– Kỳ 1: Từ cá trôi sông đến làng bè
TT – Tháng 12-2003, tại công viên ngã ba sông ở thị xã Châu Đốc, An Giang, tượng đài cá ba sa cao 14m được khánh thành. Một nhân vật từng là quan chức tỉnh An Giang, ông Nguyễn Minh Nhị, nói tượng đài cá ba sa là để tôn vinh loài cá và cũng để ghi nhớ việc con người đã thuần dưỡng một giống cá giúp tạo nên thương hiệu mới không chỉ của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Nhân sự kiện Festival thủy sản VN tại Cần Thơ (tháng 4-2010), Tuổi Trẻ trở lại với câu chuyện cá ba sa như một dấu nhấn mang tính “hiện tượng” với ĐBSCL.
 |
Vớt cá giống trên dòng sông Hậu – Ảnh: Q.Vinh |
Theo những bậc cao niên cả đời sống bằng nghề lưới cá ở Biển Hồ Campuchia, nguồn gốc cá tra, cá ba sa có từ vùng Thượng Lào và trú ngụ sinh sản nhiều nhất ở Biển Hồ. Từ lúc mới nở, cá như bột gạo nhỏ li ti trôi theo dòng Mekong chảy vào đất Việt.
Con cá phương xa
Ông Tư Niên, 75 tuổi, một trong những ngư dân chuyên đánh bắt cá ở Biển Hồ, kể về lai lịch loài cá da trơn đã gắn liền với cuộc đời ông: “Cá tra ở Biển Hồ có hàng chục loài, có con nặng hàng chục ký, bụng đầy trứng. Thế nhưng tụi tôi không biết cách chúng giao phối sinh sản ra sao và ăn thứ gì mà đẻ được hàng triệu con bột ra sông biển. Chỉ biết vào tháng 5 âm lịch, cá tra ở Thượng Lào và vùng Biển Hồ bắt đầu bắt cặp và sinh sản.
Cá mẹ đẻ trứng bắn vào bọt nước hoặc vào dề lục bình rồi theo dòng nước trôi về hạ nguồn sinh sôi. Thuận con nước cá trôi về sông Tiền, sông Hậu và chảy tràn ra ruộng đồng miền hạ. Khoảng một năm sau cá con lớn gần 2kg, lưng đen bụng trắng, da trơn mình bự như đòn bánh tét… Ngư dân Biển Hồ còn vớt bắt cá con rọng dưới nước bán cho thương lái từ VN lên Biển Hồ mua đem về bán buôn”.
Ông cho hay ở VN việc đánh bắt ương nuôi cá bột hình thành cách nay cả 100 năm. Ngư cụ khai thác cá bột cũng được cải tiến dần từ lưới mùng đến lưới cước, từ việc dùng vợt vớt cá đến việc đóng dàn đáy lưới cá dài hàng trăm mét để chặn bắt cả luồng cá thiên nhiên.
Ông Ba Hoàng, ngư dân cố cựu trong nghề đáy cá ở xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu, kể vào tháng 5 âm lịch trở đi ngư dân nhìn dòng nước chảy, nơi nào có bọt quần tụ, có lục bình dạt về nhiều thì nơi đó có nhiều cá tra bột. Ai có vốn, làm ăn uy tín đều trở nên khá giả.
Ông Ba Hoàng nói: “Nếu trúng con nước có ngày thu được cả lượng vàng”. Đến thập niên 1980, hằng năm ở vùng cửa sông Tiền thuộc hai tỉnh An Giang, Đồng Tháp đã hình thành hàng trăm miệng đáy bắt cá tra bột, cá ba sa giống… sôi động nhất khu vực.
Từ vùng khai thác cá bột trôi sông đến nơi ương nuôi và bán buôn con giống đã tạo nên nghề nuôi cá tra, cá ba sa từ những năm 1960 đến nay. Ông Trần Văn Que, người có trên 40 năm ương nuôi cá tra bột ở xã cù lao Phú Thuận (Đồng Tháp), cho biết nhờ có con cá bột mà vùng cù lao Long Thuận, Phú Thuận phía dưới hạ nguồn sông Tiền có nghề ương nuôi sản xuất cá tra giống truyền thống. Từ đó người nuôi cá tra hầm cũng ngày một nhiều hơn.
Chợ xã, chợ chồm hổm đầu các vàm sông, đâu đâu cũng có người bán cá tra. Cá tra từ lâu đã trở thành loài cá ngon, rẻ, thường trực trên mâm cơm canh chua cá kho tộ của nhiều gia đình xứ lục tỉnh miền Tây.
