Ktetaichinh’s Blog

April 30, 2010

GS. Cao Huy Thuần: “Dân tộc không có sông Ngân”

Filed under: Uncategorized — ktetaichinh @ 12:57 am
Tags: ,

Đã gọi là dân tộc, sao còn phân biệt ngoài với trong? Sao còn chia năm xẻ bảy hạng người Việt này với hạng người Việt khác?…Hòa hợp dân tộc không phải là hòa giải giữa trong với ngoài. Đó là hòa hợp giữa dân với Đảng, giữa Đảng với dân. – GS. Cao Huy Thuần.

>> Ba mươi lăm năm Hòa hợp để Yêu thương

Thành phần thứ ba xứng đáng được lịch sử thắp cho nó một cây nhang

– Tuần Việt Nam: Thưa ông, mai là ngày 30 tháng 4, kỷ niệm ngày chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước, Tuần Việt Nam muốn chuyện trò với ông về chủ đề “hòa hợp dân tộc”. Trước 1975, ông được biết như là một người có tiếng nói đáng để ý trong khuynh hướng hòa giải hòa hợp dân tộc; ông có thể nói vài lời về khuynh hướng đó, về lịch sử sinh thành ra nó?

GS. Cao Huy Thuần: Trước 1975 hay sau 1975, lúc nào tôi cũng chỉ là một người theo đạo Phật, không đại diện cho ai và cũng không phải là thành phần của một khuynh hướng chính trị nào. Tôi chỉ nói lên những gì mà tôi nghĩ là đúng với đạo Phật, và nếu có ai muốn tìm hiểu về Phật giáo thì tôi có thể góp ý, thế thôi.

Nhưng, cụ thể hơn nữa, ông được biết đến, trước 1975, như là một tiếng nói đáng để ý trong “thành phần thứ ba”, thành phần chủ trương hòa hợp hòa giải.

Tôi chưa bao giờ tự nhận mình như thế, và nếu có ai nói về tôi như thế thì họ cứ nói và tôi cứ cười. Xin trả lời như vậy là đủ về cá nhân tôi.

GS. Cao Huy Thuần. Ảnh: Lan Đào

Còn về “thành phần thứ ba” và “hòa giải hòa hợp dân tộc”, tôi có thể trả lời như một người nghiên cứu. Đứng về mặt nghiên cứu, đây là đề tài rất lý thú cho bất cứ ai nghiên cứu về chiến tranh, chiến tranh Việt Nam cũng như mọi chiến tranh khác, bởi vì ở đâu có chiến tranh, hơn thế nữa, ở đâu có chính trị, ở đấy có thành phần thứ ba, dưới dạng này hoặc dạng khác.

Riêng về chiến tranh Việt Nam, các giới nghiên cứu quốc tế đang có khuynh hướng chú trọng đến những diễn tiến đưa đến thương thuyết để chấm dứt chiến tranh. Trong chiều hướng đó, một hội thảo quốc tế về hiệp định Paris 1973 đã được tổ chức tại Đại Học Paris I, vào tháng 5/2008, với sự tham gia tích cực của nhiều chuyên viên Việt Nam đến từ Hà Nội. Thành phần thứ ba là điểm độc đáo nhất, mới lạ nhất, đáng nói nhất, của hiệp định 1973. Nó đã chết non cùng với hiệp định này, nhưng không phải vì vậy mà nó mất cái bài vị của nó trên bàn thờ lịch sử.

– Đây là đề tài chưa được giới nghiên cứu trong nước thảo luận…

Thành phần thứ ba xứng đáng được lịch sử thắp cho nó một cây nhang, như ông Võ Văn Kiệt đã thắp trong một bài viết ở cuối đời. Ông cựu thủ tướng ấy là người đã có lòng thắp nhang cho một nấm mồ vô chủ. Không ai viết tên trên đài chiến sĩ vô danh, cho nên chủ nhân của nấm mồ vô chủ ấy có thể tự nhận mình như chiến sĩ vô danh của hòa giải hòa hợp dân tộc.

– Người chiến sĩ ấy vô danh nhưng có cha đẻ là hữu danh? Bởi vì cha đẻ là hiệp định 1973!

Hiệp định 1973 không phải là cha đẻ mà chỉ là người làm giấy khai sinh. Ai cũng biết, chiến tranh Việt Nam kéo dài cho đến Tết Mậu Thân 1968 thì nhà cầm quyền Mỹ vấp hai phản ứng quyết liệt: phản ứng chính trị đến từ nội bộ; phản ứng quân sự đến từ chiến trường. Đánh mà biết không thắng, tình hình đó tất phải đưa đến thương thuyết. Cái bánh không ăn hết được, tất phải bẻ hai.

Buổi sáng ngày 13/5/1968, cũng như bao nhiêu bạn bè người Pháp và người Việt, tôi đứng chờ hàng giờ trên đường phố dẫn đến hội trường Kléber, nơi bốn phái đoàn họp lần đầu để thương thuyết, và đã cảm động đến ứa nước mắt khi bốn chiếc xe với bốn lá cờ được hộ tống oai nghiêm đến phòng hội nghị. Bốn lá cờ: Mỹ, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Chính Phủ Cách Mạng Miền Nam, Việt Nam Cộng Hòa. Tôi ứa nước mắt vì nghĩ mình sắp được trở về quê hương thanh bình. Lầm to! Thương thuyết kéo dài 5 năm! Năm năm đằng đẵng! Nín thở cho đến 1973 hai lá phổi mới nhận lại không khí. Hiệp định Paris ngưng chiến tranh Việt Nam được bốn bên ký vào ngày 27/1 năm ấy. Chiều ngày 27, tôi lại ứa nước mắt lần nữa khi ngồi một mình trong công viên Montsouris nhìn mấy con vịt bơi trong hồ. Tôi thầm nói với vịt: từ giã mày nhé! Lại lầm to! Hiệp định bị chiến sự xé toạc! Vừa khai sinh đã chết yểu!

– Ai xé?

Chiến sự. Giá như những người cầm quyền Việt Nam Cộng Hòa hồi đó khôn ngoan, không chừng họ còn đất sống. Nhưng Việt Nam Cộng Hòa, từ ông Diệm đến ông Thiệu, chưa bao giờ được cai trị bởi những người khôn ngoan, chừng mực. Ông Diệm tham ăn tôn giáo. Ông Thiệu tham ăn hết cả cái bánh tuy hàm răng của Mỹ không còn. Nạn nhân của ông là tất cả những ai bị ông đẩy vào chiến tranh khi chiến tranh trong tay ông đã hết phù phép. Ông nhìn không xa hơn cái mũi. Và mũi ông là cái cò súng, tuy hết đạn viện trợ. Hiệp định Paris 1973 là cơ hội ngàn năm một thuở để ông Thiệu cứu ông và cứu dân tộc. Để ông cùng với dân tộc đi vào hòa bình khi chính ông đã bị Mỹ bỏ rơi. Nhưng ông ấy nghĩ: đi vào hòa bình là đi vào tử lộ. Ông sợ nhiều thứ mà sợ nhất là “thành phần thứ ba”!

Hiệp định 1973 nói rõ: chấm dứt chiến sự; người Mỹ rút lui; thành lập một hội đồng hòa giải hòa hợp dân tộc để người Việt giải quyết vấn đề của người Việt; hội đồng sẽ tổ chức bầu cử tự do ở miền Nam và gồm ba thành phần bình đẳng với nhau: chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, chính phủ cách mạng miền Nam, thành thần thứ ba. Thành phần thứ ba là ai? Chưa biết. Nhưng chưa biết mà ông Thiệu đã sợ. Ông sợ, vì ông chỉ có súng mà không có dân. Hết chiến tranh, hết súng. Hết ngoại thuộc. Hết chỗ dựa. Ông sống với ai, ai bầu cho ông? Trong chiến tranh, ông chọi một, mà đã chọi không nổi. Bây giờ mất súng mà còn phải chọi hai, sức đâu? Cho nên tay ông ký, vì bị Mỹ ép, mà bụng ông đã mở cờ xé chữ ký khi mực chưa khô.

Chẳng có ai là cha đẻ của thành phần thứ ba cả. Thành phần thứ ba không có cha. Họ chỉ có mẹ. Họ tuyên bố: mẹ của họ tên là Việt Nam. Cho nên tên của họ cũng là Việt Nam. Họ gọi mẹ thống thiết: Mẹ Việt Nam! Mẹ Việt Nam! Họ làm thơ tặng Mẹ. Họ hát tặng Mẹ. Họ vào tù vì Mẹ. Họ tuyệt thực. Họ ăn lựu đạn cay. Tất cả chỉ vì một bà mẹ mà họ thấy rách nát đạn bom. Muốn tìm họ ở đâu lúc đó không khó: chỉ cần nghe ở đâu có tiếng gọi mẹ. Tiếng ấy thốt ra từ 1964. Từ 1964.

Mẹ chẳng biết trong những đứa con bà
Đứa nào là quốc gia đứa nào là cộng sản
Mẹ chỉ biết những buổi chiều rất tím
Và máu thằng anh cũng đỏ như máu thằng em.

Có một nhận định khác, nói như thế này: khi ký hiệp định 1973, ông Thiệu nghĩ mình cũng có trong tay một “thành phần thứ ba” nào đó sẽ theo mình vì sợ cộng sản. Nhận định đó có cơ sở không?

Bất cứ người nghiên cứu nào về những “lực lượng ở giữa” trong bất cứ hoàn cảnh chính trị ở bất cứ nước nào đều biết rằng những lực lượng đó chỉ có thể đứng trên một trong hai vị thế sau: hoặc như một khối độc lập ở giữa, hoặc phân ra làm hai cánh, một cánh nghiêng theo phe tả, một cánh nghiêng theo phe hữu. Đại diện mô hình thứ nhất là chính trị nước Pháp sau Cách Mạng 1789. Phe cách mạng và phe phản cách mạng không ai hạ được ai lâu dài, cho nên, trừ vài khoảng thời gian rất ngắn, sức nặng chính trị quy vào những thành phần ở giữa. Đại diện mô hình thứ hai là chính trị nước Anh. Hai đảng, và chỉ hai đảng, hút vào hai cực như nam châm, các khuynh hướng ở giữa không có đất cắm dùi.

Tình hình năm 1973 ở miền Nam thiên về mô hình thứ hai tuy đồng minh của cánh hữu càng ngày càng mất nhuệ khí và mất dân. Dù vậy, ở giữa vẫn không phải là một khối đồng nhất, vẫn là hai nửa xa lạ nhau trên câu hỏi căn bản: Anh muốn chiến tranh hay anh muốn hòa bình? Anh muốn ngoại thuộc hay anh muốn tự trị? Mậu Thân đào thêm hố chia rẽ giữa hai nửa với nhau, anh bên phải cười anh bên trái là ngây thơ. Bởi vậy, giá như hiệp định 1973 được thi hành, vấn đề cử ai đại diện cho thành phần thứ ba vào Hội đồng hòa giải hòa hợp dân tộc đủ để gây bão táp phong ba mới. Bản thân tôi đã thấy trước gay cấn đó từ 1964 vì tai đã nghe:

Chính chúng ta phải có mọi quyền
Quyết chối từ chém giết anh em
Chính chúng ta phải nói Hòa Bình
Đứng lên đòi thống nhất anh em.

