát triển cơ sở hạ tầng.

* Sự thay đổi này chỉ với riêng vốn vay từ WB hay tất cả các nhà tài trợ khác?

– Không chỉ riêng WB mà đây là tập quán tài trợ quốc tế. Đó là luôn cố gắng dồn vốn ODA ưu đãi nhất cho các nước nghèo có thu nhập thấp, còn các nước có thu nhập trung bình sẽ tiếp cận nguồn vốn ODA kém ưu đãi hơn.

* So với vốn vay thương mại thì thế nào, thưa ông?

– Vốn IBRD vẫn ưu đãi hơn so với vốn vay thương mại vì bên cho vay gồm ngân hàng nhà nước, chính phủ hay các định chế tài chính quốc tế. Họ có uy tín và hệ số tín dụng cao, huy động vốn tốt và có thể huy động các nguồn vốn có điều kiện ưu đãi.

* Nguồn vốn mới này đặt ra yêu cầu nào cho VN?

– Quan trọng là phải có cơ chế quản lý phù hợp, đảm bảo có thể linh hoạt sử dụng nguồn vốn IBRD. Thủ tục hành chính cần cực kỳ đơn giản, tăng trách nhiệm của đơn vị sử dụng để chia sẻ rủi ro của chính phủ. Việc sử dụng vốn cần đảm bảo lợi ích người sử dụng và lợi ích quốc gia. Đơn vị tiếp nhận phải có năng lực cần có để đưa ra các quyết định như vay bằng đồng tiền nào, lựa chọn thời gian ân hạn là bao lâu khi đàm phán. Tóm lại, có thể so sánh vốn IDA bao cấp còn vốn IBRD là thị trường.

* Phương hướng sử dụng vốn IBRD của Bộ Kế hoạch-đầu tư như thế nào?

– Theo tôi, IBRD chỉ nên dành cho lĩnh vực có nguồn thu trực tiếp để giúp chính phủ có khả năng trả nợ, thúc đẩy quan hệ đối tác công tư, hỗ trợ khu vực tư nhân tham gia phát triển cơ sở hạ tầng. Nói vậy không có nghĩa chúng ta lơ là các lĩnh vực không thu hồi vốn như xóa đói giảm nghèo, mà sẽ kết hợp một phần vốn vay ưu đãi và kém ưu đãi để làm giá vốn mềm hơn cho các dự án đầu tư không thu lợi hay thu lợi gián tiếp.

Bộ Kế hoạch-đầu tư đã ban hành sổ tay quản lý dự án. Đây là tài liệu cơ bản để đào tạo quản lý dự án chuyên nghiệp. Chúng tôi rất quan tâm vấn đề này vì đây cũng là một trong những chức năng quản lý nhà nước của bộ đối với vốn ODA.

HƯƠNG GIANG thực hiện

Lãi suất “thương mại”

Ông James Adams, phó chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết: “VN đã dịch chuyển từ vị trí “quốc gia nghèo, nợ nhiều” sang vị thế quốc gia có thu nhập trung bình trong vòng chưa đến bảy năm”. Đồng thời WB cũng thông báo cho VN vay 500 triệu USD từ Ngân hàng Tái thiết và phát triển (IBRD). Thực tế vay từ IBRD đồng nghĩa với vay lãi suất “thương mại”.

Theo các định chế tài chính quốc tế, trong đó có WB, “quốc gia có thu nhập trung bình” là quốc gia có GDP từ 760 -9.360 USD, tức không còn trong nhóm “quốc gia có thu nhập thấp”. Do đã phát triển thành “quốc gia có thu nhập trung bình” nên không còn tiếp tục được vay ODA từ Quỹ IDA (Hiệp hội Phát triển quốc tế) vốn dành cho các nước nghèo. Thường các khoản vay từ Quỹ IDA rất ưu đãi, có thời gian đáo hạn 35-40 năm với lãi suất ưu đãi hoặc bằng không.

Khoản vay 500 triệu USD này là khoản vay đầu tiên của WB dành cho VN theo kênh IBRD, tức vay với lãi suất “thương mại”.

DANH ĐỨC

Đang tiến đến nước có thu nhập trung bình

Theo văn phòng WB tại Hà Nội, việc đưa VN vào danh sách các nước tiếp cận vốn IBRD chỉ thể hiện WB công nhận VN là nước đang tiến gần hơn tới mức thu nhập trung bình và có khả năng trả nợ. Khác biệt giữa IDA và IBRD thể hiện ở lãi suất, thời gian trả nợ. Các điều kiện khác như bảo vệ môi trường, xã hội… hay quá trình xem xét cho vay và đàm phán các khoản vay đều giống nhau.

Cũng theo WB, có những nước vay IDA, sau đó đạt giai đoạn phát triển nhất định để tiếp cận được vốn IBRD, nhưng bị khủng hoảng nên quay trở lại vay IDA.

Các nước giàu và các cá nhân đều không vay tiền của WB. WB chỉ cho các chính phủ đáng tin trong việc trả nợ ở các quốc gia nghèo vay. Nước càng nghèo, điều kiện càng ưu đãi. Các khoản vay này có lãi suất vay cao hơn một chút so với lãi suất mà WB đi vay trên thị trường (vì bản chất của WB vẫn là một ngân hàng đầu tư). Vốn vay từ nguồn IDA chỉ dành cho các nước đang phát triển có thu nhập thấp, chỉ tính phí tín dụng, không có lãi suất, thời hạn trả nợ thường từ 35-40 năm.

Nhiều nước đã “tốt nghiệp” IBRD và IDA. Trong số 34 nước nghèo vay vốn IDA từ những năm đầu tiên, hơn 24 nước đã đạt đủ tiến bộ để không cần tới IDA. Tương tự, 20 nước đầu tiên vay IBRD cũng không cần nguồn vốn này nữa. Một ví dụ điển hình là Nhật Bản. Nước này vay IBRD trong 14 năm, giờ đây Ngân hàng IBRD lại vay đáng kể từ Nhật Bản để cho các nước khác vay lại. Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc… đều dùng IBRD và các nước này đã chấm dứt vay vốn IDA.

Với WB, hầu như các nước cần 9-10 năm để vượt qua thời gian hỗn hợp và chấm dứt dùng IDA.

December 22, 2009

Nợ ODA: vay và trả

Filed under: Uncategorized — ktetaichinh @ 12:22 am
Tags:

Monday, 21. December 2009, 15:18:56

TTCT – “Các nhà tài trợ cam kết ODA dành cho Việt Nam với con số kỷ lục: 8 tỉ USD”. Thông tin trên website của Bộ Kế hoạch – đầu tư được các bạn đọc trên weblog của đại sứ Anh tại Việt Nam phản hồi như sau: “Nước Anh viện trợ. Xin chân thành cảm ơn!… Song, sẽ hạnh phúc hơn khi Việt Nam có thể trả hết số nợ đã vay và không phải vay trở lại…”.

So với năm ngoái chỉ hơn 5 tỉ USD, trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn và vốn vay hạn chế, con số 8,063 tỉ USD quả là một nỗ lực lớn của những người lãnh trách nhiệm đi vay nợ. Tuy nhiên, cần bình tĩnh nhìn ra món nợ ODA theo đúng bản chất của nó.

Khi đồng yen và euro tăng giá

Theo Bộ Kế hoạch – đầu tư, từ khi các nhà tài trợ quốc tế tái khởi động chương trình hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam từ năm 1993 đến nay, đã có 22 tỉ USD được giải ngân trong tổng số 42,5 tỉ USD vốn cam kết.

Nếu tính thêm số ODA vừa được hứa sẽ giải ngân gần 50% trong thực tế, hết năm 2010 Việt Nam sẽ nhận ODA khoảng 26 tỉ USD. Tạm lấy số ODA cam kết trong ba năm qua, số thực chi 11,070 tỉ USD, trong đó viện trợ không hoàn lại chỉ 0,927 tỉ USD, số còn lại là nợ phải trả đã vay trong ba năm qua lên đến 10,143 tỉ USD (nguồn: Bộ Kế hoạch – đầu tư).

Trong thực tế, số nợ tính bằng USD đó là bao nhiêu? Số tiền 1,640 tỉ USD mà Nhật Bản cam kết cuối năm 2009 thật ra chỉ đổi được 145 tỉ yen (tỉ giá hôm 14-12-2009: 100 USD=8.866 yen), trong khi cũng số tiền đó năm 2006 là 196,8 tỉ yen (tỉ giá: 100 USD=12.000 yen)! Cũng thế, món vay từ khối Liên minh châu Âu (EU), trong đó Ủy ban châu Âu (EC) cam kết 331 triệu USD, khối các nước EU là 1,082 tỉ USD, trong thực tế trị giá là bao nhiêu khi đồng euro của khối này nay đã đổi đến 1,4677 USD, trong khi năm ngoái mới chỉ ở ngưỡng 1,2 USD?