Chiếc bè đầu tiên…
Ông Nguyễn Văn Đậm là một trong những gia đình đầu tiên đưa cá ba sa vào bè nuôi và đưa cả bè cá từ Biển Hồ về vùng sông Hậu kể: “Lúc đầu cha tôi vớt cá ba sa con và thả nuôi thử trong mùng lưới dưới nước bằng các loại thức ăn tự chế từ thiên nhiên.
Khi cá lớn chật quá, cha tôi mở rộng vùng nuôi bằng lưới tre bao tròn dưới nước. Cá nuôi vụ đầu bán có giá và cho lợi nhuận, cha tôi đã nghĩ ra cách làm nhiều chiếc bè tre nuôi cá dưới nước. Đáy của bè sâu 2,5m có thể thả nuôi được vài ba tấn cá tùy kích cỡ. Ông chính là người mang chiếc bè tre rộng như ngôi nhà thả trôi theo dòng Mekong từ Biển Hồ vượt 200km dòng nước chảy xiết, lắm thác ghềnh về đến tận miền sông Hậu…”.
Về quê nhà, cha ông đã chọn được vị trí đất bãi bồi dọc bờ sông Hậu, thuộc xã Đa Phước, cách ngã ba sông Châu Đốc chừng 5km để neo bè và khởi nghiệp. Lúc đó vùng đất này còn hoang vu không có người ở. Cũng trong năm 1970, tại vùng đất hoang vu này có thêm nhiều nhà bè từ nơi khác đến. Ngày ngày họ đào ao nuôi cá, phát đất hoang trồng lúa. Nguồn cá ba sa giống được khai thác ngoài thiên nhiên, dần dà cuộc sống khấm khá hơn.
Ở làng bè xã Đa Phước lúc đó có các ông Văn Quyện, Văn Chất, Sáu Cậy… còn nghĩ ra cách chế biến thức ăn dùng cám tấm và cua ốc, chuối, rau cho cá ăn theo từng giai đoạn tăng trưởng. Biết dùng các vị thuốc có lá giác, muối hột, vôi bột và cả đất sét đặt trong bè để giải nhiệt và trị bệnh cho cá. “Nói chung người sao cá vậy nhưng tuyệt nhiên không sử dụng thuốc kháng sinh, kháng khuẩn phổ biến như bây giờ” – ông Đậm nói.
Nhà bè nuôi cá cũng được cải tiến theo xu thế phát triển. Ông Trần Bá Kế, 83 tuổi, ở ấp Hà Bao, xã Đa Phước, kể từ năm 1975 khi biết xã Đa Phước có nghề nuôi cá bè hiệu quả, ông đã mượn 17 lượng vàng đóng mới bè gỗ thay cho bè tre nuôi được 10 tấn cá ba sa hằng năm và chỉ một năm đã hoàn vốn. Bè ông đóng bằng gỗ căm xe, kích cỡ 6x12x3,5m, rộng và sâu gấp 2,5 lần so với bè tre truyền thống.
Những năm sau khi cá ba sa hút hàng, có ông Hai Nhàn còn đóng bè kích cỡ vô địch 10x28x7m, nuôi hàng trăm tấn cá. Bè cá như một ngôi nhà khang trang trên mặt nước, bên trong nội thất ti vi, máy lạnh sang trọng. Nhà bè là biểu trượng của sự giàu có trong thập niên 1990-2003.
Từ chòm bè vài chiếc quần tụ nuôi cá ba sa, sau hơn hai thập kỷ làng bè xã Đa Phước đã có trên 500 nhà bè lớn nhỏ, mỗi bè nuôi 50 đến trên 100 tấn cá ba sa. Từ năm 1990 trở đi khi cá ba sa được xuất khẩu thì làng bè Đa Phước không còn chỗ neo đậu bè nữa. Nhiều người giàu có đến học tập kinh nghiệm làm ăn rồi đóng bè thả nuôi phía dưới hạ nguồn ngã ba sông Châu Đốc.
Ông Nguyễn Văn Phát, trưởng Phòng kinh tế thị xã Châu Đốc, cho biết làng bè ở khu vực ngã ba sông Châu Đốc lúc hưng thịnh có trên 5.000 nhà bè phủ khắp sông Hậu. Không chỉ có ở sông Hậu, làng bè cá ba sa còn phát triển mạnh trên khu vực sông Tiền ở huyện Hồng Ngự và các nơi khác thuộc lưu vực sông Cửu Long.