“Thành phần thứ ba ngây thơ” đã thai nghén từ dạo ấy, từ Huế, từ sinh viên của trường đại học trẻ trung ấy, từ tiếng thơ ấy, từ tiếng lòng trong trắng ấy, từ miệng của những đứa trẻ mồ côi ấy gọi mẹ. Bởi vậy, thành phần thứ ba vừa có vừa không. Có trong lương tâm của mọi người Việt Nam. Không, như một thực thể chính trị. Nói tôi là thành phần thứ ba, tôi cười, vì tôi vừa không vừa có.

Ông  không xem chính phủ Dương Văn Minh thành lập ở Sài Gòn vào những ngày tận cùng của chiến tranh là hiện thực chính trị, dù chớp nhoáng, của thành phần thứ ba?

Thành phần thứ ba chỉ hiện hữu khi nó là không. Biến không thành có vào lúc ấy là chuyện lấy mây vá trời.

Dân tộc là một, không có bên ngoài với bên trong!

– Trở về hiện tại, ông quan niệm thế nào về hòa hợp dân tộc hiện nay? Ông đánh giá thế nào về những cố gắng của Nhà nước để gây hòa hợp với người Việt ở nước ngoài? Mẹ Việt Nam giờ đây không còn rách nát nữa mà hùng dũng đứng lên với thế giới. Tiếng gọi bây giờ không phải là con gọi mẹ nữa mà là mẹ gọi con. Con có nghe mẹ gọi chăng?

Cả hai đang gọi nhau và cả hai cần thông cảm với nhau. Trong nhiều tích xưa, kẻ thắng thường kính trọng những kẻ bại trượng phu, và đã là trượng phu với nhau thì không có ai thắng ai bại trên lĩnh vực khí phách. Cũng trong tinh thần trượng phu ấy, kẻ thắng thường biết hạ mình. Hạ mình để được người. Đó là vương đạo. Hãy bằng vương đạo mà hòa hợp, mà nghe nhau. Và nghe với tình cảm, chứ không phải chỉ nghe vì lợi ích vật chất.

“Việt kiều” mua nhà được không, đó là lợi ích vật chất. Lợi ích đó cũng quan trọng lắm, nhưng đó vẫn chưa phải là hòa hợp dân tộc. Nhà nước đã làm được rất nhiều chuyện trên lĩnh vực lợi ích vật chất, nhưng tại sao tâm lý chung vẫn là, nói như thơ Xuân Diệu, “lại gần nữa thế vẫn còn xa lắm”? Tại vì vấn đề không phải là lợi ích vật chất, và càng đắn đo suy tính chi ly trên từng lợi ích như vậy năm này qua năm khác, càng chứng tỏ tình cảm mẹ con thiếu vắng đậm đà.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, phân biệt dân tộc ra kẻ ở bên trong với kẻ ở bên ngoài, kẻ nắm một hộ chiếu hay hai ba hộ chiếu, dần dần mất tính chính xác và tính chiến lược. Chưa kể mất luôn tình cảm. Ta thường hay chép miệng so sánh ta với người Hoa. Sao cộng đồng người ta như thế mà cộng đồng của mình như thế? So sánh sao được! Hồi Tưởng Giới Thạch “mất nước”, ông đâu có phi thân qua Mỹ? Người Hoa trên thế giới đâu có phải là sản phẩm xuất khẩu của đại thắng 1949?

Đừng nói tình tự dân tộc của người Việt thua người Hoa! Người Việt có những vấn đề mà người Hoa không có vì hoàn cảnh của họ không giống người Hoa! Người Hoa thuận lợi trong mối gắn bó của họ với đất mẹ vì họ cùng nhục cùng vinh với người cầm quyền trên đất ấy. Cái nhục mà họ đã nuốt là cái nhục mà Mao, mà Đặng đã cùng nuốt, cái nhục bị Tây phương xẻ thịt. Cái vinh mà họ hưởng là cái vinh mà Giang, mà Hồ đã mang lại cho họ, cái vinh của một nước bá vương.

Lịch sử sau lưng họ không phải là chiếc thuyền nan mà là tấm biển nơi công viên “cấm chó và người da vàng”. Lịch sử trước mắt họ không phải là dấu hỏi cô đơn trên trang giấy trắng mà là thảm đỏ mênh mông trải khắp địa cầu, trải đến đâu Vạn lý trường thành lan ra đến đấy. Họ không có vết thương rỉ máu nên không cần thở than với thuốc dán con rắn. Họ béo tốt, phương phi vì nhận được sâm nhung bổ thận cùng với thế vận hội, phi thuyền do thám cung trăng, thế giới chia hai với Mỹ. Hoàn cảnh họ khác ta, làm sao so sánh được! Cái gì mà mẹ con ta phải học được nơi họ là mối san sẻ cùng vinh cùng nhục với người cầm quyền. Vinh nhục của một dân tộc mới là chuyện đáng nói; mấy cái lợi ích vật chất bèo bọt kia thấm béo gì!

Lãnh đạo hợp lòng dân, ấy là hoà hợp!

Vậy hòa hợp dân tộc phải quan niệm một cách khác? Cách gì?

Dân tộc là một, không có bên ngoài với bên trong. Khi nghe tin ngư phủ của ta bị “tàu lạ” bắt giữ trong chính biên giới lãnh hải của ta, máu của bên trong có nóng hơn máu của bên ngoài chăng? Vinh nhục có khác nhau chăng? Có cần hòa giải hòa hợp để cùng chung phẫn uất chăng? Khi mới đây tỉnh Quảng Trị làm lễ cầu siêu cho binh sĩ tử trận trong những cuộc chiến kinh hoàng xóa nát cả thành phố, có bên nào, trong hay ngoài, đặt vấn đề chỉ tụng kinh gõ mõ cho quân phục này hay quân phục kia chăng? Có ai không thấy dân tộc hiện nguyên hình là một chăng? Đâu là trong đâu là ngoài khi chạm đến thiêng liêng? Ai dám nói Tổ Quốc không là thiêng liêng đối với đồng bào ta ở Mỹ?

– Để vấn đề được thông suốt, tôi xin đưa ra một giả dụ, tất nhiên chỉ là một giả dụ. Giả dụ Nhà nước ta tuyển mộ chí nguyện quân để bảo vệ chủ quyền của ta trên các hải đảo, và giả dụ các chiến sĩ cũ của Sài Gòn trước đây xung phong tòng quân: họ chấp nhận vui vẻ chiến đấu dưới lá cờ “mới”?

Để vấn đề được thông suốt, tôi cũng nới rộng chuyện thêm. Đây là chuyện của nước Pháp, một biến cố thú vị trong lịch sử Pháp. Năm 1870, Napoléon III thất trận ở Sedan, bị Đức cầm tù cùng với 83.000 tù binh. “Nàng ơi, quân ta thua, ta bị cầm tù”, vua đánh điện về cho hoàng hậu vỏn vẹn mấy chữ ngắn gọn như vậy. Và ngắn gọn, Quốc hội truất phế vua, chấm dứt Đế Chế, tái lập Cộng Hòa, bầu lên chính phủ lâm thời để tiếp tục chiến tranh.

Nhưng Pháp kiệt quệ quá rồi trước binh lực của Bismarck, cầm cự được ba tháng thì phải xin thương thuyết. Bismarck tuyên bố chỉ thương thuyết với một chính phủ thực sự đại diện thôi; yêu sách đó buộc Pháp phải bầu lại một Quốc hội mới. Quốc hội mới được bầu lên, phe quân chủ đa số. Từ ngoại quốc, công tước Chambord chuẩn bị về nước để lên ngôi. Nước Pháp lại sắp có tân vương, tái lập quân chủ. Nghi lễ đã trù liệu hẳn hoi, áo mão xe ngựa đã đâu vào đấy tề chỉnh. Bỗng, đến phút cuối, ngài công tước gửi một thông điệp đến Quốc hội đòi triệt hạ cờ tam tài, trương cờ trắng lên: cờ trắng là cờ của vua, cờ của ngài. Ngài viết: “Cờ ấy đã phất phới trên nôi của Ta, Ta muốn cũng cờ ấy che bóng cho Ta trên mồ”. Nghe vừa hào hùng, vừa lãng mạn. Nhưng ngay cả những dân biểu quân chủ chính thống nhất trong Quốc hội cũng lắc đầu trước thái độ hào hùng lỗi thời ấy.

Lá cờ tam tài của Cách Mạng 1789 đã trở thành chính đáng, đã nhuốm máu của dân quân hy sinh trên khắp chiến trường, đã trở thành lá cờ của dân tộc. Huống hồ, cờ trắng là cờ riêng của các vua ngày trước, chỉ chính thức là cờ của nước Pháp trong khoảng thời gian 15 năm, thời quân chủ phục hồi 1815-1830. Trước Cách mạng, nước Pháp không có cờ chính thức, cờ trắng chỉ là biểu hiệu của vua, vua đi đâu cờ trắng đi đầu. Công tước Chambord muốn cờ trắng bọc thây thì cũng chẳng sao, nhưng ông muốn cờ ấy cũng là linh hồn của nhân dân, của nước Pháp, thì chẳng mấy ai gật đầu với ông. Cho nên ông chẳng bao giờ làm vua. Ông mất ngôi vì một lá cờ. Cộng Hòa lại trở về với nước Pháp. Và cờ tam tài phất phới.

Tôi không có ý so sánh trường hợp của Chambord với trường hợp của một số cộng đồng của ta ở Mỹ. Chambord áp đặt cờ của vua trên cờ của dân tộc. Đồng bào ta ở Mỹ áp đặt gì ai? Họ chỉ gắn bó với một phần đời của họ. Và nếu phần đời ấy là riêng tư, ta nên tôn trọng như một thiêng liêng riêng tư và trao cho thời gian giải quyết vấn đề của thời gian. Tôi nêu trường hợp Chambord chỉ cốt để gợi lên cái ý cờ riêng và cờ chung. Trong những điều kiện tốt đẹp nào đó mà bà con ta cảm thấy nhận được từ phía Nhà nước, tôi nghĩ họ cũng sẽ có cách giữ được sự trung thành của họ trong tình cảm đối với một biểu tượng cũ riêng tư, và chấp nhận trên lý trí mảnh hồn chung của dân tộc phất phới vinh quang trên đất nước mà họ hãnh diện là thành phần. Vấn đề là hãnh diện chung, vinh quang chung. Có cái vinh ấy, cái tự hào ấy, cùng chia sẻ chung với người cầm quyền, chuyện gì cũng giải quyết được.

– Ông có nghĩ là Nhà nước cũng rất quan tâm về điều đó?

Có chứ! Tất nhiên là có! Ai cũng phải công nhận Nhà nước đã có thiện chí làm được nhiều chuyện, rất nhiều chuyện. Ai cũng thấy tận mắt mối quan hệ càng ngày càng tốt đẹp khi người Việt ở xa đặt chân lên quê hương. Bước qua hải quan năm 2010, tôi tưởng chân mình mang hài bảy dặm so với hải quan ngày trước. Bao nhiêu việc tôi có thể làm được ngày nay, khó tưởng tượng được ngày xưa. Chỉ những ai xấu lòng mới phủ nhận những thành tích to lớn đó. Nhưng điều mà tôi muốn nói không phải là những chuyện đó. Đó chưa phải là hòa hợp, lại càng chưa phải là hòa hợp dân tộc. Bởi vì đã gọi là dân tộc, sao còn phân biệt ngoài với trong? Sao còn chia năm xẻ bảy hạng người Việt này với hạng người Việt khác? Dân tộc không có sông Ngân. Người Hoa không có biên cương. Người Do Thái không có biên cương. Nếu có một bài học phải học nơi thành phần thứ ba ngày trước thì đó là hình ảnh bà mẹ không phân biệt con cái.

