Ktetaichinh’s Blog

December 12, 2009

Tiếp tục thực hiện các giải pháp dài hạn để phát triển thị trường chứng khoán

Filed under: Uncategorized — ktetaichinh @ 7:15 pm
Tags:

Các nhà đầu tư thực hiện giao dich.
Ảnh QUANG MINH
ND-Theo đánh giá của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh do tác động tích cực từ kinh tế vĩ mô khởi sắc và từ hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết liên tục khả quan. Mặt khác, kinh tế và thị trường chứng khoán (TTCK) quốc tế đã hồi phục qua thời kỳ khó khăn nhất, nên cũng tác động tích cực đến TTCK Việt Nam.
Căn cứ vào tổng hợp các chỉ số về tình hình thị trường, mức vốn hóa và giá trị giao dịch, tính hết tháng 9-2009, TTCK nước ta đã đạt 622 nghìn tỷ đồng (36 tỷ USD), tương đương 48% GDP dự kiến năm 2009. So với thời điểm cuối năm 2008 (225 nghìn tỷ đồng), mức vốn hóa đã tăng gần gấp ba lần. Tổng giá trị giao dịch trong chín tháng qua là 431 nghìn tỷ đồng (tính quy cho cả năm vào khoảng 36 tỷ USD), bằng khoảng 50% GDP và bằng 100% so với mức vốn hóa. Ðây là con số thể hiện tính thanh khoản cao so với các nước khác (tương đương với TTCK Cộng hòa Séc).
Số liệu về tình hình huy động vốn của UBCKNN cũng cho thấy, chỉ tính trong chín tháng của năm 2009, tổng giá trị huy động vốn thông qua TTCK là 17,7 nghìn tỷ đồng, bất chấp thực tế huy động vốn qua thị trường này bằng cách phát hành của các công ty đại chúng có sự sụt giảm do thị trường xuống thấp vào đầu năm. Trong số các nguyên nhân tăng trưởng trên, có nguyên nhân hoạt động đấu thầu trái phiếu qua TTCK đã gia tăng đáng kể, trong khi tháng 3 và tháng 8 đã đấu thầu thành công hai đợt trái phiếu bằng ngoại tệ (USD) với số vốn lần lượt là 230 triệu USD và 157 triệu USD. Từ tháng 6 đến nay, do TTCK có sự tăng trưởng nên kênh huy động vốn bằng hình thức phát hành của các công ty đại chúng bắt đầu có sự tăng trưởng mạnh (gấp hai lần so với những tháng đầu năm). Số lượng công ty niêm yết, tài khoản nhà đầu tư cũng tăng đáng kể: Số lượng công ty niêm yết đã đạt con số 400 công ty (tăng 50 công ty so với thời điểm cuối năm 2008), còn số lượng tài khoản nhà đầu tư đã đạt 700 nghìn tài khoản (tăng 150 nghìn tài khoản so với cuối năm 2008).
Ðối với khối nhà đầu tư nước ngoài, qua đánh giá danh mục và dòng vốn của khối này, UBCKNN cho biết, tại thời điểm ngày 30-9-2009, giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK là 6,2 tỷ USD và số dư tiền gửi trên tài khoản là 320 triệu USD, nếu so với thời điểm cuối năm 2008 thì đã tăng tới 37,5%. Ðiều đáng lưu ý là cùng với diễn biến lên xuống của thị trường, dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài cũng vào – ra uyển chuyển và dòng vốn vẫn ở lại thị trường còn khá cao.