QUANG VINH – PHƯƠNG NGUYÊN
—————————-
Từ cá trôi sông đến làng bè rồi một ngày tạo nên “hiện tượng” thay đổi hẳn cuộc đời của những nông dân ngụp lặn trong đói nghèo bên dòng sông ngầu đục phù sa. Con cá từ bè tre “lội” đến trời Âu Mỹ và mang về những đổi thay…
Kỳ 2: Rời chiếc bè tre
TT – “Không phải đơn thuần là một hiện tượng nữa mà đó là một kỳ tích”, tiến sĩ Võ Hùng Dũng, giám đốc Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, nhận xét.
Cây lúa, hạt gạo và con tôm từng tạo nên hiện tượng kinh tế, làm thay đổi diện mạo vùng ĐBSCL nhưng con cá ba sa, cá tra lại có sức phát triển thật lạ kỳ, đã tạo nên một kỳ tích với mức tăng trưởng chưa ngành nào đạt được trong thời gian vừa qua.
 |
Thu hoạch cá ba sa – Ảnh: P.Nguyên |
>> Kỳ 1: Từ cá trôi sông đến làng bè
Sự tăng trưởng lạ kỳ
Cuối những năm 1980, con cá ba sa bắt đầu rời những làng bè của vùng đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu để mở màn cho chuyến ngao du trời Tây. Anh Võ Đông Đức, tổng giám đốc Công ty Caseamex (Cần Thơ), kể lại: lúc đó tại ĐBSCL chỉ có hai đơn vị đi đầu trong việc chế biến, đưa mặt hàng cá ba sa phi lê ra nước ngoài là Công ty Agifish và Angitexim của tỉnh An Giang.
Khi mặt hàng này được ưa chuộng ở thị trường nước ngoài, giá cả tương đối hấp dẫn thì các công ty bắt đầu mở rộng mạng lưới thu mua, chế biến. Vùng đầu nguồn Châu Đốc (An Giang) và Hồng Ngự (Đồng Tháp) đã sớm mở rộng làng bè, có lúc lên đến hàng ngàn chiếc mỗi nơi. Từ đây, con cá ba sa vẫy vùng thoát khỏi những bè cá của vùng châu thổ đục phù sa để vươn mình ra thế giới.
“Cá ba sa lúc đó chủ yếu nuôi trong lồng bè, sản lượng rất ít và thấp. Khi thị trường nước ngoài bắt đầu chuộng và yêu cầu cung cấp ngày một nhiều hơn thì con cá ba sa ngày càng thể hiện sự đuối sức. Một công ty của Úc đã yêu cầu công ty của chúng tôi tìm con cá gì đó thay thế sản lượng cho con cá ba sa và họ đã cử hẳn chuyên gia tới ĐBSCL để cùng chúng tôi nghiên cứu. Trong nhiều loài cá họ thống nhất chọn con cá tra, vì có đặc điểm sinh trưởng, thịt phi lê tương tự ba sa. Thế là container cá tra phi lê đầu tiên của Việt Nam được xuất qua Úc, thị trường này sau đó chấp nhận mặt hàng này. Đó là tín hiệu đáng mừng ở buổi đầu sơ khai”, anh Võ Đông Đức hồ hởi kể lại.
Vài tháng sau, Công ty Cataco (tiền thân của Caseamex) tiếp tục xuất hàng qua châu Âu và rồi như một phép mầu, thị trường châu Âu cũng say mê con cá tra, ba sa của Việt Nam. Đến năm 1995, anh Đông Đức mở ra trang chính cho con cá tra khi lần đầu tiên đưa con cá này thâm nhập thị trường nước Mỹ. Ngay sau đó, một số công ty khác cũng bắt tay vào xây dựng nhà máy, đào tạo đội ngũ công nhân chế biến, tìm thị trường cho con cá tra.
Tiến sĩ Võ Hùng Dũng khi nhắc đến chuyện này phải thừa nhận: “Chỉ trong mười năm mà kim ngạch xuất khẩu từ mức vài chục triệu USD đã tăng vọt lên 1,4 tỉ USD. Ở Việt Nam chưa có ngành kinh tế nào có khả năng xuất khẩu tăng cao như vậy. Trong vòng mười năm qua thì bình quân tăng 30%/năm”.
Tiến sĩ Dũng nói thêm trước đây cây lúa cũng tạo nên một hiện tượng giúp Việt Nam từ một nước nghèo đói, thiếu ăn thành một quốc gia xuất khẩu lương thực thuộc hàng đầu thế giới, góp phần quan trọng vào việc ổn định an ninh lương thực cho thế giới. Con tôm cũng vậy, từ mặt hàng không có lợi thế cạnh tranh nhưng các doanh nghiệp đã biến mặt hàng này thành chiến lược. Nhưng con cá tra, ba sa lại khác, từ nguồn giống tự nhiên ban đầu, kỹ thuật nuôi cây nhà lá vườn… vậy mà đã vươn xa qua trời Tây, tạo cho ĐBSCL và Việt Nam có một thương hiệu lớn: cá da trơn Việt Nam.