Từ sự không phân biệt đó, hãy suy nghĩ: điều gì đem lại hòa hợp ở bên trong, chắc chắn cũng đem lại hòa hợp với bên ngoài. Vậy, câu hỏi chỉ còn là: điều gì đem lại hòa hợp? Hỏi đứa con nào, trong hay ngoài, người mẹ cũng nghe một lời duy nhất: xây dựng một Nhà nước trong sạch, dân chủ. Mẹ mà làm được như vậy, con nào ở xa mà chẳng thấy Tổ Quốc của mình phất phới trên lá cờ chung? Khỏi cần chiêu dụ nhân tài: nhân tài sẽ quy về một mối. Khỏi cần kêu gọi đầu tư: tiền bạc sẽ đổ về một cõi. Máu chảy về tim: khỏi cần ve vuốt núm ruột ở xa. Quê hương nóng hổi ruột gan: khỏi cần thơ văn khế chua khế ngọt.

Từ lâu, ai cũng đều biết mối tình thắm thiết giữa Đảng và dân trong thời giành độc lập, trong thời chiến tranh. Cách mạng đã chiến thắng vì Đảng và dân hòa hợp. Đảng biết hòa hợp vì Đảng biết lãnh đạo. Chắc chắn Đảng cũng biết: lãnh đạo trong chiến tranh khác với lãnh đạo trong hòa bình, lãnh đạo trong xã hội nông nghiệp khác với lãnh đạo trong xã hội tri thức. Ta đã từng nghe nói nhiều từ lời của chính Đảng: phải nhận thức lại phương cách lãnh đạo, phải nhận định lại khái niệm lãnh đạo. Biết mới khó, làm không khó. Làm được thì hợp lòng người, hợp dân chủ. Hòa hợp dân tộc giản dị chỉ có vậy. Không có trong, không có ngoài. Không có người Việt ở gần, không có người Việt ở xa. Tổ tiên đã dạy chúng ta: trăm con cùng trong một trứng. Và nếu mẹ Tiên có dẫn 50 con lên núi, cha Rồng có dẫn 50 con xuống biển, ấy là để bảo vệ Lạng Sơn, ấy là để gìn giữ Biển Đông.

Tình tự dân tộc của người Việt không thua gì người Hoa. Ngày nay, nếu con cái bung ra ngoại quốc, cũng nên xem như cha Rồng dẫn đi để chinh phục toàn cầu hóa, đem lợi ích cho mẹ Tiên. Với tinh thần bảo bọc như thế, mọi vấn đề sẽ được giải quyết hợp tình, hợp máu mủ: nào quốc tịch, nào nhà cửa, nào hộ chiếu, nào quyền lợi, nào bổn phận. Giải quyết những vấn đề đó không phải là hòa giải hòa hợp. Đó là lãnh đạo. Lãnh đạo hợp lòng dân, ấy là hòa hợp. Hòa hợp dân tộc không phải là hòa giải giữa trong với ngoài. Đó là hòa hợp giữa dân với Đảng, giữa Đảng với dân.

– Cám ơn ông. Xin hỏi câu hỏi cuối cùng: ông có ý nghĩ gì đặc biệt về ngày hôm nay, 30 tháng 4?

Tôi nghĩ đến một bài thơ, bài “Après la bataille” của Victor Hugo. Tôi vừa dịch xong, xin tặng bạn đọc Tuần Việt Nam.

SAU TRẬN ĐÁNH

Chiến trường đầy xác chết
Khi trận đánh vừa xong
Cha tôi trên mình ngựa
Duyệt chiến trận một vòng.

Đêm xuống. Ai rên rỉ
Giữa bóng tối thê lương?
Viên sĩ quan hầu cận
Thưa: lính bại ven đường.

Máu thấm hoen cỏ dại
Tên lính chết nửa người
Hổn hển. Thở. Kêu cứu
“Nước! Nước! Nước! Người ơi!”

Sĩ quan! Đây bình rượu
Uống đi, kẻ thương binh!
Viên sĩ quan cúi xuống
Kề miệng dốc ngược bình.

Như chớp, người kia rút
Súng nổ đạn vèo bay
Mũ cha tôi rơi xuống
Ngựa cong vó vẫy tai.

Thản nhiên cha tôi nói :
“Cứ cho uống tràn đầy”.

April 29, 2010

Tại Sao Trái Cây VN Cạnh Tranh Yếu?

Filed under: Uncategorized — ktetaichinh @ 2:51 am
Tags:


Trong mục vào lúc 09:45 Được đăng bởi dunghangViet
Theo đánh giá của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tăng trưởng bình quân hàng năm của ngành rau quả đạt 20%, tuy nhiên mức tăng này chủ yếu do giá tăng, trong khi khối lượng gần như dậm chân tại chỗ.

Từ năm 2004 đến nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt 1,82 tỷ USD và có mặt tại 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó chủ yếu là Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hà Lan, Đài Loan, Đức Pháp, Anh, Thái Lan…

Trong năm 2009, xuất khẩu rau quả tiếp tục tăng so với năm trước và đạt kim ngạch 438 triệu USD, tuy nhiên theo nhận định của TS. Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam (Bộ NN&PTNT), cơ hội cho trái cây Việt Nam còn rất lớn, bởi nhu cầu tiêu thụ trái cây nhiệt đới trên thế giới còn rất lớn, đặc biệt là các loại đặc sản của Việt nam.

Vấn đề phân phối vẫn là diểm yếu nhất của ngành trái cây VN. Ảnh: C.H

Phải gắn kết các kênh phân phối

Theo ông Châu, mặc dù đang đứng trước cơ hội lớn, nhưng trái cây Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức rất lớn như sản xuất manh mún, chất lượng không đồng đều, chưa thế cơ giới hóa trong sản xuất, chưa có thưong hiệu lớn và đặc biệt là phải qua nhiều khâu trung gian mới tới được tay người tiêu dùng.

Ngoài ra, yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm của người tiêu dùng ngày một cao hơn, trong khi đó ý thức của người sản xuất lại chưa đầy đủ về vấn đề này. Điều này khiến trái cây Việt Nam luôn thua thiệt và bị các nước trong khu vực lấn át khi xuất khẩu, thậm chí thua ngay tại “sân nhà”, một thị trường với hơn 80 triệu dân.

Hiện Việt Nam có khả năng sản xuất được một số trái cây có trái quanh năm, như thanh long, bưởi cũng như những trái cây đặc sản nhiệt đới như xoài, nhãn, măng cụt, cam, chuối. Đó là lợi thế mà Việt Nam cần tận dụng. Hằng năm, Mỹ nhập khẩu hơn 10.000 tấn trái cây nhiệt đới các loại. Song, phía Mỹ lại đòi hỏi rất cao về khâu kiểm dịch thực vật, bắt buộc phải chiếu xạ cho tất trái cây nhiệt đới nên chi phí bỏ ra quá cao.

Chính vì thế, trái cây Việt Nam cần gắn kết với các kênh phân phối bán lẻ khu vực, địa phương và xem đó là một phương tiện để trái cây Việt Nam xâm nhập vào thị trường toàn cầu. Theo ông John Hey, Tổng biên tập tạp chí Trái cây châu Á, là một thành viên của Tổ chức thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam cần tận dụng phong trào công bằng mậu dich, liên kết với các nhà cung cấp tại các thị trường này để tận dụng hệ thống phân phối của họ để đưa trái cây Việt Nam đến tay người tiêu dùng nhanh nhất có thể.

“Các nhà xuất khẩu trái cây nên thông qua thương vụ Việt Nam tại các nước thuộc châu Âu, Mỹ để xây dựng được hệ thống vận chuyển trái cây hiệu quả và chủ động đến từng điểm bán lẻ”, ông John Hey gợi ý. Ngoài ra, ông John cho rằng, trái cây Việt Nam muốn chiến thắng với sự cạnh tranh với Thái Lan hay Trung Quốc tại thị trường châu Âu, và Mỹ thì phải cung cấp được số lượng trái cây lớn và liên tục.

Để trái cây VN vươn ra thế giới, cần có sự đồng lòng từ nông dân đến DN, nhà khoa học và Nhà nước. Ảnh: C.H

Liên kết 4 nhà còn lỏng lẻo

Ngoài việc sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng chưa bảo đảm yêu cầu, tư duy canh tác còn tùy tiện, làm theo phong trào, căn bệnh cố hữu khó chữa của nông dân Việt Nam là tự ý phá hợp đồng khi giá thị trường cao hơn giá ký kết khiến doanh nghiệp không mặn mà hợp lực tiêu thụ sản phẩm.

Trên thực tế, việc liên kết “bốn nhà” đã phần nào đem lại lợi ích cho nông dân và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trái cây nhưng hiệu quả và tính bền vững thấp. Theo TS. Võ Hùng Dũng, Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ, liên kết “bốn nhà” vướng mắc chủ yếu là giữa doanh nghiệp và nông dân.

Để giải quyết vấn đề lợi ích giữa các bên, Nhà nước phải đứng ra làm trọng tài thống nhất các mối liên kết. Theo ông Phạm Quang Đấu, Giám đốc Công ty Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp An Giang, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ kinh tế hợp tác gắn với phát triển vùng sản xuất, từ đó hình thành các vùng nguyên liệu lớn tập trung, thống nhất một quy trình sản xuất để tạo ra sản phẩm chất lượng, có chính sách cho các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này.

Ngoài ra, TS. Võ Mai cho biết thêm, chuyện liên kết bốn nhà trong nông nghiệp đã được đề cập từ rất lâu nhưng nói thì nhiều nhưng làm chẳng được bao nhiêu. Thậm chí, thực tế sản xuất và kinh doanh nông sản cho thấy, bốn nhà chẳng những ít liên kết mà còn làm khó nhau.

Bà Võ Mai cho rằng, lâu nay chúng ta muốn nông dân đầu tư vào sản xuất “sản phẩm nông nghiệp an toàn” thường hô hào rằng sản phẩm an toàn sẽ có giá cao hơn từ 10% đến 30% so với sản phẩm thông thường. Song, khi sản phẩm an toàn ra đời lại không có kênh phân phối chính thức nên rau ,củ, quả an toàn phải bán chung với những sản phẩm sản xuất theo truyền thống. Nhiều hợp tác xã sản xuất nông nghiệp an toàn thường giải thể sau khi những dự án hỗ trợ hết hiệu lực.

Theo ông Đấu, cho dù Nhà nước và nhà khoa học đã tạo cho doanh nghiệp và nông dân một chiếc thuyền (nhà nước giúp cơ chế, nhà khoa học giúp kỹ thuật) nhưng mối liên kết giữa doanh nghiệp và nhà nông còn nhiều bấp cập.

Kinh tế Việt Nam 35 năm nhìn lại: Bao cấp và khủng hoảng

Mặc Lâm, phóng viên RFA
2010-04-27

Nhân kỷ niệm 35 năm ngày thống nhất đất nước, Ban Việt Ngữ Đài RFA có loạt bài viết về nhiều đề tài, chúng tôi xin giới thiệu bài viết 35 năm nhìn lại kinh tế Việt Nam do Mặc Lâm thực hiện.