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã khuyến cáo khi vay nợ nước ngoài hãy cẩn thận tính toán độ chênh lệch trong giỏ ngoại tệ và tỉ giá (1). Đó là một trong những lý do khiến chi phí tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên từ khi được duyệt ban đầu là 1,1 tỉ USD nay lên đến 2,071 tỉ USD (2). Đáng nói là ODA bằng đồng yen đại đa số là nợ vay phải trả và kèm lãi suất không nhẹ, như món ODA viện trợ tiểu vùng Mekong mở rộng mới nhất. Vốn vay bằng euro xây tuyến xe điện ở Hà Nội cũng lâm vào cảnh đội tỉ giá euro như thế.

Xuất khẩu gì, bao nhiêu để trả nợ?

“Trong nhiều năm trở lại đây, cam kết ODA cho Việt Nam liên tiếp lập kỷ lục mới. Nếu như năm 2005 là 3,7 tỉ USD, thì năm 2006 đã tăng lên hơn 4,4 tỉ USD, năm 2007 lên 5,426 tỉ USD và gần đây nhất, năm 2008 là 5,015 tỉ USD…”.

Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch – đầu tư
Nếu biết rằng số nợ vay bằng yen và euro ít hơn sẽ “mua” được ít hàng hóa hay dịch vụ của Nhật và EU hơn, thì con số 8 tỉ USD ODA không phải là kỷ lục để tự hào. Trái lại, đó là một bài toán băn khoăn sẽ lấy gì để trả các khoản nợ bằng đồng tiền đang tiếp tục tăng giá như yen hay euro.

Bất trắc ở chỗ là hiện có nhiều yếu tố cùng hội tụ trong bối cảnh sau: 1/ xuất khẩu giảm do khủng hoảng trong khi vẫn nhập siêu; 2/ tỉ giá yen và euro tăng cao; 3/ giá hàng hay dịch vụ nhập khẩu từ Nhật và EU (tỉ như metro hay xe điện mua của Nhật hoặc Pháp) do đó cũng tăng cao; 4/ trong khi giá các hàng xuất khẩu thanh toán bằng USD (tỉ như dầu thô) mất giá do đồng USD rớt giá.

Bên cạnh đó, vẫn còn một bất ổn nội tại là giá trị thặng dư không cao của một số mặt hàng gia công xuất khẩu. Lâu nay nghe nói đến các ngành hàng tham gia “Câu lạc bộ 1 tỉ USD”, song giá trị thặng dư của mỗi ngành hàng có khác nhau. Một tỉ USD hàng may mặc thật ra đem lại bao nhiêu USD phí may gia công? Giá gạo xuất khẩu đầu năm sang Philippines trung bình 48-490 USD/tấn là thấp so với giá gạo trúng thầu xuất sang Philippines cuối năm với giá trên 600 USD/tấn là một thí dụ của giá trị thặng dư trong xuất khẩu ngay trong cùng một ngành hàng và mặt hàng.

Trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu còn chưa dứt, các khách hàng lớn còn chưa sẵn sàng tiêu dùng nhiều trở lại, nhập siêu còn kéo dài và gánh nặng tỉ giá một số ngoại tệ còn đó, có thể hiểu tại sao lần này bộ trưởng Bộ Kế hoạch – đầu tư phải trấn an răng vẫn đủ năng lực thanh toán nợ nước ngoài.

Khi có những khoản vay không sinh lợi phải trả gốc và lãi hăng ngày thì kinh phí xóa đói giảm nghèo hay dân sinh, y tế, giáo dục sẽ bị ảnh hưởng. Đó là lý do tại sao trong khi đang có những háo hức đề ra mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình, thì điều phối viên Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam Jesper Morch lưu ý điều này: “Một trong ba trẻ em Việt Nam thuộc diện nghèo về các nhu cầu căn bản như giáo dục, vệ sinh hay hội nhập và bảo trợ xã hội”.

Một vấn đề đang nổi lên là những người nhập cư không đăng ký tại các thành phố không được hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản đầy đủ và miễn phí chỉ vì họ không được đăng ký hộ khẩu, đồng thời họ trở nên vô hình trong con số thống kê về đói nghèo của cả nước.

Đây là mặt trái “bẫy của thu nhập trung bình” tại Việt Nam – sự cách biệt ngày càng lớn với một số nhóm dân cư ngày càng bị tụt lại phía sau và một chương trình chưa hoàn thiện liên quan tới dinh dưỡng, vệ sinh, giáo dục và tử vong ở người mẹ và trẻ sơ sinh tại một vài vùng miền của đất nước.

DANH ĐỨC

December 8, 2009

Nợ công và ODA

Filed under: Uncategorized — ktetaichinh @ 5:26 am
Tags:

ANH QUÂN
09:51 (GMT+7) – Thứ Ba, 8/12/2009

Sau cam kết tài trợ ODA hơn 8 tỷ USD được công bố, vấn đề nợ công một lần nữa lại được hâm nóng

Sau khi cam kết tài trợ ODA năm 2010 với hơn 8 tỷ USD được công bố trong phiên bế mạc hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam lần thứ 16, vấn đề nợ công một lần nữa lại được hâm nóng.

Trước đó, những kế hoạch phát triển đầy tham vọng của Chính phủ như: phát hành trái phiếu Chính phủ tổng cộng 146 nghìn tỷ đồng trong nước và khoảng 1 tỷ USD ra nước ngoài trong năm 2010, được cho là có thể khiến nợ công tăng lên nhanh chóng, đã được “mổ xẻ” tại diễn đàn Quốc hội.

“Soi” vào tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài… so với GDP, có thể những quan ngại về nguy cơ tiệm cận ngưỡng bất ổn cũng có cái lý của nó. Tuy nhiên, quan điểm của các bên liên quan trong thời điểm hiện nay dường như còn khá yên tâm với tình trạng nợ của Việt Nam.

Trong ngưỡng an toàn

Báo cáo công tác quản lý nợ công của Bộ Tài chính phát đi ngày 30/11 tại hội nghị ngành tài chính cho hay, nợ công (bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương), dự kiến đến cuối năm 2009 khoảng 44,7% GDP.

Trong con số này, nợ Chính phủ chiếm 35,4% GDP; nợ được Chính phủ bảo lãnh chiếm 7,9% GDP; và nợ chính quyền địa phương chiếm 1,4% GDP.

Nếu tính thêm 146 nghìn tỷ đồng và 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ, cùng với số vốn ODA tài trợ mới trong năm tới, đến hết năm 2010, tỷ lệ nợ công sẽ cao hơn nữa, có thể sẽ đạt mức 50% GDP.

Liệu nợ công có đảm bảo trong ngưỡng an toàn? Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, ông Trịnh Huy Quách cho biết, quan điểm về ngưỡng an toàn trong tỷ lệ nợ công so với GDP cũng khác nhau.

Trong khi theo khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, tỷ lệ hợp lý với trường hợp các nước đang phát triển nên ở mức dưới 50% GDP, thì theo tìm hiểu của Phó chủ nhiệm Quách, có khá nhiều nước tỷ lệ này lên đến trên 80% GDP.

Bình luận về những tương quan so sánh kể trên, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng, tỷ lệ nợ công của Việt Nam hiện nay thấp hơn rất nhiều so với các nước (Hoa Kỳ khoảng 300% GDP). “Nếu nợ công cao hơn nữa, vẫn đảm bảo trong giới hạn an toàn cho phép”, ông Nghĩa khẳng định.

Một điểm đáng chú ý khác được Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp lưu ý trong cuộc trao đổi với VnEconomy chiều qua, đó là cơ cấu nợ. “Nợ công theo cách hiểu là Chính phủ đi vay trên thị trường, theo lãi suất thị trường thì Việt Nam không có”, ông Nghiệp cho biết.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2009, cơ cấu nợ công gồm nợ Chính phủ chiếm 79,3%; nợ được Chính phủ bảo lãnh chiếm 17,6% và nợ chính quyền địa phương chiếm khoảng 3,1%. Trong nợ Chính phủ, nợ nước ngoài chiếm 60% (trong đó 85% là ODA); nợ trong nước chiếm 40%.

“Xét về thời hạn, nợ trung và dài hạn chiếm 97%; nợ ngắn hạn (tín phiếu kho bạc) chỉ chiếm 3% trong tổng số dư nợ Chính phủ. Đó là điểm khác biệt giữa nợ công của Việt Nam với các nước”, Thứ trưởng Nghiệp dẫn lại một phần nội dung báo cáo về nợ công mà ông trình bày tại hội nghị ngành tài chính hôm thứ Hai vừa rồi.