Làm đổi thay diện mạo đồng bằng
Trước khi con cá tra, ba sa rời khỏi cái lồng tre tìm đường bơi ra nước ngoài, bộ mặt nông thôn, một bộ phận khu vực có nuôi cá, còn nghèo. Nhưng rồi con cá tra đã làm thay đổi toàn bộ, người nông dân bắt đầu đào ao, lập trang trại, doanh nghiệp được thành lập nhiều hơn, nhà máy chế biến cá tra cũng mọc lên như nấm.
Nhiều tỉnh thành trong khu vực đã nghĩ tới và bắt tay vào xây dựng các khu, cụm công nghiệp chạy dọc sông Tiền và sông Hậu. Những khu vực ruộng đồng kém hiệu quả được chuyển dịch sang sản xuất công nghiệp, mà trong đó công nghiệp chế biến thủy sản chiếm phần lớn diện tích. Đường sá nông thôn cũng mở rộng hơn để phục vụ ngành chế biến, nuôi trồng con cá tra này.
Tiến sĩ Dũng nhớ lại trước đây khi con cá tra, ba sa còn chưa ai biết thì công nghiệp vùng ĐBSCL cũng chỉ quanh quẩn với các nhà máy chế biến lúa gạo nằm rải rác khắp nơi. Khi con tôm bước vào thị trường thế giới thì ngành công nghiệp chế biến thủy hải sản cũng chỉ tập trung ở các tỉnh ven biển. Nhưng khi con cá tra tạo nên hiện tượng đột biến thì bộ mặt, cơ cấu ngành công nghiệp chế biến đã được điều chỉnh lại.
Mười tỉnh thành có nuôi cá tra đều xây dựng nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu, xây dựng nhà máy chế biến thức ăn, hệ thống hậu cần phục vụ nghề nuôi cá tra và cả mạng lưới dịch vụ hỗ trợ. Hiện tại ĐBSCL có trên 150 nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu, riêng tại Cần Thơ có 31 nhà máy. Ngoài ra còn hàng chục, hàng trăm nhà máy chế biến thức ăn, chế biến phụ phẩm từ cá.
Lợi thế cây lúa là lợi thế toàn vùng, lợi thế con tôm là lợi thế các tỉnh ven biển, còn lợi thế có cá tra là lợi thế của các tỉnh chạy dọc hai bờ sông Tiền và sông Hậu. Chính điều này đã phần nào làm đồng bằng có thể phát triển mạnh và đồng bộ. Con cá tra hiện chiếm 1/3 doanh số các tỉnh có nuôi cá tra trong khu vực.
Người nuôi, nhà chế biến, hệ thống cung cấp dịch vụ, người buôn bán, hệ thống dịch vụ thủy sản… cũng phát triển theo con cá tra, tạo ra công ăn việc làm cho hàng triệu người. Trong 15 năm qua đã tạo ra một ngành công nghiệp về cá, hình thành một chuỗi giá trị về cá rất lý thú, có mối quan hệ từ người cung cấp giống, người nuôi, người chế biến, xuất khẩu, sự phát triển hạ tầng phục vụ nghề cá, hệ thống kỹ thuật…
Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh, quyền giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, cho biết sản lượng cá tra, ba sa của ĐBSCL chiếm trên 95% sản lượng cá da trơn của cả nước.
Nếu tính trong mười năm qua (1997-2007) thì diện tích nuôi tăng khoảng tám lần, sản lượng nuôi tăng 45 lần, sản lượng philê xuất khẩu tăng 55 lần và kim ngạch xuất khẩu tăng 50 lần. Tuy chỉ 6.000ha nuôi ở 10 tỉnh nhưng giá trị xuất khẩu cá tra từ năm 2000-2008 đã gần đuổi kịp tôm nuôi nước lợ.
Năm 2008 sản lượng cá tra, ba sa đạt 1,2 triệu tấn; sản phẩm xuất khẩu đạt 640.829 tấn, tăng 65,6% so với năm 2007; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,453 tỉ USD, chiếm 32,2% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tăng 48,4% so với năm 2007, đóng góp 2,0% GDP của cả nước. Đến nay đã có 130 nước trên thế giới tiêu thụ cá tra, ba sa của Việt Nam.