Photo courtesy of hoangsa.org

Một cửa hàng kiểu mẫu ở Hà Nội trong thời bao cấp.


Đây là bài đầu tiên trong một loạt ba bài tóm lược ba thời kỳ chính: Khủng hoảng, Đổi mới và cuối cùng là Phát triển.35 năm kế từ ngày chiến tranh kết thúc, nền kinh tế Việt Nam đã chuyển đổi từ kinh tế XHCN trở thành kinh tế thị trường với đầy đủ những thuộc tính mà một nền kinh tế cạnh tranh cần có. Trong nền kinh tế ấy, khi biến động cung cầu hay bất ổn tài chánh xảy ra thì vấn đề lạm phát xuất hiện là một điều tất yếu.

Thế nhưng với kinh tế vận hành theo cung cách XHCN thì hai chữ lạm phát không phải là mối lo của những người hướng dẫn và lèo lái nền kinh tế bao cấp ngay cả trong giai đoạn đất nước thống nhất, không còn mối lo về chiến tranh đi chăng nữa.

Nam Bắc sát nhập

35 năm qua nó có 10 năm duy ý chí, xây dựng XHCN và đưa đất nước đến khủng hoảng. Kế tiếp là 10 năm đi tìm lối thoát và còn lại 15 năm hội nhập.

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Năm 1975, khi miền Nam hoàn toàn sát nhập với miền Bắc, cả hai nền kinh tế hợp lại trong một hoàn cảnh khá đặc biệt. Lúc đó miền Bắc gần như kiệt quệ sau hàng chục năm chiến tranh. Gánh nặng của chế độ bao cấp miền Bắc mang vào cộng với nền kinh tế của Miền Nam lúc đó gần như quỵ hẳn sau khi bị hàng loạt biến động như đánh tư sản, giãn dân lên vùng kinh tế mới và phong trào vượt biên ngày một nhiều hơn đã khiến cho Việt Nam gần như suy sụp hoàn toàn.

Bà Phạm Chi Lan, nguyên tư vấn cho văn phòng Thủ tướng nhớ lại hoàn cảnh lúc bấy giờ:

Sau giải phóng 1975 phải nói là nền kinh tế Việt Nam hết sức khó khăn. Bởi vì lúc đó mình vừa ra khỏi cuộc chiến tranh, nền kinh tế bị kiệt quệ với rất nhiều cơ sở vật chất bị tàn phá. Từ đường xá giao thông đến các nhà máy xí nghiệp ở phía Bắc, rồi đồng ruộng phía Nam rất nhiều nơi không canh tác được. Bom đạn và cả chất độc háo học đã trút xuống rất nhiều trong cuộc chiên.

Tem lương thực trong thời bao cấp. Photo courtesy of  hoangsa.org
Tem lương thực trong thời bao cấp. Photo courtesy of hoangsa.org

Nền kinh tế Việt Nam vốn dựa vào nông nghiệo ngay bản thân nền nông nghiệp cũng bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh. Sau năm 75 thì cả hai miền tuy nhập lại cùng một nước nhưng hệ thống kinh tế thì khác nhau và những rối loạn ban đầu sau chiến tranh về mặt xã hội cũng ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế. Về mặt đối ngoại lúc bấy giờ sau năm 75 thì các nước phương Tây theo chính sách của Mỹ cấm vận Việt Nam cho nên rất dè dặt trong chuyện phát triển quan hệ với Việt Nam; Về cơ bản Việt Nam vẫn duy trì liên hệ với khối Liên Xô, với Đông Âu và một phần Trung Quốc và vì vậy cho nên nền kinh tế rất khó khăn.

Những năm sau còn khó khăn hơn bởi vì vài năm đầu sau 75 vẫn còn một chút những tiềm lực cũ của miền Nam còn đó nhưng sau này khi không còn những nguồn bổ trợ vào thì những tiềm lực đó giảm sút dần. Kinh tế miền Nam được hỗ trợ rất lớn từ Mỹ cũng như các nước phương Tây trước đây và vì vậy nền kinh tế chung của đất nước càng khó khăn hơn. Cộng thêm với hệ thống kinh tế theo hệ thống XHCN cũ từ miền Bắc đưa vào đã đẩy nền kinh tế rơi vào cuộc khủng hoảng rất nặng nề vào những năm 70 và đầu 80.

Lạm phát đến ba chữ số không làm cho chính quyền mới lo âu. Men chiến thắng gần như làm cho hầu hết cán bộ sống trong hào quang của kinh điển XHCN thỏa mãn hoàn toàn. Cảm giác khó khăn về kinh tế được khỏa lấp bởi những lý thuyết duy ý chí khiến đời sống người dân trở thành gần như tuyệt vọng. Lúc đó không ai trong chính quyền thừa nhận có lạm phát trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Cũng không ai dám đưa vấn đề ra để phân tích, bàn luận công khai. Người dân miền Nam không thể làm quen với chế độ tem phiếu nên ngay sau khi đợt đổi tiền lần thứ nhất xảy ra cả miền Nam sống trong tâm trạng ngột ngạt chưa từng có.

Đối phó với tình trạng này là một ý tưởng hết sức duy ý chí được đưa ra. Cụm từ Giá-Lương-Tiền hình thành từ đấy đã mau chóng thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam rơi sâu hơn nữa vào cơn khủng hoảng.

Ngăn sông cấm chợ

Hệ thống kinh tế theo hệ thống XHCN cũ từ miền Bắc đưa vào đã đẩy nền kinh tế rơi vào cuộc khủng hoảng rất nặng nề vào những năm 70 và đầu 80.

Bà Phạm Chi Lan

Nông dân có lẽ là thành phần chịu thiệt hại nặng nề nhất. Sản phẩm của họ sau một thời gian trầy trật làm ra không thể tiêu thụ một cách công bằng. Bất cứ nông phẩm nào cũng bị nhà nước thu mua và đồng tiền người nông dân cầm đuợc trong tay không hề tương xứng với mồ hôi công sức bỏ ra trên cánh đồng của họ. Là một nước nông nghiệp nhưng lại thiếu gạo ăn đến nỗi phải ăn độn bằng nhiều thứ thực phẩm mà trước đây miền Nam vẫn dùng cho gia súc. Đói kém hoành hành toàn xã hội đã khiến cơ thể kinh tế của Việt Nam vốn èo uột trong thời gian chiến tranh  lại càng khó chữa trị hơn trong thời gian hậu chiến.

Biện pháp ngăn sông cấm chợ được mang ra thi hành càng khiến đời sống thêm bội phần khó khăn. Hàng hóa không thể luân chuyển trên thị trường khiến cung và cầu không gặp nhau và từ đó viễn ảnh một sự sụp đổ kinh tế ló dạng trên nhiều mặt khiến nhà nước phải nhìn nhận cần phải đổi mới toàn diện mới mong tồn tại.

Bà Phạm Chi Lan thừa nhận:

Quầy phân phối thịt ở Hà Nội trong thời bao cấp. Photo courtesy of  hoangsa.org
Quầy phân phối thịt ở Hà Nội trong thời bao cấp. Photo courtesy of hoangsa.org

Xuất phát từ những động lực chính như nghèo đói khó khăn chồng chất ở các nơi làm cho những người điều hành ở các địa phương người ta cảm thấy bức xúc và tìm mọi cách để vượt qua khó khăn. Chắc mọi người còn nhờ câu chuyện của bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc……ngoài Vĩnh phúc ra ở một số nơi khác như Long an ở phía Nam. Và từ đó những sáng kiến đổi mới được ghi nhận khắp nơi và được báo cáo lên thí lãnh đạo nghiên cứu và nhân rộng ra trở thành mô hình đổi mới tại Việt Nam.

Sau đợt đổi tiền năm 1986, lạm phát thực sự trở thành nỗi ám ảnh của toàn xã hội. Đây không phảỉ là năm đầu tiên có lạm phát nhưng nó đã tồn tại và âm ỉ từ nhiều năm trước. Quan niệm sai lầm về đổi tiền đã làm cỗ xe kinh tế chệch bánh. Các nhà hoạch định kinh tế XHCN đã xem phương án đổi tiền như một vũ khí mạnh mẽ nhằm chống lại lạm phát và căn cứ trên lập luận rằng sức mua của đồng tiến mới sẽ bằng 10 lần sức mua của đồng tiền cũ khiến cho giá trị đồng bạc Việt Nam ngày càng tuột dốc thảm hại. Sau đổi tiền, lạm phát tăng đến mức không còn đếm được là bao nhiêu phần trăm cho chính xác. Chỉ số CPI lên tới 92% và nhanh chóng chiếm lĩnh con số 775% trong suốt hai năm sau đó.

Nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa nêu cảm tưởng của ông trong giai đoạn này như sau:

Nếu ghi nhớ về 35 năm của nền kinh tế Việt Nam thì mình có thể ghi nhớ trên hai trục thời gian và không gian. Nói về thời gian thì 35 năm qua nó có 10 năm duy ý chí, xây dựng XHCN và đưa đất nước đến khủng hoảng. Kế tiếp là 10 năm đi tìm lối thoát và còn lại 15 năm hội nhập vào luồng kinh tế thị trường của thế giới.

Quý vị vừa nghe chúng tôi khái quát lại một vài điểm then chốt trong thời gian 10 năm đầu sau chiến thắng giải phóng toàn bộ miền Nam cùng những hệ lụy mà một nền kinh tế XHCN gặp phải trong thời hậu chiến.

Trong bài kế chúng tôi sẽ nêu lên những điểm chính mà nhà nước đã cố gắng mang ra áp dụng nhằm vực nền kinh tế nước nhà sau hơn 10 năm khủng hoảng, trong đó có những đóng góp hết sức quan trọng của Nhóm Thứ Sáu, một nhóm trí thức miền Nam ở lại trong nước đã đưa ra đề nghị với Thủ Tướng Võ Văn Kiệt những dự án thực tiễn nhằm định hướng lại con tàu kinh tế đang trên đà tuột dốc, mời quý vị đón theo dõi.

April 28, 2010

Kiến thức cơ bản về CK và thị trường chứng khoán (Phần I)

Filed under: Uncategorized — ktetaichinh @ 5:16 pm
Tags:
Kiến thức cơ bản về CK và thị trường ck
Nhiều nhà đầu tư thường gọi thị trường UpCoM tại HNX là thị trường OTC. Ban biên tập cho tôi được biết nếu gọi như vậy có đúng không?
Sắp tới, HaSTC sẽ mở thị trường UPCoM vào tháng 6/2009. Vậy xin Ban biên tập cho tôi biết rõ hơn về thị trường UpCom?
Xin cho tôi biết, nên nhận cổ tức bằng tiền mặt hay bằng cổ phần. Loại cổ tức nào có lợi hơn đối với nhà đầu tư?
Bản chất của REIT
Phổ biến kiến thức về Giao dịch khớp lệnh liên tục
Tìm hiểu về Hệ thống đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán các giao dịch chứng khoán
Giới thiệu phương thức giao dịch báo giá tại Trung tâm GDCK Hà Nội
Giới thiệu Phương thức giao dịch thoả thuận tại TTGDCK Hà Nội
Quỹ đầu tư và Công ty quản lý quỹ trong chiến lược chuyển đổi các tổng công ty nhà nước theo mô hình tập đoàn kinh tế
Giá tham chiếu của cổ phiếu trong những ngày đặc biệt
Tìm hiểu về cơ chế giao dịch và lưu ký chứng khoán trên TTGDCK Hà Nội
Phương pháp tính chỉ số giá cổ phiếu
Giao dịch chứng khoán
Bản cáo bạch
Phát hành và niêm yết chứng khoán
Tổng quan về Thị trường Chứng khoán

TV 3D đổ bộ vào thị trường VN

Filed under: Uncategorized — ktetaichinh @ 5:21 am
Tags:

Các công ty lớn như Samsung, Sony bắt đầu giới thiệu sản phẩm hiển thị hình ảnh 3 chiều đầu tiên tại Hà Nội.