Trên cương vị lãnh đạo cơ quan giám sát tài chính quốc gia, Phó chủ tịch Nghĩa cho biết thêm: “Các khoản vay ODA lãi suất thấp, thời hạn 40 năm, ân hạn 10 năm thì coi như cho không. Nếu có vay nhiều hơn nữa cũng không ảnh hưởng gì đến an ninh tài chính quốc gia”.

Thông tin thêm về việc phát hành trái phiếu Chính phủ trị giá 146 nghìn tỷ đồng và 1 tỷ USD trong năm 2010, Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính, ông Hoàng Hải tiết lộ, thời hạn tối thiểu đối với trái phiếu Chính phủ phát hành trong năm tới là 10 năm, có loại 15 năm, với mức lãi suất hợp lý.

Nợ nước ngoài: Không đáng lo

Số liệu của Bộ Tài chính cho hay, tổng dư nợ nước ngoài trung và dài hạn của Việt Nam hiện nay (không bao gồm dư nợ ngắn hạn nước ngoài của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng) vào khoảng 30,5% GDP.

Cụ thể, tính đến cuối năm 2009, tổng số vốn ODA đã đàm phán và ký kết các Hiệp định vay ODA và vay ưu đãi ước tính  trị giá 37,5 tỷ USD; giải ngân được 19,5 tỷ USD, chiếm 52% so với tổng số vốn ODA đã ký vay.

Bên cạnh việc huy động nguồn vốn ưu đãi ODA, trong thời gian qua, Chính phủ cũng đàm phán, ký kết một số khoản vay thương mại nước ngoài để cho vay lại một số dự án đầu tư trong các lĩnh vực điện, than, xi măng, dầu khí…

Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, nợ nước ngoài trong cơ cấu nợ quốc gia tuy có cao, nhưng vẫn nằm trong ngưỡng cho phép, trong khả năng trả nợ của Việt Nam. “Hàng năm, Chính phủ vẫn dành một khoản ngân sách để trả nợ vay nước ngoài, và chúng ta chưa trả chậm bất kỳ khoản vay nào”, ông Phúc khẳng định quan điểm này trong buổi họp báo chiều nay.

Tiếp lời người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện hai nhà tài trợ quan trọng là WB và ADB cũng nhất trí quan điểm trên. Bà Victoria Kwakwa nói thêm: “Không có lý do gì để chúng tôi phải lo lắng về khả năng trả nợ của Chính phủ cho khoản nợ tích lũy đến thời điểm này. Chúng tôi vẫn giám sát chặt chẽ nợ nước ngoài của Việt Nam”.

Cũng liên quan đến vay nước ngoài là nợ của khối doanh nghiệp, có hoặc không được bảo lãnh của Chính phủ. Theo Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp, tỷ lệ nợ của doanh nghiệp nhà nước chiếm rất ít, nợ doanh nghiệp tư nhân cũng không nhiều trong cơ cấu nợ nước ngoài.

Báo cáo của Bộ Tài chính ước tính, đến cuối năm 2009, tổng giá trị vay nước ngoài được Chính phủ cấp bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn theo số cam kết là 9,6 tỷ USD. Tuy nhiên, dư nợ bảo lãnh vay vốn nước ngoài của doanh nghiệp mới chỉ đạt 3,8 tỷ USD.

“Theo tôi, vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp đã được siết quá chặt trong thời gian gần đây. Có rất ít các hợp đồng vay vốn được ký kết, các khoản vay hiện nay chủ yếu đã ký từ trước”, Phó chủ tịch Nghĩa chia sẻ.

Cũng theo ông Nghĩa, một nguyên nhân khác khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận các khoản vay nước ngoài là do lãi suất cho vay hiện nay đã tăng từ Libor+1 trong thời gian trước lên Libor+3. “Chi phí vốn đắt hơn khiến nhiều doanh nghiệp không dám vay thêm”, Phó chủ tịch Nghĩa cho biết.

Tuy vậy, vẫn còn một điểm nữa không thể không nhắc đến. Phó chủ nhiệm Quách lưu ý rằng: “Cho dù có thể nợ công vẫn trong ngưỡng cho phép, nhưng vấn đề giải ngân thế nào để cho các khoản vay được sử dụng có hiệu quả cũng rất cần được lưu tâm”.

March 21, 2009

Lạm phát một phần vì lúng túng trong chỉ đạo tiền tệ’ 113007

(Nguồn: VNExpress 30/11/07) Kinh tế tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua, song chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao và VN đang nhập siêu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thẳng thắn nhìn nhận, ngoài hàng loạt nguyên nhân khách quan, một phần do sự lúng túng trong chỉ đạo về tiền tệ. Tại hội nghị ngành Kế hoạch và Đầu tư năm 2007, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đánh giá, kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển ổn định, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 trở lại đây (dự kiến đạt 8,5%). Tổng thu nhập quốc dân (GDP) theo giá hiện hành dự kiến đạt 1.144 nghìn tỷ đồng, tương đương 71,3 tỷ USD, bình quân đầu người đạt 835 USD, cao hơn kế hoạch 15 USD.

Tuy nhiên, 3 chỉ tiêu quan trọng trong tổng số 23 chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2007 không đạt được, là giữ tốc độ tăng CPI thấp hơn tăng trưởng kinh tế, cân đối cán cân xuất – nhập khẩu và giảm tỷ lệ sinh. Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CPI năm nay sẽ đạt trên 9%, trong khi tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8,5%. Tốc độ tăng tổng kim ngạch nhập khẩu cũng đạt 27%, vượt xa con số dự kiến 15,5%.

Phát biểu tại hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, việc giá tiêu dùng leo thang phần lớn do giá cả các nguyên – nhiên liệu tăng mạnh, cũng như nhiều thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Tuy nhiên, theo người đứng đầu Chính phủ, việc lúng túng trong điều hành thị trường tiền tệ cũng là một lý do khiến tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) vượt qua tốc tốc độ tăng GDP. 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào 9 tỷ USD, đưa dự trữ ngoại tệ của Việt Nam lên 20 tỷ USD. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, Chính phủ lúng túng vì lo ngại nếu đưa tiền đồng ra mua đôla, sức ép lên giá tiêu dùng sẽ tăng. Nhưng nếu không gom vào đôla, tăng trưởng kinh tế sẽ không giữ được mức cao như hiện nay.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, dù CPI tăng cao, Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định về mặt kinh tế vĩ mô và giá tiền đồng vẫn được giữ ổn định. “Nếu tỷ giá giữa đôla và tiền đồng bị đảo lộn, sẽ càng khó khăn cho sản xuất”, ông nhận định. Đồng thời, việc khu vực công nghiệp tăng trưởng 17% trong cơ cấu ngành, dịch vụ lên thêm 8%, xuất khẩu tăng 21% là những thành tựu lớn trong năm 2007.

Thủ tướng cũng báo động về một loạt khó khăn đối với nền kinh tế trong thời gian tới, trong đó điển hình là hạ tầng không đáp ứng được yêu cầu. Hiện hầu hết các cảng biển đều đã hoạt động hết công suất, máy bay cho ngành hàng không đang thiếu, trong khi đến năm 2014, Việt Nam mới nhận những máy bay đầu tiên đã đặt mua. Hiện tại, Việt Nam cũng chưa có đường cao tốc nào đúng nghĩa.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến trong năm 2008, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8,5-9%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 20-22%, chỉ số CPI thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, và tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm 42% GDP.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu, trong năm 2008 cơ bản thực hiện xong các chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2006-2010, đến năm 2009 sẽ hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu này, trước một năm so với kế hoạch. Theo đó, đến năm 2008, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt 960 USD, và lên mức 1.100 USD vào năm 2009, thay vì vào 2010 như kế hoạch.

2007 là năm thứ ba liên tiếp tiến độ giải ngân vượt kế hoạch, trong đó tổng vốn ODA giải ngân trong năm nay dự kiến đạt 2 tỷ USD, cao hơn kế hoạch khoảng 5%.

Các nhà tài trợ nước ngoài đã cam kết dành cho Việt Nam 4,45 tỷ USD tại Hội nghị Nhóm tư vấn (CG) 2006. Cùng với mức cam kết 3,74 tỷ USD, tính chung 2 năm, tổng vốn ODA dành cho Việt Nam đạt 8,19 tỷ USD, đạt khoảng 40% dự báo ODA cho cả thời kỳ 2006-2010.

Tuy nhiên, tính chung trong 2 năm 2006-2007, Việt Nam mới giải ngân được khoảng 3,9 tỷ USD, đạt 32% so với kế hoạch 11,9 tỷ USD của giai đoạn 2006-2010.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dù nhanh hơn dự kiến, song việc thực hiện các dự án ODA vẫn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, khiến cả Chính phủ và các nhà tài trợ lo ngại.

