Ktetaichinh’s Blog

May 27, 2010

Câu chuyện thu hút FDI và hiệu quả đầu tư

Filed under: Uncategorized — ktetaichinh @ 8:33 pm
Tags:
Cập nhật lúc : 2:42 PM, 25/05/2010
Ảnh minh họa.

(eFinance) –  (Tạp chí Tài chính Điện tử số 82 ngày 15/4/2010) – Dự kiến năm 2010, Việt Nam thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được khoảng 22 – 25 tỷ USD (tăng 10% so với năm 2009). Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, đã lến lúc Việt Nam cần lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, phân tích tác động của vốn FDI và có ý kiến còn cho rằng, nên bắt đầu đánh thuế cả FDI để sử dụng vốn cho hiệu quả hơn?

FDI nhìn từ những con số

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), FDI đăng ký vào Việt Nam cả năm 2009 đạt 21,48 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 10 tỷ USD. Xét trên tổng lượng xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu khí) năm 2009 đạt 29,9 tỷ USD; nếu không tính dầu thô đạt 23,6 tỷ USD. Nhập khẩu của khu vực này đạt 24,8 tỷ USD. Về tổng thể, cả năm 2009, khu vực FDI xuất siêu tổng cộng 5,03 tỷ USD.

Xét về lĩnh vực đầu tư, dịch vụ lưu trú và ăn uống đứng với 8,8 tỷ USD vốn cấp mới và tăng thêm. Kinh doanh bất động sản (BĐS) thứ 2 với 7,6 tỷ USD. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có quy mô vốn đăng ký lớn thứ ba với 2,97 tỷ USD vốn đăng ký, trong đó có 2,22 tỷ USD đăng ký mới và 749 triệu USD vốn tăng thêm.

Về quan hệ đầu tư, năm 2009 đã có 43 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hoa Kỳ đứng đầu với tổng vốn đăng ký là 9,8 tỷ USD (chiếm 45,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam), Cayman Islands thứ 2 (với 2,02 tỷ USD, chiếm 9,4%). Thứ 3 là Samoa với 1,7 tỷ USD (chiếm 7,9%); Hàn Quốc thứ 4 (với 1,66 tỷ USD, chiếm 7,7%)…

Các địa phương thu hút lượng vốn FDI lớn phải kể đến Bà Rịa -Vũng Tàu (6,73 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm); tiếp đến là Quảng Nam, Bình Dương, Đồng Nai và Phú Yên với quy mô vốn đăng ký lần lượt là 4,1 tỷ USD; 2,5 tỷ USD; 2,36 tỷ USD và 1,7 tỷ USD.

Theo ông Nguyễn Xuân Trung, Phó cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT): Căn cứ mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5-7% năm 2010, huy động vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 39,6% GDP, Cục đầu tư nước ngoài đã đề ra mục tiêu thu hút vốn FDI năm 2010 tăng 10% so với ước thực hiện 2009, đạt từ 22-25 tỷ USD. Trong đó, vốn đăng ký mới dự kiến khoảng 19 tỷ USD; vốn tăng thêm khoảng 3 tỷ USD.

Nhìn lại tổng số FDI đăng ký tại Việt Nam năm 2008 đạt 64,011 tỷ USD (tăng gấp đôi năm 2007); Năm 2009 đạt 21,48 tỷ USD (bằng 30% so năm 2008) và năm 2010 dự kiến tăng khoảng 10% so với năm 2009… Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng, khi lượng vốn FDI vào Việt Nam bắt đầu có xu hướng chậm lại, là lúc Việt Nam định hướng, chọn lọc nhà đầu tư chiến lược, phân tích và đánh giá tác động cần được  tính tới…

Tuy nhiên thực tế theo nhiều chuyên gia nhận định, tốc độ giải ngân, đầu tư đúng, trúng và phát huy tác dụng FDI, tạo ra những giá trị thiết thực trong đời sống xã hội chưa thực sự chủ động. Ngoài mục tiêu vốn đăng ký được bao nhiêu, quan trọng hơn, vốn thực hiện được hấp thụ thế nào cho nền kinh tế, thiết thực đối với đời sống xã hội. Việt Nam đã có quá nhiều bài học về các “siêu” dự án rất “hoành tráng”, vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, các phương tiện truyền thông đưa tin rất hứng khởi, nhưng tính khả thi và tiến độ lại hoàn toàn ngược lại. Điều quan trọng hơn, đó là vốn đi vay và hệ lụy là dự án đầu tư bị kéo dài lê thê, giảm hiệu quả đầu tư, thậm chí phải dừng lại.

FDI nhìn từ chính sách

Cảnh báo là thế, vậy Việt Nam phải làm gì? Theo nhiều chuyên gia, phân tích FDI hãy nhìn nhận theo bản chất đầu tư, tính chất dòng vốn, động cơ của nhà đầu tư. Phải trả lời câu hỏi, tại sao lại để nước ngoài dưới hình thức đầu tư vốn FDI nhưng chỉ đưa một nguồn vốn nhỏ vào, rồi huy động vốn trong nước để hưởng lợi quá nhiều. Nhà nước cần sớm điều chỉnh sự bất công này để có thể được hưởng lợi cùng với họ? Hay chúng ta có chuôi mà… không biết cầm?