Tại Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza (Hà Nội), Samsung chính thức cho ra mắt mẫu TV 3D sử dụng bóng đèn LED với mức giá rẻ nhất là 37 triệu cho sản phẩm kích cỡ 40 inch.

Samsung trình diễn TV LED 3D tại Hà Nội.

Yêu cầu để có thể xem được đầy đủ hiệu ứng 3D là phải có nguồn phát nội dung 3D như đầu Blu-ray 3D hoặc kênh truyền hình 3D. Tuy nhiên, hiện tại chưa có kênh truyền hình nào ở VN cung cấp nội dung ba chiều, còn số lượng đầu Blu-ray 3D trên thế giới cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Mặc dù vậy, theo nhân viên của Samsung, toàn bộ TV 3D của hãng được trang bị công nghệ đặc biệt có khả năng chuyển đổi nội dung 2D thông thường như các chương trình của VTV hay VTC sang hình ảnh 3 chiều, không đẹp bằng nội dung 3D thật nhưng vẫn tạo được chiều sâu hình ảnh cho người xem.

Nguyễn Minh Hiển, một khách đến xem thử TV, cho biết anh thấy cũng có hiệu ứng 3D nhưng do màn hơi bé nên không có cảm giác như xem ở rạp: “Những phim tôi xem như Avatar, Alice in Wonderland nhìn nhiều thứ cứ như chuẩn bị bay vào mặt mình, còn ở đây chỉ thấy nó nổi hơn so vơi màn hình thường thôi”.

Samsung quảng cáo khi mua TV, người tiêu dùng được cung cấp kính phân cực với trọng lượng chỉ khoảng 30g. Một số khách hàng đã dùng thử cho rằng giá của TV 3D còn quá đắt và việc đeo kính khi xem thực sự không thoải mái.

TV 3D 55 inch của Sony có giá 100 triệu đồng.
TV 3D 55 inch của Sony có giá 100 triệu đồng.

Vài ngày gần đây, trước cửa siêu thị Topcare (Cầu Giấy), sự xuất hiện TV 3D Bravia LX900 của Sony thu hút nhiều sự chú ý của học sinh, sinh viên quanh khu vực này.

Nguyễn Mạnh Dũng, sinh viên năm thứ 3 đại học Thương Mại, chia sẻ cảm nhận lần đầu về hình ảnh ba chiều trên TV: “Kính hơi nặng và sau một lúc điều chỉnh góc cạnh mới thấy được đầy đủ hiệu ứng, nhưng khi đã cảm nhận được thì hình ảnh thật sự tuyệt vời, mọi thứ trong màn hình nổi hẳn lên trông thật sống động”.

Theo nhân viên của Sony thì phải đến cuối tháng 6, sản phẩm có cỡ 55 inch này mới chính thức được bày bán (đúng dịp World Cup 2010) với mức giá dự kiến khoảng 100 triệu đồng.

Panasonic cũng chuẩn bị đưa TV Plasma hỗ trợ 3D vào thị trường VN giữa năm nay nhưng theo một nhân viên hỗ trợ khách hàng của công ty này, sản phẩm đã có mặt ở các quốc gia khác, còn tại VN có lẽ phải đến cuối năm nay, TV 3D của Panasonic mới được bán.

Nếu người dùng ngại đeo kính 3D vì cho rằng thiết bị này gây cảm giác không thoải mái thì có thể đón chờ TV 3D 42 inch của TCL. Điểm đặc biệt của sản phẩm này là người xem có thể tận hưởng đầy đủ hiệu ứng 3 chiều mà không cần đeo thêm bất kỳ phụ kiện nào. Tuy nhiên giá của TV 3D không cần kính này được dự đoán lên đến 320 triệu đồng.

Ngân hàng Nhà nước đang phạm luật?

Nếu cho rằng, với sự ra đời của Thông tư số 12 của Ngân hàng Nhà nước, pháp luật đã dỡ bỏ chế độ trần lãi suất và thiết lập hoàn toàn cơ chế lãi suất thoả thuận đối với các tổ chức tín dụng là không đúng.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư số 12/2010/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 14/4/2010 để hướng dẫn các tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay theo lãi suất thoả thuận. Theo đó, các TCTD thực hiện cho vay theo lãi suất thoả thuận đối với “nhu cầu vốn của dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đầu tư phát triển và đời sống có hiệu quả“.

Những hệ lụy pháp lý

Theo Bộ luật dân sự năm 2005 và Nghị quyết 23 ngày 06/11/2008 của Quốc hội thì những khoản cho vay ngoài cho vay sản xuất kinh doanh có hiệu quả và việc huy động vốn của TCTD vẫn phải tuân thủ chế độ trần lãi suất qui định tại Điều 476 Bộ luật dân sự năm 2005.

Do vậy, việc NHNN chấm dứt hiệu lực thi hành của Quyết định số 16 và 33 năm 2008 của NHNN về cơ chế trần lãi suất không có nghĩa là qui định tại Điều 476 Bộ luật dân sự năm 2005 về trần lãi suất không còn hiệu lực thi hành đối với các TCTD.

Mặt khác, Thông tư số 12 qui định các TCTD được cho vay theo lãi suất thoả thuận đối với các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh “có hiệu quả“. Nói cách khác, đối với các dự án, phương án không “có hiệu quả” hoặc không tính được hiệu quả thì vẫn phải thực hiện chế độ trần lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, Thông tư số 12 chưa giải thích, hay nói cách khác, không hướng dẫn  tiêu chí cho việc đánh giá một dự án, phương án sản xuất-kinh doanh là có hay không có hiệu quả. Bởi vậy, dễ sinh ra tranh chấp hợp đồng tín dụng, dễ làm cho các TCTD phạm luật. Chẳng hạn, một dự án đầu tư  mang lại một tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu là 11,5 %/năm, lúc khác đã có thể được xem là “có hiệu quả“, nhưng lúc này thì chưa hẳn vì nếu không đầu tư mà đem tiền gửi vào ngân hàng cũng được một số lãi tương đương. Nên, nếu trừ chi phí cơ hội thì dự án  thành không có hiệu quả. Hoặc như khoản vay của các doanh nghiệp hiện tại đang làm ăn không có lợi nhuận, thua lỗ, …

Điều hết sức đáng lo ngại là Thông tư số 12 không tuân thủ Nghị quyết số 23 của Quốc hội khi Thông tư này qui định các TCTD được cho vay theo lãi suất thoả thuận đối với cả các nhu cầu vốn phục vụ đời sống. Các Nghị quyết của Chính phủ có liên quan  như Nghị quyết số 30 ngày 11/12/2008, Nghị quyết số 12 phiên họp Chính phủ thường ký tháng 2 năm 2009, Nghị quyết số 18 ngày 6/4/2010 đều chỉ đạo NHNN hướng dẫn các TCTD thực hiện cho vay theo cơ chế lãi suất thoả thuận đối với “dự án sản suất, kinh doanh có hiệu quả theo Nghị quyết của Quốc hội“, mà không có nghị quyết nào qui định NHNN cho phép các TCTD cho vay theo lãi suất thoả thuận đối với nhu cầu vốn phục vụ đời sống.

Và gần đây khi chủ trì buổi làm việc tại NHNN ngày 20/4/2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo “NHNN chú ý chỉ đạo, hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện cho vay theo cơ chế lãi suất thoả thuận đối với dự án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả theo Nghị quyết của Quốc hội“.

Giải pháp hợp thức để tranh chấp không phát sinh

Nhưng, điều nguy hiểm là TCTD phải đối mặt với rủi ro về hợp đồng tín dụng vô hiệu do vi phạm pháp luật về lãi suất cho vay một khi khách hàng khởi kiện. Và, khách  hàng có  thể  kiện  bất cứ lúc nào vì Bộ luật dân sự năm 2005 không hạn chế về thời hiệu khởi kiện đối với hợp đồng vi phạm pháp luật.

Điều này làm tăng khả năng mất an toàn hoạt động cho hệ thống các TCTD. Bởi vì, theo Luật ban hành văn bản qui phạm pháp luật (khoản 2 Điều 83) thì hướng dẫn  hay qui định của NHNN mà trái Nghị quyết của Quốc hội sẽ không có giá trị áp dụng.

Nếu cho rằng, thời điểm hiện nay là phù hợp để thực hiện cơ chế lãi suất thoả thuận, chỉ có một cách duy nhất cho NHNN thực hiện được điều này mà không vi phạm pháp luật là NHNN ấn định lãi suất cơ bản ở mức đủ lớn để khoản 1 Điều 476 Bộ luật dân sự năm 2005 không phát sinh tác dụng đối với các TCTD.

Chẳng hạn, NHNN chỉ cần ấn định lãi suất cơ bản mức 9%/năm trở lên và thực hiện các biện pháp hạ lãi suất mà NHNN lựa chọn thì sẽ không có trần lãi suất  trên thực tế đối với các TCTD.

Luật NHNN không qui định một sự ràng buộc nào về lượng giữa lãi suất cho vay của các TCTD với lãi suất cơ bản, và vì điều mà các TCTD thực sự quan tâm đó là lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu cũng như các điều kiện và mức độ NHNN thoả mãn nhu cầu của các TCTD về tín dụng từ NHNN.

Muốn cho trần lãi suất trở thành trần hình thức hay muốn dỡ bỏ chế độ trần lãi suất đối với các TCTD mà lãi suất cho vay của các TCTD không vượt mức mong muốn của NHNN thì vấn đề cốt lõi là NHNN phải thực hiện được cân bằng quan hệ cung cầu tín dụng ngân hàng tại mức lãi suất mong muốn của NHNN.

Để cân bằng cung cầu tín dụng ngân hàng, có nhiều cách. Trong đó có những cách mà NHNN đã công bố như tăng mức độ đáp ứng nhu cầu thanh khoản cho các TCTD, … nhưng một trong các cách mà NHNN cần hết sức quan tâm là kiểm soát tốt, có hiệu qủa đối với chất lượng tín dụng của các TCTD.