Trong những giải pháp, chính sách điều tiết thị trường từ đầu năm tới nay, việc tái cấu trúc và lành mạnh hóa các tổ chức kinh doanh chứng khoán được UBCKNN đặc biệt coi trọng. Tiến hành rà soát, phân loại các công ty chứng khoán (CTCK) để có thái độ ứng xử phù hợp; nhắc nhở và đưa vào diện kiểm soát, yêu cầu báo cáo thường xuyên đối với những công ty thua lỗ lớn; cùng các công ty xây dựng phương án chấn chỉnh hoàn thiện… là những động thái được UBCKNN tiến hành đồng thời với việc xây dựng phương án xử lý khi CTCK phá sản. Ngoài ra, việc yêu cầu các công ty tăng vốn, chuyển đổi cổ đông, tái cấu trúc doanh nghiệp hoặc rút bớt nghiệp vụ để lành mạnh hóa tình trạng tài chính, ban hành các văn bản chấn chỉnh các hoạt động Repo bán khống chứng khoán, sửa đổi Thông tư về tổ chức hoạt động của CTCK nhằm nâng cao tiêu chí thành lập CTCK. Ðồng thời ngừng tiếp nhận hồ sơ cấp phép CTCK, công ty quản lý quỹ, dự thảo thông tư an toàn tài chính, sát nhập và phá sản CTCK… cũng đã được tiến hành. UBCKNN cũng đã trình Dự thảo bổ sung sửa đổi Nghị định 14 về chứng khoán, ban hành Nghị định phát hành riêng lẻ, sửa đổi Thông tư công bố thông tin theo hướng nâng cao chất lượng phát hành, tăng cường minh bạch thị trường; xây dựng đề án ngăn ngừa xử lý khủng hoảng trên TTCK để có giải pháp chủ động giải quyết; thực hiện tái cấu trúc TTCK qua việc quyết định và thực hiện chuyển đổi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (SGDCK), Trung tâm lưu ký chứng khoán, triển khai thị trường giao dịch cổ phiếu UpCom và thị trường trái phiếu chuyên biệt tại SGDCK Hà Nội nhằm thu hẹp thị trường tự do và phát triển thị trường trái phiếu… cũng là những động thái pháp lý quan trọng để điều tiết thị trường quan trọng này.
Trong số tám giải pháp được đưa ra để thị trường có thể phát triển ổn định, lành mạnh và đạt hiệu quả tốt, xứng với nhiệm vụ là một kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp hoạt động, UBCKNN khẳng định, biện pháp đầu tiên là phải tiếp tục thực hiện các giải pháp dài hạn về phát triển TTCK. Theo đó, việc triển khai tái cấu trúc Sở Giao dịch, Trung tâm lưu ký chứng khoán, nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phải được thực hiện cùng với việc sửa đổi Luật Chứng khoán, xây dựng chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2010 – 2020, tăng cường tính minh bạch, kiểm soát rủi ro, an toàn tài chính của các tổ chức kinh doanh chứng khoán. Giải pháp thứ hai là cần đẩy nhanh việc tạo thêm hàng chất lượng cao cho thị trường, thu hút vốn đầu tư… bằng việc đẩy mạnh trở lại chương trình cổ phần hóa, bởi hiện nay TTCK đã chuyển sang giai đoạn tăng trưởng tương đối cao, nếu không có các chương trình cổ phần hóa cung ứng hàng thì có thể làm cho cung cầu mất cân đối và thị trường phát triển nóng.
Về việc củng cố, sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý, UBCKNN đề nghị Bộ Tài chính tổ chức triển khai Quyết định số 55/2009/QÐ-TTg thay thế Quyết định 238/2005/QÐ-TTg về tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào TTCK, kết hợp với quy chế đầu tư nước ngoài, quy chế văn phòng đại diện, bảo đảm lành mạnh và kiểm soát được hoạt động đầu tư nước ngoài. Việc quản lý, tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán chưa niêm yết (OTC) cần phải được tổ chức thực hiện theo hướng tiếp tục đôn đốc các công ty đại chúng chưa niêm yết có đăng ký lộ trình cụ thể về đăng ký và lưu ký chứng khoán tại Trung tâm lưu ký, đồng thời gửi công văn đến các bộ, ngành liên quan và Sở Kế hoạch và Ðầu tư của các tỉnh, thành phố để phối hợp thực hiện. Từ đó, xây dựng lộ trình triển khai việc đăng ký, lưu ký chứng khoán tập trung theo quy định của Luật Chứng khoán.