Hiện tình trạng các địa phương cấp phép tràn lan dự án FDI thời gian qua cũng đáng suy ngẫm. FDI đang là lĩnh vực tăng nguồn thu lớn trước mắt cho các tỉnh, ví dụ năm 2006, riêng thuế từ Công ty Ford Việt Nam đã chiếm 50% số thu nội địa của tỉnh Hải Dương. Tỉnh nào cũng xúc tiến đầu tư, đôn đáo mở khu công nghiệp, xin dự án… dẫn tới trong 3 năm (2006-2008), nhiều địa phương đã khai tăng vốn đáng kể để có thành tích, cạnh tranh nhau (chỉ số PCI), cấp phép dự án quá nhiều cho cùng một loại sản phẩm mà không tính đến khả năng thị trường gây dư thừa, lãng phí cũng như theo một quy hoạch nào. Việc “bội thực”các dự án sản xuất thép, xi măng, sân golf và cảng biển là vì thế.

Một tác động khác mà Việt Nam cũng mới chỉ “cảnh báo” là tác động của các dự án FDl với môi trường và đời sống xã hội. Ông Võ bức xúc, sao chúng ta toàn phải đợi đến lúc DN xả thải gây ô nhiễm trầm trọng rồi mới đi kiểm tra, chết người rồi mới đi giám sát công trình; rồi khi kiểm tra, xử phạt cũng không đến nơi đến chốn, và câu chuyện Vedan, Keangnam vẫn mới nguyên…

Trong khi đó nhiều chuyên gia lo ngại, một trong những mục tiêu thu hút FDI là tiếp thu khoa học công nghệ -trình độ quản lý và tiếp cận tài nguyên của nước khác. Trước đây FDI chỉ đi theo hướng từ nước phát triển hơn sang nước kém phát triển hơn. Thì hiện tại chiều ngược đang có xu thế mạnh mẽ hơn nữa; Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ là những bài học cho Việt Nam. Người Nhật đã tích cực đầu tư trực tiếp vào Mỹ để khai thác đội ngũ chuyên gia. Trung Quốc cũng làm tương tự khi Lenovo mua bộ phận sản xuất máy tính xách tay của IBM (Mỹ) để tiếp cận công nghệ sản xuất máy tính. TCL thì sáp nhập với Thompson (Pháp) thành TCL-Thompson Electroincs, National Offshore Oil Corporation mua lại ngành khai thác dầu lửa của Unocal (Mỹ) cũng với chiến lược như vậy.

Gần đây các Tập đoàn của Việt Nam cũng “hướng ngoại” với mục đích như vậy; Vietel là xâm nhập Campuchia, Haiti, Lào với dịch vụ viễn thông; VTC là dịch vụ nội dung số và PVN tiếp cận hợp tác với nhiều nước để khai thác dầu khí…Tuy nhiên đây chỉ là những cái tên hiếm hoi và Việt Nam cần tận dụng tốt hơn chiến lược này, bên cạnh sử dụng đội ngũ lao động đang được đào tạo và làm việc tại các nước Việt Nam có quan hệ xuất khẩu lao động…

Đã đến lúc đánh thuế vốn đầu tư FDI?

Khi vốn FDI toàn cầu giảm gần 40% trong năm 2009, xuống còn 1.040 tỷ USD. Vốn FDI đổ vào các nước đang phát triển giảm 34,7%, sau 6 năm tăng liên tục. Nhưng Tổ chức phát triển LHQ (UNCTAD) khuyến cáo, khi lượng vốn FDI đổ vào các nước giảm đi, nhất là các nước đang phát triển thì đây là lúc các nền kinh tế có cơ hội đánh giá lại toàn diện FDI. Hướng mục tiêu đầu tư vào những kĩnh vực chọn lọc với những ưu đãi hợp lý.

Những quốc gia nhận FDI cao năm 2009 đứng đầu là Mỹ (137 tỷ USD); Trung Quốc (90 tỷ USD); Pháp (65 tỷ USD). Tuy nhiên, theo ông James Zhan, Giám đốc Chi nhánh Đầu tư và Doanh nghiệp (UNCTAD): Khi năm 2010 sự hồi phục kinh tế “vừa phải”, vốn FDI sẽ tăng thì các nước cần có những chiến lược liên kết đầu tư, thu hút nguồn vốn sạch cho mình. Nhiều nước đã lập “hàng rào” mềm cho vốn FDI cùng là vì lí do đó, và biện pháp đánh thuế FDI cũng đã được nhiều nước đặt lên bàn nghị sự.

Ở Việt Nam, theo nhiều chuyên gia: Chúng ta chưa thu hút được nhiều FDI đến mức cần đánh thuế, nhưng cần kiểm soát các dự án tốt hơn, chọn lọc nhà đầu tư và sử dụng hiệu quả vốn FDI, ngay cả vốn vay trong nước thật tốt đã là thành công…

TrackBack URI

Create a free website or blog at WordPress.com.