Khi những ràng buộc pháp lý còn hiệu lực thì NHNN cũng như các TCTD cần định lượng những tiêu chí trong quá trình thực hiện Thông tư số 12 của NHNN  để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Đường đi lắt léo của những chiếc xe nhập lậu

Filed under: Uncategorized — ktetaichinh @ 2:36 am
Tags:
17:27:00 27/04/2010
Những chiếc xe nhập lậu (phần lớn từ Campuchia) được mông má để bán cho người tiêu dùng theo 2 cách. Các đối tượng mua bộ hồ sơ gốc và những chiếc xe ôtô, xe máy đã cũ nát, thanh lý, sau đó cắt số khung dán vào xe nhập lậu, rồi sử dụng nguyên bộ hồ sơ gốc đó cho chiếc xe nhập lậu. Cách thứ hai, các đối tượng làm hẳn một bộ hồ sơ giả có số khung, số máy trùng với chiếc xe nhập lậu rồi bán cho người tiêu dùng.
>> Lexus nhập lậu bằng giấy tờ xe Ford

Trong thời gian qua, Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV Công an quận Đống Đa liên tiếp điều tra, xác minh và thu giữ được 3 chiếc xe ôtô không rõ nguồn gốc (nhập lậu) đang lưu hành trên đường phố Hà Nội. Đáng nói rằng, những chiếc xe trị giá hàng trăm triệu đồng ấy lại bị vá víu về hình thức và giả mạo về giấy tờ pháp lý. Cuối cùng, khi bị thu giữ, phần thiệt sẽ thuộc về người tiêu dùng…

Những chiếc xe không hợp pháp và 1001 lý do biện hộ

Chiếc xe thứ nhất mang nhãn hiệu Lexus, BKS 52P-7057 do ông Nguyễn Văn Châu, trú tại Ba Đình (Hà Nội) sử dụng. Xác minh tại Phòng CSGT Công an TP HCM, cơ quan Công an được biết, BKS trên là của một chiếc xe ôtô Ford màu đen, sản xuất năm 2001 của một người dân ở TP HCM (theo người này cho biết họ bị mất BKS, phải làm lại). Số khung, số máy của chiếc xe này trùng với đăng ký xe nhưng không hề có trong lưu trữ hệ thống máy tính của Phòng CSGT Công an TP HCM.

Đăng ký của xe này cũng được làm giả rất tinh vi, nhưng bị lộ chân tướng bởi thời gian cấp ghi trong đăng ký là tháng 8/2008, trong khi đồng chí Trưởng phòng CSGT ký tên trong đó lại nghỉ hưu từ cách đấy mấy tháng. Khi xác minh tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới TP HCM, cơ quan Công an cũng đã xác định sổ đăng kiểm của chiếc xe là giả.

Theo ông Châu trình bày thì chiếc xe trên là của ông Nguyễn Văn Hoàng, trú tại quận Bình Thạnh, TP HCM ủy quyền cho ông Châu sử dụng từ tháng 11/2008 vì ông Châu cho ông Hoàng vay số tiền 21.000 USD. Thế nhưng, khi Công an quận Đống Đa tiến hành điều tra thì phát hiện ông Hoàng đang bị Công an tỉnh Vĩnh Long bắt theo lệnh truy nã về tội đưa hối lộ từ ngày 1/8/2009.

Tại Trại giam Công an tỉnh Vĩnh Long, ông Hoàng phủ nhận mọi chuyện, cho rằng không quen biết ông Châu, cũng chẳng có chiếc xe Lexus nào cả. Còn vì sao đăng ký xe mang tên mình thì ông Hoàng khai cũng… chẳng biết, chỉ biết rằng mình bị mất CMND từ năm 2001 và hiện vẫn chưa làm lại.

Còn chiếc xe thứ 2 gắn logo của xe Lexus, nhưng thực chất là xe mang nhãn hiệu Landcruice, BKS màu xanh 31A-1547 được các trinh sát của Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV Công an quận Đống Đa phát hiện tại bãi trông giữ xe ở Hoàng Cầu. Chủ sở hữu xe là anh Nguyễn Anh Tuấn, trú tại Đông Các (Đống Đa). Kiểm tra thực tế chiếc xe ôtô trên, các trinh sát phát hiện chiếc xe có số máy không trùng khớp với đăng ký và sổ kiểm định do chủ xe xuất trình.

Xác minh tại Phòng CSGT Công an TP Hà Nội và Trung tâm Kiểm định xe cơ giới Hà Nội, cơ quan Công an xác định chiếc xe trên có các thông số không trùng so với hồ sơ gốc. Cụ thể, số khung, số máy theo đăng ký là sản xuất năm 1978, nhưng thực chất là của xe Landcruice sản xuất năm 1996. Chủ xe này khai nhận mua của một người không quen và đã mất toàn bộ giấy tờ liên quan đến việc mua bán xe (!).

Còn chiếc xe ôtô thứ 3 mang nhãn hiệu Toyota, BKS 31A-1723. Chiếc xe này thực tế cũng có số khung, số máy không trùng với số khung, số máy trong đăng ký. Chủ xe là ông Cù Quang Dũng, trú tại phường Kim Giang (Thanh Xuân) khai mua chiếc xe trên với giá 100 triệu đồng của một người quen tên là Phương, ở quận Tây Hồ. Cơ quan Công an đang tiếp tục điều tra.

3 chiếc xe bị thu giữ.

Ngoắt ngoéo đường đi của xe nhập lậu

Theo các điều tra viên, có thể đánh giá những chiếc xe như kiểu trên thuộc những đường dây nhập lậu xe ôtô, xe máy từ nước ngoài (phần lớn từ Campuchia) chuyển về. Sau đó, những chiếc xe này được mông má để bán cho người tiêu dùng theo 2 cách.

Cách thứ nhất, các đối tượng mua bộ hồ sơ gốc và những chiếc xe ôtô, xe máy đã cũ nát, thanh lý (giá rẻ), sau đó cắt số khung dán vào xe nhập lậu, rồi sử dụng nguyên bộ hồ sơ gốc đó cho chiếc xe nhập lậu. Trong trường hợp này vẫn phát hiện được sai sót do các đối tượng không thể làm được số máy trùng với hồ sơ gốc.

Cách thứ hai, các đối tượng làm hẳn một bộ hồ sơ giả (từ đăng ký đến sổ kiểm định giả) có số khung, số máy trùng với chiếc xe nhập lậu rồi bán cho người tiêu dùng.

Thực ra, khi bán những chiếc xe này, các đối tượng thường rao với giá rẻ hơn khá nhiều so với giá xe cùng loại hợp pháp trên thị trường. Chẳng hạn, xe máy Spacy chỉ có giá từ 40 đến 50 triệu đồng; xe ôtô Camry 2.4 khoảng 300 đến 400 triệu đồng… Chính vì thế, người tiêu dùng không nên ham rẻ mà mạo hiểm, mua những loại xe trên. Còn đối với những người không biết, vô tình thì phải cảnh giác, kiểm tra cẩn thận thực tế so với hồ sơ, giấy tờ (hoặc kiểm tra tại các cơ quan chức năng). Bởi nếu bị phát hiện sử dụng những chiếc xe trên, phần thiệt luôn thuộc về người mua. Trước hết, xe đó sẽ bị tạm giữ, rồi thu giữ.

Nếu cơ quan Công an phát hiện ai có ý thức chủ quan, biết là xe nhập lậu nhưng vẫn mua và sử dụng thì sẽ bị xử lý về hình sự. Lúc đó, thiệt thòi sẽ trăm đường. Hiện cơ quan Công an đang tiếp tục điều tra, làm rõ để tìm ra những đường dây nhập lậu xe từ nước ngoài về Việt Nam liên quan đến những chiếc xe bị thu giữ trên

Nước Mỹ và cuộc chiến trường kỳ chống bạc giả

Filed under: Uncategorized — ktetaichinh @ 2:22 am
Tags: , ,
Điểm lại cuộc chiến kiểu “mèo vờn chuột” giữa Washington và những kẻ in bạc giả
Tờ 100 USD mới được giới thiệu của Mỹ được xem là nỗ lực lớn nhất từ trước tới nay của Chính phủ nước này nhằm chống lại nạn tiền giả. Mới đây, trên tờ Wall Street Journal, giáo sư sử học Stephen Mihm thuộc Đại học Georgia (Mỹ) đã điểm lại cuộc chiến kiểu “mèo vờn chuột” giữa Washington và những kẻ in bạc giả.

Vào năm 1690, chính quyền thuộc địa tại vùng Massachusetts của Mỹ lần đầu tiên thực hiện việc in tiền giấy. Chẳng bao lâu sau đó, những đồng bạc giả đầu tiên cũng ra đời. Để chống lại loại hình tội phạm này, các nhà chức trách đã áp dụng nhiều hình phạt đáng sợ như xẻo tai, treo cổ… đối với những kẻ dám cả gan in giả tiền. Về sau, nhiều tờ tiền của chính quyền thuộc địa đã được in dòng chữ cảnh báo: “Làm giả tiền đáng tội chết”.

Trở lại thời hiện tại, mới đây, Chính phủ Mỹ đã chính thức giới thiệu tờ 100 USD mới với công nghệ tối tân với hy vọng sẽ khiến giới tội phạm bạc giả “bó tay”. Giống như tờ 100 USD, cũ, đồng tiền mới này vẫn mang hình Benjamin Franklin – một trong những “khai quốc công thần” của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, cũng được in bằng những màu sắc dịu mắt, và chứa hình ảnh của một cây bút và một lọ mực bên trong có quả chuông ẩn hiện tùy theo góc nhìn.

Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất của tờ 100 USD mới là một sợi đai an ninh màu tía chạy dọc tờ bạc, gồm hình ảnh xen kẽ của những cón số 100 và những quả chuông. Những con số và quả chuông này trông như có sự di chuyển khi đồng bạc được nghiêng từ góc này sang góc khác.

Với tổng mệnh giá trên 500 tỷ USD đang được lưu hành trên thế giới, tờ 100 USD cũ đã thu hút sự chú ý đặc biệt của các tổ chức in bạc giả mà phần lớn đều là những tổ chức tội phạm tinh vi có tổ chức cao. Thêm vào đó, có một số bằng chứng cho thấy có mối liên hệ giữa những tờ bạc giả “thật” nhất và nguy hiểm nhất với một số chính phủ nước ngoài. Chính những mối đe dọa này đã thúc đẩy Chính phủ Mỹ đi tới thiết kế một đồng 100 USD mới với công nghệ hiện đại.

Nhưng nếu lịch sử lặp lại, thì những nỗ lực này của Chính phủ Mỹ chắc cũng sẽ không vô hiệu hóa được giới tội phạm tiền giả quá lâu. Lĩnh vực tiền giấy của Mỹ từ lâu đã đi theo lối mòn: thiết kế mới, tiền mới, và rốt cục lại là tiền giả mới.

Việc sử dụng chân dung chính trị gia Benjamin Franklin trên tờ USD có mệnh giá lớn nhất đang được lưu hành là điều dễ hiểu. Franklin chính là người thiết kế đồng tiền đầu tiên của nước Mỹ – tờ Đô la Continental được phát hành thời Cách mạng Mỹ để trang trải cho các chi phí của cuộc chiến. Không đưa hình ảnh của mình hay bất kỳ ai vào tờ tiền này, Franklin đã sử dụng một cách thức chống bạc giả khá đặc biệt mà ông nghĩ ra từ nhiều năm trước đó.

Sử dụng hình của một hoặc vài chiếc lá, cách chống tiền giả này của Franklin mang hơi hướng thiên nhiên nhưng cũng rất hợp lý. Franklin đã phết thạch cao lên bề mặt của một chiếc lá để lấy hình in của chiếc lá đó, rồi đổ chì lỏng lên miếng thạch cao đó để đúc khuôn sử dụng cho việc in tiền. Vì mỗi chiếc lá đều có hình dạng khác nhau, tùy thuộc vào mạng lưới và độ dày gân lá, nên tờ bạc được in hình lá rất khó bị làm giả.