Kỳ 3: Từ “mụ tây” tới “mụ vườn”
TT – Năm 1993 Philippe Caco tốt nghiệp Ðại học Nông nghiệp Paris (khoa thủy sản), đã quyết định đến VN nghiên cứu cách cho cá ba sa sinh sản. Đến làng bè Châu Đốc (An Giang), anh bất ngờ với những làng bè sung túc trên sông Hậu.
 |
Một con cá tra mẹ được nhóm “mụ vườn” ở xã Vĩnh Hòa thăm trứng định kỳ – Ảnh: Q.Vinh |
Công nghệ “tây”
Philippe đến ngay lúc làng bè đang có tin Công ty Agifish An Giang đã thay sản phẩm xuất khẩu con tôm biển khan hiếm bằng con cá ba sa giàu tiềm năng hơn.
Nhiều người đã đón đầu cơ hội làm ăn lớn, đầu tư mới nhiều nhà bè cá bề thế trị giá hàng tỉ đồng. Cá giống ba sa trong thiên nhiên không đủ cung ứng cho nhu cầu làng bè và trở nên đắt đỏ. Một con cá bụng – cá ba sa con – bằng ngón tay có lúc vọt lên 5.000 – 7.000 đồng.
Thông tin Philippe đến làng bè tìm cá bố mẹ đã được người dân các nơi mừng rỡ. Bà con ở vùng hạ nguồn sông Mekong đã đem đến tặng Philippe những con cá bụng to 5-7 kg có dáng đẹp để tuyển chọn và thử nghiệm. Hai tháng ở làng bè, Philippe và kỹ sư cộng sự đã tuyển chọn ngẫu nhiên được 200 con cá ba sa bố mẹ đem về ao Trường đại học Cần Thơ nuôi vỗ.
“Trên cơm dưới cá”
Ông Nguyễn Hữu Khánh – nguyên bí thư Tỉnh ủy An Giang, nguyên chủ tịch Hội Nghề cá VN – lý giải về “hiện tượng ba sa”: “Vào cuối những năm 1980 khi cây lúa đã phát triển mạnh, chúng tôi nghĩ đến câu nói của cha ông “trên cơm dưới cá” để mở hướng phát triển mới. Trên đã có lúa rồi, tại sao không phát triển con cá đang có lợi thế vùng nuôi? Lợi thế từ tay nghề nuôi cá ba sa, cá tra đến nhờ vả sự “mai mối” của bà con Việt kiều để đưa thị trường này ra thế giới”.
Cuối thập niên 1990, An Giang gặp khó khăn về nguồn cung ứng cá giống. Sau đó tỉnh đã chủ động phối hợp với các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu để đến năm 2001 sinh sản nhân tạo cá.
Năm 1995, tỉnh An Giang sản xuất chỉ được khoảng 50.000 tấn cá nhưng đến nay sản lượng này là 180.000 tấn. Khó có ngành kinh tế nào có được sự phát triển mạnh mẽ như vậy! |
Đến tháng 6-1995, Philippe và nhóm cộng sự của anh đón nhận thêm một người bạn mới – Marc Campet – vừa tốt nghiệp Ðại học Thủy sản Pháp.
Đến làng bè và làm việc thuận lợi tại một phòng thí nghiệm ngay trên nhà bè của Công ty Agifish An Giang, Philippe và Marc đã áp dụng phương pháp cấy chip điện tử với mã số vào thân cá để kiểm tra, phân biệt, thay cho cách dùng phẩm mực trước đó.
Hàng tháng trời cứ cách 10 ngày một lần nhóm “bà đỡ” lại vớt cá lên thăm trứng chích hormon kích dục tố, tìm mọi cách nhưng vẫn không thấy cá mẹ rụng trứng. Thế rồi trong một lần kiểm tra, Philippe bất ngờ thấy bụng một con cá phình to. Tìm dò mã số thì biết đây chính là con cá của cư dân làng bè tặng anh.
Cá mẹ được đưa lên khay và kích đẻ, bụng nó bắt đầu căng phồng lên. “Bà đỡ” Philippe nhẹ tay vuốt dạ dưới con cá mẹ, từ bụng dưới con cá phụt ra tia trứng vàng. Đến lần tiếp theo trứng cứ phun vào chậu chứa 75 gam trứng. Sau đó nhóm “bà đỡ” Pháp – Việt cho trứng thụ tinh nhân tạo. Khoảng 24 giờ sau cá con lúc nhúc xé màng và đàn cá li ti mới bắt đầu chuyển mình.
“Trứng thành cá rồi” – cả nhóm “bà đỡ” cùng Philippe và Marc đã vui mừng ôm nhau chúc mừng thành công mà người dân làng bè mong đợi.