Hiện nhóm 5 ngân hàng phát triển, gồm ADB, AFD, JBIC, KfW và WB, dã đồng ý tổ chức đánh giá chung tình hình thực hiện các chương trình, dự án ODA. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã thực hiện hài hòa thủ tục đấu thầu và quy trình thẩm định dự án, khiến quá tình giải ngân vốn ODA tăng tốc.

Năm nay cũng bội thu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với 15,03 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm. Dự kiến lượng vốn của cả năm sẽ đạt khoảng 16 tỷ USD.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt mục tiêu thu hút 14,5-15 tỷ USD vốn FDI trong năm 2008, do nguồn vốn này còn phụ thuộc nhiều vào khả năng tiếp nhận đầu tư, đàm phán các dự án lớn phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội cả nước cũng như của từng địa phương.
Ngọc Châu

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ chiều nay, Thứ trưởng Tài chính Trần Văn Tá đã nhận thiếu sót về công tác dự báo giá cả, do đó không đưa ra trước được những biện pháp đón trước diễn biến.

Ngành thuế mới đây cũng phạt 3 doanh nghiệp không giảm giá, khi giá nguyên liệu đầu vào đã được điều chỉnh giảm. Theo Thứ trưởng Tá, việc phạt 3 doanh nghiệp này mới chỉ là bước đầu khi thuế nhập khẩu đã hạ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng vừa chỉ đạo về việc điều hành giá cả, thị trường cuối năm 2007 và dịp Tết Nguyên đán Mậu Tý. Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương sẽ thực hiện triệt để Chỉ thị 18 của Chính phủ về các biện pháp cấp bách kiềm chế tốc độ tăng giá.

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường hàng hóa và tiền tệ, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc cho vay đầu tư chứng khoán, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hệ thống tín dụng, tiền tệ.

Chính phủ cũng chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện lộ trình xóa bao cấp qua giá, để trong năm 2008 sẽ thực hiện giá dầu, than (trừ than cho sản xuất điện) theo cơ chế thị trường

March 16, 2009

ODA 08

Filed under: Uncategorized — ktetaichinh @ 1:48 am
Tags:

Nhật sẽ cố gắng đảm bảo độ tin cậy của dự án ODA tại Việt Nam 031109

Nhật Bản sẽ tăng viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 031009

Ngày 10.3, Đại sứ Nhật Bản Mitsuo Sakaba cho biết, trong thời gian tới Nhật Bản sẽ cố gắng tăng số dự án viện trợ không hoàn lại (ODA nhỏ) cho Việt Nam lên trên con số 30 dự án/ năm như từ trước đến nay.
Các dự án sẽ vẫn tập trung xây dựng đường giao thông nông thôn, trường học và hệ thống cấp nước cho các tỉnh trong cả nước.

Tuyên bố trên được Đại sứ Sakaba công bố sau lễ ký kết hợp đồng viện trợ không hoàn lại cho hai tỉnh Bắc Giang và Hòa Bình diễn ra lúc 16h ngày 10.3, tại Đại sứ quán Nhật Bản (27 Liễu Giai, Hà Nội). Tổng số tiền viện trợ trị giá gần 164 nghìn USD. Trong đó, 81.901 USD dành cho Dự án nâng cấp đường giao thông nông thôn xã Hương Lâm – Bắc Giang, 82.046 USD đối với Dự án xây dựng trường tiểu học Mường Khến – Hòa Bình.

Quản lý dự án ODA từ góc nhìn đạo đức nghề nghiệp 030309

Cái thiếu lớn nhất chính là “đạo đức nghề nghiệp” thể hiện ở sự lành nghề trong chuyên môn và trong sáng về đạo đức, đó chính là yếu tố con người. Hiện nay, việc quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA được quy định bởi Nghị định 17/2001 của Chính phủ. Tuy nhiên, phạm vi của Nghị định này là các nguồn vốn ODA không hoàn lại hoặc ODA vay ưu đãi có yếu tố không hoàn lại đạt ít nhất 25%. Các nguồn vốn này chủ yếu dành cho xoá đói, giảm nghèo, cải cách hành chính…, còn nguồn vốn vay ODA cho xây dựng cơ bản hiện nay như đường, nguồn điện… chiếm tỷ trọng rất lớn lại là vốn vay ODA không có yếu tố không hoàn lại.
…Thực tế thực hiện các dự án vay vốn ODA ở nước ta vừa qua có thể chia làm 2 dạng: thứ nhất là đấu thầu trong nước để lựa chọn nhà thầu (như các dự án giao thông), thứ hai là đấu thầu quốc tế (như các dự án nguồn điện). Nếu ai đã từng tham quan các dự án mà các nhà thầu quốc tế thi công, nhất là các nhà thầu Nhật Bản, đều có thể nhận thấy một điều là vấn đề chất lượng luôn được họ đặt lên hàng đầu cùng với các vấn đề về môi sinh, môi trường. Kèm theo đó là những yêu cầu một cách sòng phẳng với tư vấn và chủ đầu tư về trách nhiệm trong hợp đồng.

Chẳng hạn nếu chủ đầu tư không bàn giao mặt bằng đúng hạn, hay chậm thanh toán,… đều bị nhà thầu quy thành tiền (và thường giá trị rất lớn). Do vậy, ở các dự án này, với “đạo đức nghề nghiệp” vốn có của các nhà thầu quốc tế, tư vấn cũng như chủ dự án lúc nào cũng phải chịu sức ép về trách nhiệm hợp đồng nên “đạo đức xấu” không có đất phát huy. Các nhà thầu phụ Việt Nam trong hoàn cảnh đó cũng đã dần “lớn lên”, dù lợi nhuận không nhiều nhưng được học hỏi ngay trên nước mình mà không phải trả tiền học phí quả cũng là xứng đáng.

Trở lại các dự án ODA đấu thầu trong nước, tình trạng quân xanh, quân đỏ trong đấu thầu, các công ty sân sau trong thi công vẫn còn phổ biến; tình trạng nhà thầu phải cung phụng tư vấn hay chủ đầu tư vẫn còn và các chi phí đó sẽ được đền bù gấp nhiều lần bằng các chi phí phát sinh hay ăn bớt vật liệu dẫn tới làm giảm chất lượng công trình.
Nợ, dù là nợ của Chính phủ phải trả hay nợ của cả quốc gia đều đòi hỏi sự đóng góp (trực tiếp và gián tiếp) của người dân để hoàn trả trong tương lai. Do đó, các món nợ này rất cần được quản lý chặt chẽ, sử dụng với hiệu quả cao nhất.

Theo kinh nghiệm của các nước, do bản chất của vốn ODA là vay có thời hạn dài (thường đến 30 – 40 năm) , thời gian ân hạn lớn (khoảng 10 năm không trả vốn vay), lãi suất thấp, vì thế, vốn vay ODA hiện nay được chúng ta dùng cho xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống các công trình hạ tầng như giao thông, điện lực, thuỷ lợi, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hoàn thiện thể chế… Theo tôi, đó là những hướng đúng, nhưng cần được thường xuyên xem xét để việc sử dụng vốn ODA cho đúng hướng.

Chẳng hạn, những năm trước, nhiều vốn ODA đã được dùng cho việc xây dựng các nhà máy điện. Tuy nhiên, lúc này để khắc phục nguy cơ thiếu hụt nguồn điện thì nên mở rộng các nguồn đầu tư tư nhân như các hình thức BOT, BT, nhà máy điện độc lập được cổ phần hoá và bán điện cho lưới điện quốc gia. Lúc này, vốn ODA còn nên được dùng để cho vay lại với chủ yếu các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo ra nhiều việc làm (chính các doanh nghiệp này trong 5 năm qua đã tạo việc làm cho một nửa số lao động tăng thêm trong nền kinh tế).

Theo tôi, chúng ta tuyệt nhiên không nên dùng và cũng không thể dùng vốn ODA cho các mục tiêu kinh doanh, trực tiếp sử dụng cho các công trình có ý nghĩa kinh doanh (vì các doanh nghiệp phải dùng cơ chế khác, với thời hạn ngắn hơn, lãi suất cao hơn)…

Nối lại ODA là động thái đúng của Chính phủ Nhật 022609
Thủ tướng NB Taro Aso đã cam kết sẽ viện trợ 17 tỉ USD cho Châu Á vượt qua khủng hoảng. Theo ông, VN sẽ tham gia như thế nào trong gói cam kết này?

– Đây là kế hoạch cứu trợ tham vọng của Chính phủ Nhật giúp Châu Á phục hồi, nhằm làm đầu tàu kéo kinh tế thế giới đi lên. Khoản viện trợ phát triển này dự kiến bắt đầu từ tháng 4 tới và trải dài trong 3 năm, nhằm thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng trong tình hình khủng hoảng kinh tế. VN hiện là một trong những đối tác chính nhận viện trợ ODA của NB. Vì vậy, chắc chắn VN sẽ không đứng ngoài các nước Châu Á được hưởng lợi từ gói cứu trợ này.
* Các dự án ODA sắp tới của NB tại VN sẽ tập trung vào lĩnh vực nào, thưa ông?