Những kẻ làm giả tờ 100 Đô la Continental do Franklin thiết kế không phải vì tiền, mà nhằm phá hoại cuộc chiến giành độc lập của nước Mỹ từ thực dân Anh. Vào năm 1776, sau khi quân Anh chiếm thành phố New York, giới kinh doanh bạc giả với các cửa hiệu sẵn có bắt đầu hoạt động dưới sự giảm sát của chính quyền thuộc địa. Một khối lượng khổng lồ bạc giả đã được in ra từ những cửa hiệu này. Khách hàng chỉ cần bỏ ra vài xu tiền thật là có thể mua được một lượng lớn tiền giả và dùng để trao đổi với những người cả tin thuộc “phe” cách mạng.

Thực ra, không phải người Anh đã phát minh ra ý tưởng dùng tiền giả như một một thứ vũ khí chiến tranh, mà đây là một chiến thuật có từ thời cổ đại. Tuy nhiên, những nhà cách mạng Mỹ khi đó đã xem đây là một chiến thuật tột cùng của sự “tiểu nhân”. Trao đổi trong thư từ bí mật, George Washington đã giận dữ khi nói rằng “kẻ thù chẳng từ một thủ đoạn nào để tấn công chúng ta”.

Một nhà cách mạng khác là Thomas Paine thậm chí còn giận dữ hơn khi viết một lá thư ngỏ gửi tới chỉ huy quân Anh, trong đó dùng những lời lẽ chỉ trích thậm tệ hành vi làm giả đồng Đô la Continential. “Ngài đã vinh hạnh bổ sung một trò ma quỷ nữa vào sách vở quân sự. Và có lẽ, phát minh này xứng đáng với ngài là bởi vì, không một vị tướng nào đủ ti tiện đến mức nghĩ đến nó”, Paine viết.

Chất lượng của những tờ bạc giả mà người Anh in ra đã bào mòn mức độ tin cậy vào đồng Đô la Continental, nhưng chính việc các nhà cách mạng Hoa Kỳ ồ ạt in tiền để trang trải chi phí chiến tranh mới là lý do thực sự khiến đồng tiền này suy yếu. Không được đảm bảo bằng bất kỳ thứ gì ngoài niềm tin mong manh vào chính quyền cách mạng, đồng tiền này mất giá mạnh tới mức trở nên gần như vô giá trị. Sự mất giá này đã khiến người Mỹ xem tiền giấy, gồm cả tiền thật lẫn tiền giả, là một nỗi sợ hãi.

Hiến pháp Mỹ đã ra đời để trấn áp những nỗi sợ như vậy. Các điều khoản về đồng tiền trong Hiến pháp không cho phép các tiểu bang phát hành tiền giấy hoặc tiền xu, mặc dù cho phép Chính phủ Liên bang đúc tiền. Bản Hiến pháp tuyệt nhiên không đề cập tới vấn đề liệu Chính phủ Liên bang có được in tiền giấy hay không, nhưng phần lớn mọi người đều cho rằng Chính phủ không có quyền này.

Tuy nhiên, nhờ các ngân hàng tư nhân chịu sự kiểm soát của pháp luật tiểu bang, tiền giấy đã phát triển như nấm mọc sau mưa ở Mỹ thời kỳ đó. Các ngân hàng này bắt đầu phát hành tiền giấy của riêng họ với mệnh giá và thiết kế do họ tự quyết định. Hàng ngàn loại “giấy tờ nhà băng” trôi nổi trong lưu thông, chẳng loại nào có thiết kế giống loại nào.

Benjamin Franklin và các nhà lập quốc khác của Mỹ xuất hiện trên một số tờ bạc, trong khi những tờ bạc khác có in đủ thứ hình, từ chân dung không rõ ràng của các chính trị gia, các vị thần Hy lạp và La Mã, hình phụ nữ, nô lệ người da đỏ, và những hình ảnh về cuộc sống thường nhật. Ngay cả những hình ảnh “lạ” hơn như hình ông già Noel, rắn biển, gấu Bắc Cực… cũng được in lên tiền.

Với thiết kế quá đa dạng như vậy của tiền giấy ở nước Mỹ thời đầu thế kỷ 19, việc ghi nhớ tiền thật trông hình thù ra sao gần như là điều không thể, lại càng bất khả thi hơn đối với tiền giả. Bởi vậy, thời đó đã đi vào lịch sử với tư cách “kỷ nguyên vàng của nạn in giả tiền”. Trong những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ, lượng tiền giả với mệnh giá nhiều triệu Đô la đã tung hoành trong nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, khác với thực dân Anh thời trước, các băng đảng làm tiền giả in tiền với mục đích đơn giản là… kiếm tiền, chứ chẳng phải để phá hoại đất nước.

Một vài trong số những tay tội phạm sừng sỏ này thậm chí đã trở thành “người hùng” trong dân gian. Với sự yếu kém của lực lượng cảnh sát, đội ngũ sản xuất tiền giả nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Chính phủ Liên bang Mỹ khi đó chẳng mấy quan tâm tới việc trừng trị những kẻ làm bạc giả, mà thậm chí cũng chẳng có nguồn lực để làm việc này. Vào năm 1818, một tờ báo đã lên tiếng phàn nàn: “Giới in tiền giả và tiền giả đã phổ biến tới mức, sự giả mạo dường như không còn được xem là phạm tội trong suy nghĩ của nhiều người”.

Nhưng các nhà băng đã không chịu khoanh tay đứng nhìn tiền họ của bị in giả. Họ thách thức các băng đảng làm giả tiền bằng những tờ bạc có thiết kế phức tạp hơn, với những đặc điểm chống làm giả đã được áp dụng cho tới tận ngày nay như mực in đặc biệt, hình in chìm, và công thức làm giấy in tiền riêng biệt. Thợ đúc khuôn in tiền còn nỗ lực tạo ra những thiết kế tinh vi hơn để đánh đố khả năng bắt chước của tội phạm tiền giả. Tuy nhiên, các băng nhóm tiền giả vẫn lần lượt đánh bật mọi rào cản công nghệ này.

Trên thực tế, công nghệ luôn có tác dụng hai mặt. Tương tự như công nghệ kỹ thuật số của thế kỷ 21, việc phát minh ra công nghệ ảnh đã mở ra một “chân trời mới” cho bọn tội phạm bạc giả. Trước thập niên 1950, hầu hết tiền giấy do các ngân hàng phát hành đều chỉ có màu đen trắng. Tuy nhiên, sự phổ biến của tiền giả in bằng công nghệ làm ảnh đã thúc đẩy người ta tạo ra những loại mực in màu mới, bao gồm loại mực in màu xanh bằng chất chrome trioxide ra đời vào năm 1857. Những kẻ làm giả tiền không thể dùng công nghệ ảnh đen trắng vào thời đó để bắt chước những đường nét mảnh in bằng loại mực xanh này.

Sau đó 4 năm, cuộc nội chiến ở Mỹ bùng nổ. Do “kẹt” tiền, phe miền Bắc trong cuộc nội chiến này đã bỏ qua quy định cấm in tiền giấy của Hiến pháp, khi phát hành một đồng tiền toàn quốc, sử dụng màu xanh nói trên. Đồng tiền mới được biết đến với cách gọi là đồng bạc xanh (greenback). Chẳng mấy chốc, đồng tiền này đã được lưu hành song song cùng một loại tiền toàn quốc khác cũng được in bằng màu xanh tương tự – “tiền ngân hàng quốc gia” do các ngân hàng được hưởng đặc quyền liên bang và có quyền phát hành tiền do Chính phủ Liên bang thiết kế và kiểm soát.

Phe miền Nam cũng không chịu kém cạnh và phát hành một đồng tiền giấy khác của riêng họ. Nhưng do thiếu thợ đúc khuôn giỏi và các đầu vào cần thiết khác, “đồng bạc xám” do phe miền Nam làm ra trông rất kém hấp dẫn và đã đi theo số phận của tờ Đô la Continental: mất dần giá trị trong tiến trình của cuộc nội chiến. Các tổ chức làm tiền giả bình thường nhận thấy “đồng bạc xám” chẳng đáng để làm giả, nhưng phe miền Bắc đã cho in một khối lượng khổng lồ tiền giả loại này để “chơi xấu” đối phương. Nhiều đồng bạc giả do phe miền Bắc in ra thậm chí trông còn đẹp hơn tiền thật của phe miền Nam.

Cuộc nội chiến Mỹ đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử tiền tệ của nước Mỹ, và cả lịch sử của lĩnh vực tiền giả. Những hệ thống trước đó của các đồng tiền tư nhân, địa phương đã không còn, thay vào đó là một hệ thống tiền giấy cấp quốc gia. Nội dung in trên đồng tiền cũng trở nên nghiêm túc hơn, trong đó hình ảnh của các quan chức chính phủ không còn được in theo lối biếm họa. Tới những năm cuối của cuộc nội chiến, một số tờ bạc mới đã được in những khối chữ mang nội dung về hình phạt của pháp luật đối với những kẻ làm giả tiền, như phạt tù 15 năm và lao động khổ sai, nộp 1.000 Đô la tiền phạt, hoặc cả hai hình phạt này.

Tuy nhiên, những lời răn đe này cũng chẳng có nghĩa lý gì nếu như không có một chiến dịch đồng bộ để truy quét các băng đảng tiền giả. Nhiệm vụ này được giao cho một lực lượng cảnh sát mới thành lập mang tên Mật vụ. Từ lâu trước khi được giao nhiệm vụ bảo vệ tổng thống Mỹ, Mật vụ đã ghi tên vào lịch sử nước này với chiến công trấn áp hoạt động sản xuất và lưu thông bạc giả. Bắt đầu sau cuộc nội chiến không lâu, chiến dịch chống tiền giả của nước Mỹ tới thập niên 1890 cơ bản đã hoàn thành.

Báo chí thời đó đã thi nhau tung hô lực lượng Mật vụ và chiến dịch này. Vào năm 1901, một tờ báo đã dùng hết mọi lời lẽ tốt đẹp nhất để mô tả “một đơn vị lặng lẽ và không ngủ của Chính phủ, một lực lượng chẳng bao giờ xuất hiện trước công chúng trừ phi người dân gặp nạn, và chẳng bao giờ bỏ qua một hành vi phạm tội hay một tên tội phạm nào”.

Tới đầu thế kỷ 20, đồng bạc xanh đã tương đối an toàn trước nạn làm giả. Thiết kế của đồng tiền này cũng đã trở nên nhất quán và đơn giản hơn, nhất là sau sự ra đời của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào năm 1913. Hình của Benjamin Franklin bắt đầu được in lên tờ 100 USD và đồng tiền toàn quốc này ngày càng trở nên quan trọng, cuối cùng đã thay thế cho đồng Bảng Anh ở vị trí đồng tiền số 1 của thế giới. Tuy nhiên, sự nổi lên của USD đã kéo theo sự thèm muốn của các tổ chức in tiền giả, trong đó thậm chí có cả một số chính phủ nước ngoài thiếu ngoại tệ mạnh.

Trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới 2, nước Đức quốc xã đã tổ chức hẳn một đội thợ in đúc tiền ở trại tập trung Sachsenhausen để làm giả tiền Bảng Anh và USD. Tuy nhiên, tiền Bảng Anh giả không được lưu hành rộng rãi và cũng không gây nhiều thiệt hại cho nước Anh, còn dự án làm giả USD đã tan tành mây khói trong những tháng cuối của cuộc chiến.