Việc đánh giá lại tổng thể hoạt động thị trường UpCom để đề xuất giải pháp bổ sung, hoàn chỉnh, tăng tính thanh khoản và hấp dẫn của thị trường này, nhằm thu hút thêm các công ty tham gia thị trường và thu hẹp thị trường OTC cần phải được tiến hành. Theo đó, trong thời gian trước mắt, tiếp tục tăng cường quản lý việc tổ chức thị trường OTC tại các CTCK, giám sát việc mở các thị trường này, kịp thời chấn chỉnh, yêu cầu đóng cửa và kiểm soát lộ trình đóng cửa các sàn OTC tại các CTCK và những trường hợp không chấp hành sẽ phải xử lý thật nghiêm. Về dài hạn, cần xây dựng phương án giao dịch chung áp dụng cho các CTCK trên cơ sở bình đẳng, báo cáo công bố thông tin minh bạch, kết quả giao dịch chuyển qua Sở GDCK Hà Nội để bù trừ thanh toán và thực hiện đăng ký lưu ký tập trung tại các CTCK. Xây dựng các tiêu chí, quy định khung pháp lý ban đầu để bảo đảm hoạt động trong khuôn khổ luật pháp.
Cùng với các giải pháp nêu trên, để đáp ứng đòi hỏi của thị trường, Bộ Tài chính cần gấp rút xây dựng các tiêu chí kiểm soát rủi ro và an toàn tài chính trong các tổ chức kinh doanh chứng khoán (CTCK, công ty quản lý quỹ). Phân loại, đánh giá và quy hoạch lại hệ thống các tổ chức này nhằm chuẩn bị cho sự phát triển bền vững trong thời gian tới. Trên cơ sở tiêu chí kiểm soát rủi ro an toàn tài chính, triển khai hướng dẫn các nghiệp vụ ký quỹ (margin) và mua lại (repo)… khi thị trường đã hồi phục, cần thiết phải có quy định pháp lý về vấn đề này để giảm bớt rủi ro, chấn chỉnh các hoạt động này và hạn chế các tranh chấp đổ vỡ có thể xảy ra. Trên cơ sở đề án phòng ngừa và chống khủng hoảng trên TTCK, Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư và Ủy ban giám sát Tài chính quốc gia cụ thể hóa các giải pháp thực hiện. Ngoài ra, thị trường cũng đòi hỏi phải có sự giám sát hoạt động đầu tư gián tiếp thông qua chế độ báo cáo và công bố thông tin. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước nắm bắt thường xuyên việc dịch chuyển luồng vốn đầu tư gián tiếp thông qua các tài khoản của Ngân hàng Nhà nước tại ngân hàng; Bộ Tài chính xây dựng đề án quản lý vốn đầu tư gián tiếp trình Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Ðầu tư và Ngân hàng Nhà nước xây dựng Nghị định về quản lý vốn đầu tư gián tiếp. Có như vậy, TTCK Việt Nam có thêm những quy định pháp lý cần thiết để có điều kiện, cơ sở phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững, là chỗ dựa cho doanh nghiệp trong việc huy động nguồn tài lực trong xã hội cùng tham gia sản xuất, kinh doanh.
Qua ba quý đầu năm, TTCK Việt Nam đã từ đáy 234 điểm trong quý I (ngày 24-2) bật tăng liên tiếp cán mức 624 điểm, như vậy đã tăng hơn 150% so với thời điểm thấp nhất. Nếu so sánh giá trị giao dịch bình quân của quý II/2009 thì quý III/2009 cũng tăng mạnh, đạt bình quân 2.700 tỷ đồng/phiên, gấp ba lần so với mức bình quân năm 2008 và gấp tám lần so với quý I – 2009.
TrackBack URI

Create a free website or blog at WordPress.com.