Philippe và Marc đã áp dụng kỹ thuật cho cá ba sa và cá tra sinh sản nhân tạo, ương nuôi cá bột cho đơn vị hợp tác là trại giống Mỹ Châu (Công ty Agifish An Giang).
Qua tay nông dân Việt
Những nông dân cố cựu ở vùng sản xuất cá giống Hồng Ngự (Đồng Tháp) cho biết trại cá giống Mỹ Châu thời gian đầu là đơn vị độc quyền tiếp nhận công nghệ sinh sản cá tra giống và bán cho dân.
Lợi nhuận từ việc sinh sản cá giống nhân tạo là rất lớn. Nhiều nông dân thức thời đã nhanh chóng tìm đến trại cá giống để học cách cho cá đẻ nhưng bất thành. Phải đến một năm sau đó công nghệ cho cá sinh sản nhân tạo mới được “rò rỉ” ra bên ngoài khi các kỹ sư nơi đây trở thành những người thầy giúp nông dân.
Ông Út Que, chủ cơ sở sản xuất cá tra giống, nhà ở ngay bến đò xã Phú Thuận (Đồng Tháp), đưa chúng tôi đi thăm cơ ngơi sản xuất cá giống gồm ao nuôi hàng ngàn con cá bố mẹ thuần thục, và khu vực sinh sản cho cá.
Cơ sở được đầu tư khá bài bản, từ hệ thống ống dẫn nước, bồn ấp trứng đến khay đẻ cho cá đều được làm theo quy trình khá hiện đại. “Nhưng để học được nghề cho cá đẻ, nói tắt là “đẻ” cá thì nông dân như tụi tui phải mời kỹ sư về tầm sư học nghề. Học theo kiểu cầm tay chỉ việc, thầy chỉ một mình ráng học lóm tới mười, phải ráng moi cho hết các ngón nghề từ nuôi vỗ cá bố mẹ đến sử dụng thuốc kích dục, thao tác thăm trứng và vuốt tay ép bụng cá cho trứng phun ra… Các nhà khoa học đã có công nghiên cứu thì mình ráng học để mang lại cái lợi cho mình”.
Út Que còn nói để học được nghề này ông phải chia lợi nhuận 6:4 cho người dạy. Đó là nguồn tiền thu được sau khi cho cá đẻ thành công và bán được cá giống trong suốt thời gian học nghề 3-4 tháng.
Còn ông Đào Thanh Khiết, 54 tuổi, ấp Phú Hòa, xã Phú Lâm, huyện Phú Tân, An Giang, cho biết ông đã phải trả cho kỹ sư thủy sản 5 lượng vàng để học nghề “đẻ” cá tra.
Học nghề “đẻ” cá lắm công phu. Đó là học cách chọn cá bố mẹ thuần thục cho đẻ trứng được trên 3 năm tuổi, phải đi săn tìm cá bố mẹ có ngoại hình hoàn chỉnh, da bụng mỏng. Học cách chọc que thăm trứng xem cá đẻ được hay chưa. Nếu được thì tách đàn để chuẩn bị chích thuốc kích thích với liều lượng hợp lý cho cá đẻ. Sau đó ba ngày nếu thăm thấy trứng chín thì bắt đầu đưa cá lên khay, dùng tay vuốt bụng cá cho trứng phun ra và tiến hành cho trứng thụ tinh. Sau đó đem trứng thụ tinh vào bể ấp trong thời gian 24 giờ, trứng nở thành cá bột. Thêm 24 giờ nữa đưa cá bột vào bọc oxy đem đến ao ương nuôi.
“Vui nhất là khi chính tay mình thao tác cho cá tự đẻ. Thành công khi đạt tỉ lệ 10% trứng cho trọng lượng một con cá mẹ; ba con cá mẹ cho 1 kg trứng, tương đương khoảng 1,2 triệu con cá bột”- ông Khiết nói.
Lúc đó trại cá giống của Hai Nấm, Bảy Biết, Bảy Xùm, Hai Diễm lớn nhất trong vùng sông Tiền, mỗi lần sản xuất cho ra lò 20-30 triệu con cá bột thu vào chừng nửa tỉ đồng, tương đương 100 lượng vàng. Cá nhân tạo đem nuôi sông đạt tỉ lệ cao trên 40%, do cá bố mẹ được tuyển chọn từ thiên nhiên hoang dã.
Chỉ trong một năm đã có khoảng 100 trại cá giống mọc lên, cung vượt cầu đã kéo giá cá giống từ 60 đồng xuống còn 1 đồng/con. Hiện có khoảng 10 cơ sở sản xuất cá giống ở đồng bằng đang áp dụng tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (Globle GAP) trong sản xuất con giống cá.