Hầu như không có đồng tiền giả USD nào thành công đủ tới mức được lưu hành rộng rãi trong thời gian hậu Chiến tranh Thế giới, và trong suốt nhiều thập niên, hình thức của tờ 100 USD gần như không có gì thay đổi. Tuy nhiên, vào cuối những năm 1980, loại tiền USD siêu giả đã xuất hiện với các mệnh giá 100 USD và 50 USD, thúc đẩy các nhà chức trách Mỹ tiến hành cuộc đại cải tổ tiền giấy đầu tiên sau nhiều thập kỷ.

Thay đổi lớn đầu tiên là việc giới thiệu đồng 100 USD mới vào năm 1996, với thiết kế chân dung Benjamin Franklin cỡ lớn thành chuẩn, cùng với hình in chìm và mực chuyển màu. Tuy nhiên, tờ 100 USD mà Chính phủ Mỹ vừa giới thiệu mới tạo ra một sự khác biệt thực sự.

Ở chính giữa của tờ tiền mới này là một sợi đai an ninh màu tía chạy từ đầu tới cuối đồng bạc. Sợ đai này được bao phủ bởi hàng ngàn thấu kính siêu nhỏ mang hình các con số 100 và các quả chuông nhỏ xen kẽ nhau. Nhờ công nghệ quang học tinh vi, những thấu kính này kết hợp với nhau tạo thành hình những con số và quả chuông có kích thước lớn hơn. Khi tờ bạc được di chuyển theo các góc khác nhau, hình ảnh trên sợi đai an ninh này cũng như di chuyển theo.

Crane, công ty sở hữu quyền sáng chế công nghệ được gọi là công nghệ động này, cho biết, “đây là công nghệ đại diện cho thế hệ công nghệ chống tiền giả mới”. Không giống như những công nghệ chống làm giả tiền thế hệ đầu tiên như mực in đổi màu, công nghệ động cho phép nhận diện tiền thật hay giả ngay cả trong môi trường ánh sáng yếu.

Đồng 100 USD mới được nhận định là một tác phẩm công nghệ tuyệt vời. Tuy nhiên, nếu nhìn vào tất cả các công nghệ chống làm giả trên đồng tiền này – gồm sợi đai an ninh, hình in chìm, một sợi chỉ an ninh khác, công nghệ in siêu nhỏ, con số 100 có thể chuyển màu, và quả chuông bên trong lọ mực – có thể thấy tờ 100 USD mới cũng giống như cánh cửa một căn hộ được trang bị với vô số ổ khóa và then cài. Nghe qua thì có vẻ an toàn, nhưng mật độ dày đặc các thiết bị chống làm giả lại cho thấy, giới tội phạm tiền giả đã quá thành công trong việc phá vỡ những rào cản an ninh trước đó.

Công ty Crane hứa hẹn rằng, công nghệ động sẽ tạo ra “những chướng ngại vật vĩ đại đối với các đồng bạc giả chất lượng cao”. Có lẽ vậy, nhưng chắc chắn là ở một góc nào đó trên thế giới, những kẻ làm bạc giả đang nghiền ngẫm tờ 100 USD mới để tìm cách phá vỡ các hàng rào an ninh của đồng tiền mới.

Và có vẻ như một ngày nào đó, những tên tội phạm này sẽ lại thành công.

Cần nâng cao chất lượng kiểm toán

Filed under: Uncategorized — ktetaichinh @ 1:55 am
Tags:

– Thực tế, ngay cả trên thị trường chứng khoán, thì kết quả báo cáo tài chính có kiểm toán cũng còn hạn chế ?

Năm 2010 các DN mới công bố đầy đủ hơn bằng việc công bố báo cáo kiểm toán. Còn năm ngoái các DN chủ yếu công bố báo cáo tài chính tóm tắt, thậm chí còn không công bố ý kiến của kiểm toán viên.

– Tuy nhiên, nhiều người chưa thực sự tin tưởng vào các kết quả kiểm toán, mà vụ bê bối kiểm toán tại CTCP Bông Bạch Tuyết (BBT) là một điển hình ?

Tất nhiên, độ tin tưởng của xã hội, công chúng đối với bản báo cáo tài chính còn phụ thuộc rất nhiều vào độ uy tín, danh tiếng của các kiểm toán viên cũng như cty kiểm toán – phụ thuộc vào chuẩn mực nghề nghiệp, nguyên tắc hoạt động, quy chế ràng buộc của các kiểm toán viên – độc lập nhất, trung thực nhất, minh bạch nhất.

Nhưng phải hiểu kết quả kiểm toán có hai phần, một là công khai báo cáo kiểm toán, với các điểm lưu ý, ngoại trừ của kiểm toán viên. Còn phần chính là thư quản lý – là sản phẩm của kiểm toán chỉ phục vụ cho nội bộ của DN. kiểm toán viên đưa ra những vấn đề sai, cần xử lý, những đề xuất chi tiết cụ thể, dài ngắn hay không phụ thuộc vào tình hình tài chính của DN. Phần này chỉ dùng cho nội bội DN chứ ít khi công bố ra ngoài. Xã hội ít biết chuyện đó vì kiểm toán cũng là một phần yêu cầu của DN, kiểm toán để biết sai trong nội bộ mình, nên nhiều người chưa thấy hết được tác dụng của kiểm toán.

– Kiểm toán cũng là một yêu cầu của DN, tuy nhiên, không ai muốn “vạch áo cho người xem lưng”. ông có cho rằng đây là một trong những yếu tố gây nên hiện tượng “dàn xếp” kết quả kiểm toán, bưng bít thông tin ?

Về chất lượng dịch vụ Cty kiểm toán cung cấp nói chung ngày càng được nâng cao, do bản thân hệ thống văn bản pháp luật của chúng ta ngày càng được hoàn thiện đầy đủ và phổ cập đến người dân. Ngoài ra sự đòi hỏi của xã hội đã cao hơn hẳn so với trước, bên cạnh vai trò quản lý của cơ quan quản lý nhà nước. Nhờ sự kiểm tra, giám sát, kiểm soát nên chất lượng các thông tin cũng được nâng lên rất nhiều. Tuy nhiên, sai sót, gian lận là điều không thể tránh dược, vì tất cả con số đều do con người. Tuỳ hoàn cảnh khác nhau người ta có thể gây ra những sai phạm. Nhưng theo tôi, nhìn chung so với trước đây mức độ trung thực của kiểm toán đã được nâng cao.

– Hiện 4 cty kiểm toán hàng đầu thế giới đều có mặt tại VN. Các Cty kiểm toán của VN liệu có đủ tự tin để cạnh tranh với 4 “ông lớn” này, thưa ông ?

4 Cty kiểm toán lớn chắc chắn uy tín rồi, nhưng 15 Cty lớn của VN có khoảng 100 – 150 người trở lên, thậm chí 300 người, có thể nói cũng rất chuyên nghiệp. Đặc biệt, trước sự cạnh tranh, các DN càng phải nâng tầm của mình. Đối với những Cty nhỏ hơn, nhiều Cty chưa đáp ứng yêu cầu. ngay trong cty cũng có những báo cáo chất lượng chưa tốt. Nhưng như tôi đã nói, chất lượng đều được nâng cao hơn rất nhiều so với trước.

– Vậy theo ông, số lượng DN kiểm toán phải nâng lên bao nhiêu mới đủ đáp ứng nhu cầu ?

Hội Kiểm toán viên hành nghề VN (Vacpa) thành lập theo Quyết định số 15/2005/QĐ-BNV ngày 19/1/2005 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Vacpa được xây dựng theo mô hình tổ chức của hội nghề nghiệp chuyên nghiệp, độc lập theo kinh nghiệm từ các hội nghề nghiệp quốc tế có uy tín trên thế giới.

Dự kiến năm 2020 chúng ta cần 7.000 kiểm toán viên. như vậy, mỗi năm cần từ 7.000 – 8.000 kiểm toán viên. Đạt được con số này rất khó bởi vấn đề thi kiểm toán viên chưa hoàn thiện, tổ chức thi chưa được nhiều. Hiện nay chúng ta mới tổ chức thi được 1 – 2 đợt, mỗi đợt khoảng 200 – 300 người. Những người thi phải tốt nghiệp đại học và có kinh nghiệm 4 – 5 năm, được thi trong 3 năm, thường thì 2 năm mới đạt, còn thi một năm được luôn chỉ có trên dưới 10 người. Tôi phải nói thêm rằng, thi kiểm toán viên rất khó vì đòi hỏi trình độ, kinh nghiệm và kiến thức sâu rộng, đa ngành.

– Vậy Hội Kiểm toán viên hành nghề VN đã thể hiện vai trò và đóng góp như thế nào trong sự phát triển của kiểm toán VN nói chung, cũng như vớ các hội viên nói riêng ?

Hiện Vacpa đào tạo kiểm toán viên ngành nghề một năm 5 – 6 trăm người, chiếm từ 1/2 – 2/3 số lượng đào tạo kiểm toán viên cả nước. Hiện Vacpa cùng Bộ tài chính đang trong giai đoạn nước rút hoàn thiện Dự thảo Luật kiểm toán độc lập để trình Chính phủ. Theo kế hoạch, dự thảo luật này sẽ được trình Quốc hội thảo luận lần đầu, tháng 5/2011 thông qua và có hiệu lực vào 1/1/2012. Vacpa hiện cũng đã cung ứng các dịch vụ tư vấn đặc biệt có giá trị kinh tế cao cho các hội viên thông qua việc học tập kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động của Hội kế toán công chứng Anh Quốc (ACCA), Hội Kế toán công chứng Australia (CPA Australia)… ngay từ khi thành lập, Vacpa đã xây dựng theo mô hình tổ chức tập trung từ trung ương trực tiếp đến hội viên theo tôn chỉ: độc lập, tự quản, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đảm bảo sự khách quan do chính các Cty kiểm toán và kế toán thành viên, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, kiểm soát chất lượng dịch vụ của hội viên. Bên cạnh đó, Vacpa cũng xử lý sai phạm về đạo đức nghề nghiệp, đồng thời xây dựng chuẩn mực kế toán kiểm toán để trình cơ quan quản lý nhà nước công bố.

10 CÔNG TY KIỂM TOÁN LỚN NHẤT VIỆT NAM?

Filed under: Uncategorized — ktetaichinh @ 1:50 am
Tags:

Được đăng bởi tmtvietnam vào lúc 16:45:00

Theo Báo cáo tổng hợp tình hình hoạt động KTĐL năm 2009, VACPA xin thông báo 10 công ty kiểm toán lớn nhất Việt Nam trên 4 chỉ tiêu sau đây:

4 chỉ tiêu là:

– 10 Công ty có số lượng nhân viên chuyên nghiệp lớn nhất;

– 10 Công ty có số lượng KTV lớn nhất;

– 10 Công ty có số lượng khách hàng lớn nhất;

– 10 Công ty có tổng doanh thu lớn nhất.

10 Công ty có số lượng

nhân viên chuyên nghiệp

lớn nhất

10 Công ty có số lượng

KTV lớn nhất

10 Công ty có số lượng

khách hàng lớn nhất

10 Công ty có tổng

doanh thu lớn nhất

(Theo VACPA)

Next Page »

Create a free website or blog at WordPress.com.