– Ưu tiên đầu tiên là cơ sở hạ tầng, tiếp đó là phát triển nguồn nhân lực và lĩnh vực y tế.

Việt Nam là đối tác quan trọng trong chiến lược ODA của Nhật Bản 022209
“Các đóng góp ODA của Nhật Bản (NB) cho sự phát triển của nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam (VN), sẽ góp phần mang lại nhiều lợi ích cho NB về dài hạn”, ông Ono Tomohiro nói. Theo ông Tomohiro, VN đã có những động thái kiên quyết trong việc xử lý vụ bê bối PCI. Điều này sẽ giúp dư luận NB an tâm về việc tiền thuế của họ sẽ được sử dụng hợp lý qua các dự án ODA tại VN, ông nói. “Người dân NB tin rằng ODA không phải chỉ là cấp các cuốn séc trắng cho các nước nghèo, mà phải giúp họ giải quyết tốt hơn các vấn đề về kinh tế, xã hội – yếu tố quan trọng đối với hòa bình thế giới và cũng là tương lai của chính NB”, ông Tomohiro cho hay. Ngoài việc trợ giúp các nước nghèo, việc cấp ODA cũng giúp NB nhận được các lợi ích từ thương mại quốc tế nhờ việc thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị với các nước. Chính vì vậy, Chính phủ NB đã cam kết ưu tiên hơn cho ODA.
Theo ông Matsunaga Masaei, Phó Trưởng đại diện JICA tại VN, các hoạt động ODA của NB tại VN không chỉ dành cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, mà còn chú trọng vào mũi nhọn hợp tác nhân lực với VN.

Dạo quanh trụ sở Hợp tác quốc tế tại Tokyo (TIC) có thể thấy rất rõ điều này. Tính riêng trong tháng 2.2009, số lượng người VN tham gia các khóa đào tạo và huấn luyện tại Tokyo đứng đầu trong số các học viên quốc tế tại TIC, với gần 50 người. “Mỗi năm JICA triển khai các khóa đào tạo ngắn ngày cho khoảng hơn 8.000 học viên, trong đó số lượng học viên ở tại TIC Tokyo là hơn 40%”, ông Yoshiaki Kano – Tổng GĐ TIC tại Tokyo cho hay.

Ông Nguyễn Xuân Bảo Tâm – Vụ phó Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên – Môi trường, trưởng phái đoàn môi trường VN sang trao đổi kinh nghiệm về xử lý chất thải rắn tại NB – cho biết thêm: NB đang dự kiến nâng tỉ lệ ODA dành cho các dự án môi trường tại VN lên 20% so với 10% trước đây, đặc biệt là lĩnh vực tái chế và xử lý rác thải. Thông qua dự án viện trợ ODA, JICA cũng sẽ giúp đưa các lò đốt rác công nghệ cao vào VN.

Việt Nam – Nhật Bản sẽ đưa ra cơ chế mới về tư vấn dự án ODA 010909

Nhật Bản ngừng các dự án ODA ưu đãi cho VN 120408
* Ông có thể nói rõ về các dự án ODA bị ngừng này?

– Một năm, Nhật Bản có 2 dịp công bố các cam kết viện trợ cho VN là tại hội nghị CG giữa kỳ và tại hội nghị CG vào cuối năm. Vào hội nghị giữa kỳ tháng 6.2008, NB đã công bố ý định mở rộng vốn vay ODA lên 65,3 tỉ Yen Nhật cho nửa năm tài chính đầu cho các dự án hạ tầng nhằm cải thiện giao thông và các dự án thoát nước. Sau công bố đó, vụ việc PCI nổ ra.

Vì vậy, Nhật Bản đã quyết định ngừng toàn bộ tiến trình vốn vay cho các dự án ODA này. Thêm vào đó, ODA của Nhật Bản cho VN chia làm ba dạng: hỗ trợ kỹ thuật, viện trợ không hoàn lại và cho vay ưu đãi. Về cho vay ưu đãi, theo quy định, chúng tôi phải thuê tư vấn đề giám sát chi tiêu cho dự án . Vì thế đối với các khoản vay ODA, chúng tôi phải làm sáng tỏ tình hình đã. Do vậy, chúng tôi đã đình chỉ quá trình cho vay ưu đãi vốn ODA cho VN. Còn hai loại viện trợ kia thì vẫn diễn ra bình thường.
* Ông nghĩ sao về chuyện tham nhũng tại một dự án ODA của Nhật, quốc gia có cơ chế minh bạch và chống tham nhũng hiệu quả?

– Vụ tham nhũng khiến chúng tôi rất thất vọng. Và điều đó càng làm tăng thêm quyết tâm của chúng tôi trong việc chống tham nhũng tại các dự án ODA. Chính tôi cũng không thể tin được rằng vụ này có thể xảy ra. Vụ PCI lộ ra một cách bất ngờ trong quá trình Nhật Bản điều tra một số bê bối khác. Dù sao thì việc điều tra vẫn đang được tiến hành, đã có hai phiên toà xử công khai. Nhiều dữ kiện mới đang tiếp tục hé lộ. Vì thế chúng tôi đang làm việc tích cực và hy vọng kết quả sẽ sớm được công bố.

March 2, 2009

Nguy cơ vuột mất 60 triệu USD 27/02/2009

Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM đang được thi công với tốc độ “rùa lật ngửa” khiến TP.HCM đứng trước nguy cơ sẽ vuột mất 60 triệu USD chưa kịp giải ngân trong tổng số 166 triệu USD vốn ODA vay của Ngân hàng Thế giới (WB).

Siêu ì ạch

Dự án vệ sinh môi trường TP.HCM khởi công năm 2002, với mục tiêu giải quyết tình trạng ngập úng và ô nhiễm môi trường cho lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè rộng hơn 33 km2, phục vụ khoảng 1,2 triệu người (tính đến năm 2030 là 1,8 triệu người). Tổng mức đầu tư 200 triệu USD, gồm 166 triệu USD vốn vay của WB và 34 triệu USD vốn đối ứng từ ngân sách TP. Theo kế hoạch, dự án đáng lẽ hoàn thành từ cuối năm 2007, nhưng thi công ì ạch đến nỗi WB phải gia hạn thêm 2 năm (đến ngày 31.12.2009).

Ông Phan Châu Thuận, Phó giám đốc Ban quản lý dự án, cho biết tính đến nay, toàn dự án mới chỉ giải ngân được 119 triệu USD (đạt 59,7%), trong đó vốn ODA giải ngân được 106 triệu USD. Đồng thời, chỉ vài trong số 27 gói thầu của dự án là đảm bảo hoàn thành trước “giờ G”. Còn tiến độ các gói thầu xây lắp khác không mấy khả quan, như gói số 10 cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè mới xong 31% khối lượng; gói 7A thi công thiết bị tách dòng, lắp đặt cống đào hở và hố ga đạt 29%; 10 gói thầu thay thế và mở rộng cống cấp 2, cấp 3 hoàn thành 39%…

Ở hạng mục thoát nước mưa, trong hai năm qua, các nhà thầu chỉ mới thi công được 21 km trong tổng số 57 km cống thoát nước cần lắp đặt. Như vậy, nếu muốn hoàn thành 36 km cống còn lại trong vòng 10 tháng từ nay đến cuối năm thì các nhà thầu sẽ phải tăng tốc lên gấp bốn lần hiện nay. Điều này gần như bất khả thi.

Điển hình của việc chậm trễ và bê bối phải kể đến gói thầu số 7 thi công tuyến cống bao, thiết bị tách dòng và miệng xả ngầm do nhà thầu Trung Quốc TMEC CHEC 3 thực hiện. Gói thầu này khởi công năm 2004, lẽ ra phải hoàn thành từ tháng 11.2006, tuy nhiên đến nay mới xong 80% khối lượng. Không chỉ thi công chậm chạp, nhà thầu TMEC CHEC 3 còn để xảy ra hàng loạt sự cố chìm đầu ống kích, gây lún nứt nhà dân… Dù được UBND TP tạo điều kiện tối đa để đẩy nhanh tiến độ (tạm ứng cho nhà thầu 1 triệu USD từ ngân sách, giảm bớt một phần công việc) song một số công đoạn vẫn được thực hiện rất ì ạch. Chẳng hạn công đoạn kích ống mới hoàn thành 400 mét trong tổng số 1.100 mét cống cần thi công (đạt hơn 35%).