Cái nhạy của người nông dân miền sông nước chính là tác nhân chính thúc đẩy sự phát triển nghề cá ở đồng bằng.
Kỳ cuối: Phía sau tấm da trơn của cá
TT – Con cá tra từ bè lên ao cho sản lượng bất ngờ tăng vọt đã giúp các hộ dân, doanh nghiệp nguồn lãi lớn. Và cũng từ đây, phía sau tấm cá da trơn của cá đã nảy sinh những “cuộc chiến” căng thẳng trong săn lùng đất, giá thu mua, thức ăn, thuốc thú y thủy sản…
Hàng trăm, hàng ngàn hecta vườn cây ăn trái bị đào xới thành ao, những cù lao trên sông Hậu bị dân săn đất rảo bước ngày đêm tìm những mẫu đất lý tưởng. Có lúc mỗi hecta đất đào ao được bán với giá vài tỉ đồng!
 |
Làng bè nuôi cá ba sa trên sông Sở Thượng (Đồng Tháp) – Ảnh: P.Nguyên |
“Cuộc chiến” trong nhà
Nhưng rồi bài toán khủng hoảng thừa diễn ra năm này qua năm khác mà không lời giải. Giá bán giảm liên tục trong khi chi phí, giá thành ngày càng đội lên khiến người nuôi lỗ lã nặng nề. Nông dân treo ao, bán ao, bán cả xe hơi… để trang trải nợ nần. “Đó là bài học của việc nuôi cá theo phong trào và sự thiếu quy hoạch, chính sách chưa chặt chẽ của chính quyền từ việc quản lý vùng nuôi, kế hoạch phát triển, thị trường tiêu thụ, quản lý doanh nghiệp…” – ông Nguyễn Văn Kịch, tổng giám đốc Công ty Cafatex (Hậu Giang), nhận xét.
Anh Trần Thanh Phương, một người nuôi cá ở Đồng Tháp, ưu tư: “Người nông dân phải vay tiền đào ao, thả cá, mua thức ăn… Mọi chi phí đều trả bằng tiền mặt hoặc gối đầu, nợ ngắn hạn. Trong khi đó bán được cá lại bị doanh nghiệp trả tiền lắt nhắt hoặc chậm trả khiến tụi tôi gặp khó khi xoay đồng vốn, vừa thiệt hại tài chính mà mất cả cơ hội”. Năm rồi, anh Phương bán cá được 7 tỉ đồng nhưng nhà máy lại trả làm nhiều lần, mỗi lần vài trăm triệu đồng, phần vốn còn lại đã bị doanh nghiệp chiếm dụng.
Thiệt nhưng anh phải chấp nhận vì lệ thuộc đầu ra. Ông Lê Quang Tâm, giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Gentraco (Gentraco Feed), nói nếu các doanh nghiệp làm ăn sòng phẳng với nông dân, ký kết được những hợp đồng cung cấp nguyên liệu, không chạy đua bán hạ giá ở nước ngoài… thì cả hệ thống không bị khó khăn như vừa qua.
Từ khi rào cản thương mại từ Mỹ được giăng ra, nhiều doanh nghiệp lao đao và tìm mọi cách đẩy hàng của mình đi để sống bằng bất cứ giá nào, kể cả tự hạ giá bán để cạnh tranh không bình đẳng. “Hiện có 10 công ty tại ĐBSCL đang xuất qua Mỹ, nhưng chỉ 10 công ty thôi cũng đã đấu đá với nhau. Cá tra còn nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển tốt. Chỉ có điều là làm sao đảm bảo chất lượng của cá nguyên liệu, cá phi lê; doanh nghiệp nên liên kết với nhau để đừng bán rẻ con cá của mình, làm thất thu cho người nuôi, ảnh hưởng ngành chế biến xuất khẩu của VN” – ông Võ Đông Đức, tổng giám đốc Công ty Caseamex (Cần Thơ), bộc bạch.