Hai gói thầu khác của dự án là 12A và 13A do Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng thi công cũng “rùa bò” vì trung bình mỗi ngày chỉ lắp đặt được 0,3 mét cống.

1.001 lý do

Nếu không hoàn thành kịp cuối năm nay, dự án Vệ sinh môi trường sẽ vuột mất 60 triệu USD vốn ODA -Diệp Đức Minh

Theo ông Thuận, tổng đầu tư của dự án đến thời điểm này đã “đội” lên thêm 100 triệu USD do trượt giá. Nếu thi công kịp thời hạn WB đề ra, có khả năng WB sẽ xem xét “rót” thêm số tiền này. Còn ngược lại thì ngân sách TP sẽ phải “gánh” toàn bộ số tiền trượt giá cùng số vốn ODA chưa kịp giải ngân, lên đến 160 triệu USD.Ông Thuận cho rằng các gói thầu thi công chậm tiến độ thời gian qua chủ yếu do vướng các tiện ích ngầm (điện, điện thoại, cấp thoát nước). Trong khi đó, thủ tục di dời các tiện ích ngầm này lắm nhiêu khê khiến công tác thi công của nhà thầu nhiều khi tê liệt hàng tháng trời. Việc triển khai thi công 3 ca cũng khó khăn do TP cấm xe tải lưu thông ban ngày nên nhà thầu không cách gì huy động vật liệu về “lô cốt” để thi công, rồi đất đá sau khi đào lên cũng không có xe chở ra các bãi đổ.

Do đó, Ban quản lý dự án kiến nghị cơ quan chức năng tạo điều kiện bằng cách đơn giản hóa thủ tục di dời tiện ích ngầm, rút ngắn thời gian cấp phép đào đường, xem xét cho xe chở vật liệu lưu thông trong nội đô vào ban ngày…

Mặt khác, ông Thuận cũng khẳng định sẽ “siết” nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ. Vừa qua, Ban quản lý dự án đã trục xuất Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng và huy động các nhà thầu khác thi công gói thầu 12A và 13A, nhờ vậy tiến độ hai gói thầu này đã có dấu hiệu khởi sắc.

Mới đây, Ban quản lý dự án đề xuất ngưng hoặc lùi thời gian thi công lắp đặt cống thoát nước trên các tuyến đường Cộng Hòa, Bùi Thị Xuân, Bành Văn Trân (quận Tân Bình); Hòa Hưng, Cách Mạng Tháng Tám (quận 10); Phạm Viết Chánh, Vũ Tùng (quận Bình Thạnh). Nguyên nhân là các tuyến đường này vướng quá nhiều tiện ích ngầm và mặt bằng quá hẹp, do đó sẽ tách ra khỏi dự án và triển khai thi công vào năm sau trong những dự án khác.

Nhằm thúc đẩy tiến độ dự án, UBND TP đã có văn bản chỉ đạo tất cả các nhà thầu VN tham gia dự án phải hoàn thành đúng thời hạn cuối cùng đã cam kết với WB. Theo UBND TP, đây không còn là vấn đề của từng doanh nghiệp mà là vấn đề chính trị và chứng minh năng lực của ngành xây dựng VN. Nếu nhà thầu nào không hoàn thành phần việc trong dự án này thì UBND TP sẽ xem xét cấm tham gia thực hiện các dự án sử dụng vốn ngân sách trên toàn địa bàn TP.

Công trình trọng điểm vướng dây điện, ống nước…

Dự án cầu Phú Mỹ và 3 dự án giao thông kết nối là những công trình trọng điểm của TP.HCM có tổng mức đầu tư khoảng 3.500 tỉ đồng, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.

Trong khi dự án cầu Phú Mỹ sắp về đích trước 3 tháng so với kế hoạch, nghĩa là sẽ hoàn thành vào tháng 9 năm nay, thì 3 dự án giao thông kết nối trở nên chậm chạp. Ông Mạc Đăng Nớp, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ, chủ đầu tư cho rằng nguyên nhân là do công tác giải phóng mặt bằng, có quận chậm 1 năm, có quận chậm đến 1 năm rưỡi.

Cho đến giờ này, chủ đầu tư vẫn chưa nhận đầy đủ mặt bằng để giao cho nhà thầu thi công. Ngoài ra, mặt bằng thi công phía Q.2 và Q.9 còn nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật (đường dây điện, ống nước, cáp điện thoại…) chưa được di dời.

Mai Vọng

Phương Thanh

February 25, 2009

Nhật nối lại ODA và điều kiện chống tham nhũng đi kèm

Filed under: Uncategorized — ktetaichinh @ 3:52 am
Tags:

Một trong những vấn đề gây nhiều dư luận nhất tại Việt Nam trong vòng gần ba tháng qua được giải quyết ổn thoả, khi cuối giờ chiều ngày 23.2, ngoại trưởng Nhật Hirofumi Nakasone chính thức tuyên bố Nhật nối lại hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam với nguồn vốn tương đương 900 triệu USD dành cho bốn dự án cơ sở hạ tầng. Theo lịch trình, công hàm ngoại giao về bốn dự án trên sẽ được hai bên ký trước 31.3.2009, ngày kết thúc năm tài khoá 2008 của Nhật. Với phần “truy lĩnh” này, năm 2008 Việt Nam đạt mức cam kết ODA kỷ lục khoảng sáu tỉ USD. Đại lộ đông tây, một trong những công trình được rút kinh nghiệm về vốn ODA Nhật dành cho Việt Nam. Ảnh: TL Nhưng quan trọng hơn, cùng với công bố của ông Nakasone, bộ Ngoại giao Nhật cũng công bố những biện pháp chống tham nhũng liên quan đến ODA, do uỷ ban hỗn hợp phòng chống tham nhũng ODA Nhật – Việt soạn thảo và được chính phủ hai nước phê duyệt. Việc nối lại ODA cho Việt Nam kèm với biện pháp chống tham nhũng diễn ra sau khi ông Huỳnh Ngọc Sĩ bị khởi tố bắt giam cho thấy sự kiên định của người Nhật khi hành động. Người ta có quyền tin rằng cơ chế phòng chống tham nhũng trong các dự án ODA sẽ có hiệu quả. Họ đã chứng tỏ điều này khi sáng kiến chung Việt – Nhật giúp cho môi trường đầu tư ở Việt Nam cải thiện đáng kể. Những điều Việt Nam phải thực hiện Phía Việt Nam cam kết trong vòng quý 1 phải thành lập xong trung tâm hỗ trợ mua sắm thuộc cục Mua sắm công – bộ Kế hoạch và đầu tư (KHĐT) để, với tư cách bên thứ ba độc lập và công bằng, thẩm định việc chọn nhà thầu và tư vấn. Cũng nhằm mục đích tránh gian lận trong đấu thầu, Việt Nam phải xúc tiến chương trình mua sắm điện tử từ năm 2009 – 2015. Nhằm minh bạch thông tin, với hợp đồng tư vấn lớn hơn 100 triệu yen, Việt Nam phải công bố tên, quốc tịch của những công ty tham gia, các công ty được đánh giá cao nhất trong số đó, và của những công ty được trao hợp đồng, cũng như giá trị hợp đồng. Với công trình trên một tỉ yen, Việt Nam phải công bố tên, quốc tịch của các nhà thầu tham gia (với giá bỏ thầu), của những nhà thầu được đánh giá cao và của những công ty thắng thầu (cùng giá trị hợp đồng). Những thông tin này được công bố trên “Công báo mua sắm” và trên website chính thức ngay trong quý 2/2009. Ngay trong quý 1/2009, ngoài việc tiến hành hậu kiểm với những dự án từ nguồn vốn đầu tư công trong nước, Việt Nam phải bắt đầu triển khai hậu kiểm đối với những dự án ODA của Nhật. Bộ KHĐT sẽ tư vấn cho Chính phủ Nhật và JICA những dự án nào cần hậu kiểm. Để đối phó với cá nhân tham nhũng liên quan đến ODA, đến tháng 6.2009, Việt Nam phải xây dựng những quy định phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thu nhận và xử lý thông tin liên quan đến những nghi vấn tham nhũng. Cho đến tháng 6.2010, Việt Nam phải xây dựng được bộ luật riêng để bảo vệ nhân chứng, bao gồm người Việt và người nước ngoài. Phía Việt Nam cam kết tiến hành ngay việc điều tra và chia sẻ thông tin kịp thời với phía Nhật, khi tiếp nhận được thông tin có độ tin cậy cao liên quan đến tham nhũng ODA của Nhật. Nhật cũng yêu cầu chiến lược quốc gia chống tham nhũng đến năm 2020 mà Thủ tướng sắp ký phải được triển khai thông qua sự tham vấn chặt chẽ của nhà tài trợ. Cho đến tháng 6.2009, Việt Nam phải ban hành quy định về việc tiếp nhận và xử lý thông tin, tố cáo liên quan đến tham nhũng; bộ Tư pháp phải soạn thảo nghị định về sự tham gia của các tổ chức quần chúng, xã hội, xã hội nghề nghiệp trong quá trình xây dựng luật và hoạch định chính sách; bộ KHĐT phải xây dựng được bộ quy tắc ứng xử trong đấu thầu, buộc các cơ quan và pháp nhân tham gia đấu thầu phải ký và tuân thủ. Những cam kết từ phía Nhật Rút kinh nghiệm từ vụ PCI, nhà tư vấn nhiều tai tiếng trong quá khứ mà vẫn được tham gia nhiều dự án lớn không chỉ ở Việt Nam, JICA cam kết sẽ xem xét lại, cải thiện các hướng dẫn chọn nhà tư vấn ngay trong quý 1 này, trong đó có cả quy định tiến hành hậu kiểm với quy trình tuyển chọn tư vấn. Chính phủ Nhật và JICA cũng cam kết sẽ nhanh chóng thể chế hoá hệ thống tiếp nhận và xử lý thông tin liên quan đến tham nhũng, bảo đảm sự minh bạch thông tin trong đấu thầu tư vấn. Cho đến nay, JICA chỉ cử chuyên gia đến những nước nhận ODA thiếu kinh nghiệm, nhất là trong việc chọn tư vấn. Sắp tới, để tránh sự thông đồng giữa nhà tư vấn và quan chức phụ trách dự án ở nước nhận ODA, với những hợp đồng tư vấn lớn, vượt quá 1 tỉ yen, họ phải cử chuyên gia tới. Chính phủ Nhật và JICA cũng cam kết sẽ chia sẻ thông tin có dính tham nhũng cho các tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ khác. Do vậy, họ sẽ yêu cầu công ty dự thầu viết cam kết không dính đến tham nhũng trong các dự án ODA trước đó. Đặc biệt, Chính phủ Nhật nêu rõ rằng họ sẽ quy định trong các hợp đồng và các văn bản khác ký giữa Chính phủ Nhật Bản hoặc JICA và nước nhận ODA rằng nếu họ nhận được thông tin liên quan đến các vụ quan chức nước nhận ODA tham nhũng, họ có quyền yêu cầu chính phủ nước nhận ODA phải giải thích rõ ràng.

February 11, 2009

Quả bom Nhật

Quả bom Nhật – Bùi Tín

Vụ PCI đã không thể “khoanh” lại để ỉm đi. Nhóm lãnh đạo 14 nhân vật trong bộ chính trị nghĩ rằng “khoanh” được vụ tày trời Tổng Cục 2 thì sẽ “khoanh” được mọi thứ. Họ đang “khoanh” vụ PMU18 lại gần 3 năm nay, còn lật án chuyển thành ra vụ đàn áp báo chí chống tham nhũng. Công và tội nhập nhằng, đảo lộn ! Gần đây họ “khoanh” lại vụ bàn về Luật đất đai và Luật báo chí, sợ bùng nổ . Vụ PCI nổ ra từ giữa tháng 7-2008, hơn 100 ngày rồi. 4 viên chức cấp cao Nhật đã bị bắt, khởi tố từ tháng 8, đưa ra xét xử giữa tháng 11 tại tòa án Tokyô, nhưng phía Việt nam vẫn lờ đờ, lần lữa, khoanh lại, bịt mồm báo chí, đến đầu tháng 11 mới đình chỉ chức vụ ông Huỳnh Ngọc Sỹ, để bắt đầu cuộc điều tra. Cả xã hội ấm ức, băn khoăn. Lời hứa kiên quyết chống tham nhũng như chống giặc còn đó, Luật chống tham nhũng đã ban hành, Uỷ ban đặc trách chống tham nhũng được thành lập với thủ tướng làm chủ tịch, với bộ máy thường trực hùng hậu, đầy quyền uy. Thế nhưng cả bộ máy vẫn cứ lề mề không sinh khí. Vụ PCI nổ ra là một thách đố. Tại Quốc hội, bị đại biểu chất vấn, ông thủ tướng bị động, bối rối, không trả lời nổi là cuộc điều tra đã tiến hành đến đâu, đương sự trước những cáo buộc của phía Nhật đã trả lời ra sao ? nhận hay không nhận tội, hay ấp úng thế nào. Ông chỉ biết hứa mép : ” sẽ phối hợp với phía Nhật, việc rõ đến đâu xử đến đấy “. Nhiều đại biểu quốc hội không hài lòng, thắc mắc thêm, nhưng đành chịu. Nhưng phía Nhật không chịu. Chính phủ Nhật không chịu. Nhân dân Nhật, người đóng tiền cho viện trợ ODA – Viện trợ Quốc tế Chính thức cho Phát triển – không chịu. Và thế là ngài Đại sứ Nhật ở Hànội MITSUI SAKABA không chịu; ông nổi giận. Tại cuộc họp hàng năm Nhóm Tư vấn các nước tài trợ năm 2008, với đề tài “Ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tiềm năng tăng trưởng ” , trước mặt những quan khách thượng thặng , các nhà đầu tư lớn nhất, các đại sứ, hơn một trăm nhà báo, phóng viên phát thanh, vô tuyến truyền hình, ông buồn rầu và cứng rắn tuyên bố – như cho nổ một “quả bom” : “Chính phủ chúng tôi quyết định đình chỉ các dự án ODA đang tiến hành ở Việt nam “. Đây là một “quả bom”, bởi nhiều lẽ : 1-/ Nhật bản là nước cung cấp viện trợ phát triển ODA lớn nhất cho Việt nam; 2-/ Các dự án đang được xây dựng và chuẩn bị xây dựng có ý nghĩa lớn cho nền kinh tế và đời sống xã hội ở Việt nam, đã bị treo lại, đặc biệt là : dự án xây dựng hành lang Đông – Tây của Sài gòn; dự án vệ sinh môi trường đô thị của Sài gòn; công trình thoát nước của thành phố Hànội (giai đoạn 2); công trình vệ sinh thành phố Hải phòng; đường tàu điện Métro của thủ đô Hànội. Các công trình trên đây ước tính trị giá hơn 900triệu $ – US đôla; xin nhớ số tiền này càng lớn giữa cơn khủng hoảng tài chính hiện tại; 3-/ Sau các cơn lụt, lũ, úng ngập ở Hànội và Sàigòn vừa qua, các công trình trên càng trở nên cấp bách, nay bị đình lại, treo giò chưa biết đến bao giờ, sẽ tai hại cho cuộc sống hàng ngày vốn đang cơ cực của đồng bào lao động ta; 4-/ Chính phủ và Toà đại sứ Nhật phải bực mình, giận dữ lắm mới xử sự quyết liệt cả về nội dung và cung cách như vậy: đột nhiên tuyên bố giữa cuộc họp chính thức lớn nhất hàng năm, kết thúc một năm và mở đầu một năm mới, không hé ra thông báo trước , cũng không tiết lộ trước cho báo chí Nhật về quyết định hệ trọng này; 5-/ Ngay sau đó, đại sứ Nhật ra về, trước khi tuyên bố và trả lời các nhà báo quốc tế và Việt nam , rằng: ” đúng, nhân dân Nhật không hài lòng về vấn đề vốn ODA không được xử dụng tốt ở Việt nam; đúng, nhân dân Nhật rất thất vọng về vụ PCI không được giải quyết nhanh chóng và minh bạch …” . Lẽ ra phía Việt nam phải giật mình, tỉnh hẳn ra trước “quả bom cảnh cáo” nghiêm khắc và rất thoả đáng này. Nhưng không phải vậy. Khuyết điểm phản ứng chậm chạp, lờ đờ, thiếu trách nhiệm của chính quyền Việt nam các cấp rõ rệt như vậy, nhưng ông thủ tướng Dũng không có một lời xin lỗi phía Nhật bản. Hình như danh từ “xin lỗi” không có trong từ điển của nhóm lãnh đạo cộng sản. Đã vậy, bộ trưởng kế hoạch và đầu tư Võ Hồng Phúc lẽ ra phải nhận ra nhiều sai lầm của mình trước quá nhiều ca thán của các nhà đầu tư trong cuộc họp này, trong đó có vụ PCI, thì không, ông ta vẫn nhâng nháo một cách vô duyên trước các nhà báo quốc tế rằng : ” Tôi hy vọng rằng chuyện này chỉ là chuyện tạm thời thôi, chúng tôi – tôi và ngài đại sứ (Nhật bản) – rồi sẽ sớm ký công hàm ODA 2009 ” (!). Lẽ ra đúng theo ngôn ngữ lịch sự, ngọai giao thì phải nói ” chúng tôi – ngài đại sứ và tôi …” , chứ không phải “…tôi và ngài đại sứ …”. Trước công luận, ông bộ trưởng – thật đáng tiếc – tỏ ra hơi bị coi là mất dạy. Cũng đúng vào ngày hôm nay 5-12, đại sứ Nguyễn Phú Bình ở Tokyo phát biểu đại thể : Nhật bản là nước giàu nhất ở châu Á, có nghĩa vụ (!) giúp đỡ các nước chậm phát triển như Việt nam. Cũng là một kiểu nhâng nháo vô duyên, không đúng lúc. Lẽ ra phải khiêm tốn, giữ im lặng , nếu không có gan tỏ lời công khai “đáng tiếc”. Yêu cầu được trợ giúp lớn, xử dụng trợ giúp mờ ám, khuất tất, lại còn vỗ ngực : anh có nghĩa vụ giúp tôi đấy nhé. Vừa vô duyên, lại vô lễ với người dân mình mắc ơn. Vẫn chưa hết. Cũng đúng chiều hôm nay, ở Sàigòn, ông phó chủ tịch thành phố Lê Thành Tài, người được giao trách nhiệm trực tiếp xử lý vụ PCI tuyên bố :” chúng tôi vẫn còn chờ bằng chứng(!), phía Nhật bản đến hôm nay vẫn chưa thông báo cho chúng tôi một bằng chứng nào cả ! “. Trời đất ơi ! Lời khai có tuyên thệ trước cơ quan điều tra, lời thú nhận trước Toà án Tokyô, trước cả Hội đồng xử án, về đưa tiền cho Huỳnh Ngọc Sỹ bao nhiêu lần, ở chỗ nào, ngày giờ nào, mỗi lần bao nhiêu, với mục đích gì, đối cung của 4 bị cáo khớp với nhau, mọi lời khai đều sớm chuyển cho phía Việt nam, đó không là bằng chứngbất động, rồi ăn nói dại dột, ngu ngơ như thế ! ư ! Ông Tài đã hỏi Huỳnh Ngọc Sỹ về chuyện này ra sao rồi? ông Sỹ khai sơ bộ ra sao? Bác bỏ hay thú nhận, hay không nói gì? các tài liệu, kế toán, thu chi về các dự án này đã được thu giữ chưa? những nhân viên kế toán, kế hoạch, ngân hàng liên quan đã được khai thác đến đâu rồi? Sao ông lại May mà vụ án lớn này không thể “khoanh” lại và ỉm đi vì dính đến Chính phủ Nhật, đến luật pháp và nền văn minh – văn hoá quốc tế. Thế nhưng nó vẫn chưa thức tỉnh nổi những quan chức cầm quyền, từ bộ chính trị, chính phủ, đến những viên chức then chốt ở bộ ngoại giao, bộ kế hoạch đầu tư, ủy ban phòng chống tham nhũng, ban thanh tra chính phủ, ban kiểm tra trung ương, viện kiểm sát và toà án nhân dân tối cao. Vụ PCI do đó sẽ còn kéo dài dai dẳng, gây nên những hậu quả tệ hại khôn lường. Nhiều nước khác, nhiều nhà đầu tư sẽ giảm chi viện, rút đầu tư, chờ đợi, chăm chú xem xét hành động của phía chính quyền Việt nam đã tỏ ra biết điều đến đâu, trưởng thành đến mức nào, hoà nhập thế giới văn minh đến mức nào. Họ chỉ đánh giá qua việc làm, không phải qua những lời hứa hão.Thái độ ù lỳ, kênh kiêu ngỗ ngược chỉ phơi bày sự kém cỏi, lạc hậu của một chế độ chính trị độc đoán khó chơi trước thế giới. Họ chỉ làm khổ dân, tự chuốc lấy sự oán hận, ghét bỏ và khinh thị của nhân dân khắp nơi. Paris 5-12-2008.