Ngoài chuyện xuất khẩu, đằng sau con cá tra còn là cuộc chiến về con giống. Từ khi ông Hai Nắm ở huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp cho ương cá giống thành công thì hàng trăm, hàng ngàn cơ sở sản xuất, ương giống cá tra mọc lên khắp đồng bằng đã tạo nên cuộc khủng hoảng thừa cá giống. Một phần cá giống bệnh do con giống bố mẹ không khỏe mạnh, ương ép không bài bản, nhưng nguyên nhân lớn nhất – theo ông Hai Nắm – là do nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Chất thải từ việc nuôi cá hằng năm rất lớn nhưng không được xử lý mà đổ thẳng ra môi trường tự nhiên, nhiều dòng sông hiện nay không còn nuôi được cá…
Thách thức trên con đường dài
Mặc dù con cá tra đang là hiện tượng lạ mang lại những giá trị vật chất lớn cho vùng ĐBSCL, nhưng đằng sau nó vẫn tiềm ẩn những thách thức. Nói như ông Huỳnh Thế Năng – phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, người vừa được Thủ tướng chỉ định làm trưởng ban vận động thành lập Hiệp hội Cá tra, ba sa ĐBSCL – việc quản lý nhà nước đối với con cá tra của vùng ĐBSCL còn nhiều bất cập, như: thiếu quy hoạch, kế hoạch và thông tin cụ thể cho cả vùng từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu. Từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy như lúc thừa lúc thiếu, chất lượng, môi trường, gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh…
Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh, quyền giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, thường trực ban chỉ đạo triển khai chương trình liên kết vùng ĐBSCL, đã “gạch đầu dòng” vài thách thức mà cá da trơn phải đương đầu: đó là vấn đề quy hoạch vùng nuôi để đảm bảo sự bền vững trong phát triển, việc cân đối giữa sản xuất và tiêu thụ để đảm bảo lợi nhuận giữa thành phần sản xuất nguyên liệu và chế biến xuất khẩu.
Việc thiếu hoặc chưa áp dụng hợp lý quy hoạch vùng nuôi, chưa dự báo sản lượng và kiểm soát sự gia tăng diện tích… đã tạo nên nhiều khó khăn. Từ đó thừa và thiếu nguyên liệu luôn xảy ra, thiếu tính ổn định, khó dự báo hiệu quả sản xuất…
Tiến sĩ Sánh cũng cho biết vấn đề ô nhiễm môi trường đang đặt ra nhiều thách thức, hiện tại một số vùng nuôi tập trung nhiều trang trại có dấu hiệu ô nhiễm nguồn nước do chất thải. Mất cân bằng sinh thái đang thể hiện rõ nét ở tình trạng phát sinh dịch bệnh trên diện rộng do ô nhiễm môi trường ở các vùng thâm canh cá tra, cá ba sa… Môi trường nước trên sông Tiền, sông Hậu và kênh rạch vùng ngọt hóa đã có dấu hiệu nhiễm bẩn hữu cơ. Với các mô hình nuôi thâm canh càng cao, quy mô công nghiệp càng lớn thì lượng chất thải càng lớn và mức độ nguy hại càng nhiều.
Giải quyết được những thách thức trên, cộng với việc cần thiết áp dụng giá sàn cho con cá tra xuất khẩu để tránh việc cạnh tranh không lành mạnh làm nông dân thiệt hại, chính sách tài chính ngân hàng thông thoáng, thông tin thị trường minh bạch, kịp thời, kỹ thuật nuôi được cải tiến… thì tương lai con cá tra sẽ sáng sủa hơn. Và như thế kế hoạch đạt 1,5 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2010 và 2,3 tỉ USD vào năm 2020 sẽ gần hiện thực hơn. Điều đó cũng đồng nghĩa kế hoạch nâng vùng nguyên liệu lên 13.000ha vào năm 2020 cũng sẽ làm được.
PHƯƠNG NGUYÊN – QUANG VINH
Ông Huỳnh Thế Năng, phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang: “Chúng ta không phủ quyết vai trò của doanh nghiệp trong việc khai phá thị trường và sự lớn mạnh của doanh nghiệp chế biến cá tra ĐBSCL hôm nay. Nhưng nếu có sự liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau trong phân khúc thị trường xuất khẩu, liên kết giữa doanh nghiệp với ngư dân bằng trách nhiệm chia sẻ lợi nhuận cũng như rủi ro được ràng buộc bằng quy định pháp lý rõ ràng thì tất cả sẽ cùng chiến thắng!”.
Ông Nguyễn Hữu Khánh, nguyên chủ tịch Hội Nghề cá VN: “Để có “hiện tượng ba sa” như ngày nay còn có vai trò của bộ phận bà con người Việt ở nước ngoài trong việc quảng bá sản phẩm. Lúc đầu chúng tôi đưa cá tra, ba sa sang thị trường Mỹ, Pháp, Úc, nhiều kiều bào từ chối ăn vì còn ám ảnh hình ảnh nuôi cá trong hầm ô nhiễm. Chúng tôi đã về nước vận động người dân nuôi cá bằng thức ăn tự chế và thức ăn công nghiệp. Kiều bào nhìn hình ảnh, video tin tưởng, chấp nhận tiêu thụ cá và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước bán cá cho các nhà phân phối lớn trên thế giới”.