February 10, 2009

ODA

Filed under: Uncategorized — ktetaichinh @ 11:51 pm
Tags:

Hỗ trợ phát triển chính thức (hay ODA, viết tắt của cụm từ Official Development Assistance), là một hình thức đầu tư nước ngoài. Gọi là Hỗ trợ bởi vì các khoản đầu tư này thường là các khoản cho vay không lãi suất hoặc lãi suất thấp với thời gian vay dài. Đôi khi còn gọi là viện trợ. Gọi là Phát triển vì mục tiêu danh nghĩa của các khoản đầu tư này là phát triển kinh tế và nâng cao phúc lợi ở nước được đầu tư. Gọi là Chính thức, vì nó thường là cho Nhà nước vay.

Ưu điểm của ODA

  • Lãi suất thấp (dưới 2%, trung bình từ 0.25%năm)
  • Thời gian cho vay cũng như thời gian ân hạn dài (25-40 năm mới phải hoàn trả và thời gian ân hạn 8-10 năm)
  • Trong nguồn vốn ODA luôn có một phần viện trợ không hoàn lại, thấp nhất là 25% của tổng số vốn ODA.

Bất lợi khi nhận ODA

Các nước giàu khi viện trợ ODA đều gắn với những lợi ích và chiến lược như mở rộng thị trường, mở rộng hợp tác có lợi cho họ, đảm bảo mục tiêu về an ninh – quốc phòng hoặc theo đuổi mục tiêu chính trị… Vì vậy, họ đều có chính sách riêng hướng vào một số lĩnh vực mà họ quan tâm hay họ có lợi thế (những mục tiêu ưu tiên này thay đổi cùng với tình hình phát triển kinh tế – chính trị – xã hội trong nước, khu vực và trên thế giới).Ví dụ:

  • Về kinh tế, nước tiếp nhận ODA phải chấp nhận dỡ bỏ dần hàng rào thuế quan bảo hộ các ngành công nghiệp non trẻ và bảng thuế xuất nhập khẩu hàng hoá của nước tài trợ. Nước tiếp nhận ODA cũng được yêu cầu từng bước mở cửa thị trường bảo hộ cho những danh mục hàng hoá mới của nước tài trợ; yêu cầu có những ưu đãi đối với các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài như cho phép họ đầu tư vào những lĩnh vực hạn chế, có khả năng sinh lời cao
  • Nguồn vốn ODA từ các nước giàu cung cấp cho các nước nghèo cũng thường gắn với việc mua các sản phẩm từ các nước này mà không hoàn toàn phù hợp, thậm chí là không cần thiết đối với các nước nghèo. Ví như các dự án ODA trong lĩnh vực đào tạo, lập dự án và tư vấn kỹ thuật, phần trả cho các chuyên gia nước ngoài thường chiếm đến hơn 90% (bên nước tài trợ ODA thường yêu cầu trả lương cho các chuyên gia, cố vấn dự án của họ quá cao so với chi phí thực tế cần thuê chuyên gia như vậy trên thị trường lao động thế giới).
  • Nguồn vốn viện trợ ODA còn được gắn với các điều khoản mậu dịch đặc biệt nhập khẩu tối đa các sản phẩm của họ. Cụ thể là nước cấp ODA buộc nước tiếp nhận ODA phải chấp nhận một khoản ODA là hàng hoá, dịch vụ do họ sản xuất.
  • Nước tiếp nhận ODA tuy có toàn quyền quản lý sử dụng ODA nhưng thông thường, các danh mục dự án ODA cũng phải có sự thoả thuận, đồng ý của nước viện trợ, dù không trực tiếp điều hành dự án nhưng họ có thể tham gia gián tiếp dưới hình thức nhà thầu hoặc hỗ trợ chuyên gia.
  • Tác động của yếu tố tỷ giá hối đoái có thể làm cho giá trị vốn ODA phải hoàn lại tăng lên.

Ngoài ra, tình trạng thất thoát, lãng phí; xây dựng chiến lược, quy hoạch thu hút và sử dụng vốn ODA vào các lĩnh vực chưa hợp lý; trình độ quản lý thấp, thiếu kinh nghiệm trong quá trình tiếp nhận cũng như xử lý, điều hành dự án… khiến cho hiệu quả và chất lượng các công trình đầu tư bằng nguồn vốn này còn thấp… có thể đẩy nước tiếp nhận ODA vào tình trạng nợ nần.

Vụ PMU 18

(PMU viết tắt cho Project Management Unit, tiếng Anh của Ban Quản lý các dự án 18), là một vụ bê bối liên quan đến tham nhũng trong Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đầu năm 2006. Vụ này đã gây xôn xao dư luận tại Việt Nam cũng như các nước và tổ chức cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam [1], đã khiến Bộ trưởng Bộ GTVT Đào Đình Bình phải từ chức [2]Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Việt Tiến bị bắt giam

ông Bùi Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Ban Quản lý Các Dự án PMU-18 bị bắt giữ và cáo buộc đã cá độ bóng đá với số tiền trên 1,8 triệu đô la

Create a free website or blog at WordPress.com.